"Những nỗi buồn đẹp" vẽ bằng ngón tay của họa sĩ Hồng Ngọc
Nữ họa sĩ Hồng Ngọc lần đầu tiên giới thiệu đến công chúng những tác phẩm tranh vẽ bằng ngón tay trong triển lãm “Những nỗi buồn đẹp” diễn ra từ ngày 7/7 đến hết ngày 16/7 tại J Art Space, Tp.HCM.
Họa sĩ Lê Như Nguyện và thông điệp yêu thương gửi đến phụ nữ
Họa sĩ 11 tuổi gây ngạc nhiên với triển lãm "Những linh hồn ẩn giấu"
Hoạ sĩ Lê Kinh Tài cùng '200 phiên bản' của bức tranh với sự kết hợp đầy tuyệt mỹ của mùi hương
Họa sĩ trẻ Hồng Ngọc sinh năm 1993 tại Tp.HCM trong một gia đình có truyền thống về nghệ thuật. Cha cô là họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh, bác ruột là nhà phê bình văn học Nguyễn Hưng Quốc, chú ruột là nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng.

Do di truyền tình yêu hội họa, cô đam mê vẽ từ khi mới bước vào tiểu học. Lên trung học, cô được cha dạy vẽ bằng bay và ngón tay, nhưng Hồng Ngọc thích vẽ bằng ngón tay nhiều hơn.
Với cách vẽ bằng ngón tay, người mới học rất khó thực hiện, nhưng Hồng Ngọc tiếp nhận rất nhanh. Đây là cách vẽ khó hơn bằng cọ vì thiên về cảm hứng nhiều hơn. Họa sĩ nặn màu trực tiếp lên toan rồi dùng ngón tay vẽ. Vì vậy họa sĩ cần nhạy cảm về màu sắc, hư sẽ rất khó sửa.

Hồng Ngọc không thi vào trường lớp hội họa bài bản mà cô chọn cách tự học. Trước khi chọn cách vẽ bằng ngón tay, cô từng thử đi học vẽ nhiều nơi. Trong đó, có lớp vẽ của Hội Mỹ thuật TP.HCM. Nhờ vậy, cô đã rút tỉa được nhiều bài học, nhưng sau cùng vẫn chọn cách mà bản thân thấy thoải mái nhất.

Hồng Ngọc cho rằng ngón tay là cách tốt nhất để bản thân có thể truyền tải những cảm xúc của bản thân vào tác phẩm một cách chân thực nhất, chạm vào sơn và cảm nhận từng sớ vải như thể hòa vào làm một. Hình ảnh thiếu nữ thuần khiết với thân hình mảnh mai, đôi mắt như bầu trời đêm với trăng và sao, là nét đặc trưng trong tranh của nữ họa sĩ 30 tuổi.

Nhà phê bình mỹ thuật Nguyên Hưng nhận xét: “Tranh của Hồng Ngọc, tuy gần gũi về đề tài, cấu trúc hình tượng và bố cục, kể cả bảng màu cũng hết sức quen thuộc, nhưng lại ứ đầy cảm xúc. Nổi bật trong tranh - thường chỉ có một, hai nhân vật - là một, hai đôi mắt mở to. Dường như Hồng Ngọc gởi gắm tất cả những điều mình muốn nói, muốn biểu hiện qua những “cửa sổ tâm hồn” này”.

Tất cả các đôi mắt đều mở to, nhưng trạng thái cảm xúc của từng đôi mắt, gắn liền với từng chủ đề qua từng bức tranh, thì lại rất khác nhau. Không chỉ biểu hiện sự ngây thơ, hồn nhiên hay thánh thiện, mà còn có cả những lo lắng, những nỗi buồn ẩn sâu...

Theo họa sĩ Nguyễn Hưng Trinh: “Với mẫu dáng thiếu nữ, nhưng từ hình tượng đến bố cục màu và bố cục không gian Hồng Ngọc không vẽ trùng lặp, mà mỗi bức tranh có sắc thái riêng, dễ đưa người xem đến cảm giác nhẹ nhàng, thích thú”.
Một đặc trưng nữa, đó là tính biểu tượng và ước lệ đã giúp tôn tạo nhân vật nữ ở mức tối đa, mang lại tinh thần tự họa một cách rõ nét. Khi vẽ thì Hồng Ngọc gần như tách mình ra khỏi thời điểm hiện tại để tìm được sự bình an cho tâm hồn ở thế giới của hội họa - nơi mà Hồng Ngọc tin rằng là dịu dàng nhất, để có thể tự do bày tỏ hết nỗi niềm của bản thân và chữa lành những thương tổn.
Hồng Ngọc ít tái hiện lại các hành động kịch tính, mà đi tìm sự trầm tư, sự quán chiếu vào bên trong chính mình. Ở đó có sự thăng hoa và thánh thiện. Ở đó có sự mơ mộng và tự do. Và trên hết, ở đó có những nỗi buồn đẹp. Để từ đây, Hồng Ngọc tìm thấy được lối nhỏ để vào hội họa, cũng là lối nhỏ để vào đời.