Thứ sáu, 05/01/2024, 10:26 (GMT+7)

Vì sao giá vé máy bay liên tục tăng cao?

Thực tế khiến nhiều người đặt câu hỏi, vì sao thị trường hàng không nội địa được cho là phục hồi tốt nhưng giá vé máy bay lại tăng cao như vậy?

Ghi nhận tại thị trường hàng không cho thấy, giá vé trong những ngày cận Tết tăng cao. Vào những ngày từ 4/2 đến 6/2 (tức từ 25 đến 27 tháng Chạp), chặng TP.HCM - Hà Nội, giá vé thấp nhất là 3,2 triệu đồng, bay vào đêm muộn; ở những giờ bay sớm hơn, giá vé khoảng trên dưới 3,5 triệu đồng nhưng số lượng không còn nhiều. Tình hình cũng tương tự ở chiều ngược lại sau Tết. 

Các chặng bay từ Hà Nội, TP. HCM đi Phú Quốc và các tỉnh thành khu vực miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa... những ngày cận Tết cũng đang có giá vé rất cao. Trước đó, giá vé vẫn neo ở mức kịch trần, không thể tìm được vé khuyến mãi của bất kỳ hãng nào dù đang trong giai đoạn thấp điểm hàng năm. 

Khả năng giám giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là rất thấp. (Ảnh: Smoney.vn)
Khả năng giám giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là rất thấp. (Ảnh: Smoney.vn)

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, chỉ trong 11 tháng đầu năm 2023, giá vé máy bay bình quân đã tăng tới 87,29% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều đáng nói, thực trạng này lại diễn ra trong bối cảnh thị trường hàng không nội địa được cho là bình phục tốt.

Lý giải điều này, ông Bùi Doãn Nề - Tổng thư ký Hiệp hội Hàng không Việt Nam cho biết, mặc dù báo cáo kết quả kinh doanh của các hãng đều cho thấy những con số khả quan song thực chất các hãng hàng không vẫn chưa thoát khỏi ảnh hưởng tiêu cực từ đợt dịch Covid-19. 

Theo đó, Hãng hàng không VietJet ghi nhận doanh thu thuần 9 tháng đầu năm 2023 đạt hơn 43,7 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 192 tỷ đồng; Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) đạt tổng doanh thu hơn 68 ngàn tỷ đồng, tăng 126% so với cùng kỳ, lãi gộp hơn 4,1 ngàn tỷ đồng. 

Tuy nhiên, báo cáo tài chính quý III/2023 của Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho thấy, các hãng hàng không đều nợ chưa thanh toán các chi phí sân bay. Trong đó, Vietnam Airlines nợ hơn 1,8 ngàn tỷ đồng, VietJet nợ hơn 3,4 ngàn tỷ đồng, Bamboo Airways nợ hơn 2 ngàn tỷ đồng, Pacific Airlines nợ hơn 800 tỷ đồng, Vietravel Airlines nợ hơn 200 tỷ đồng…

Đại diện các hãng hàng không cũng cho biết, khả năng giám giá vé máy bay trong thời điểm hiện tại là rất thấp. Hàng không đang phải đối mặt với nhiều khó khăn về "sức khỏe" tài chính, đặc biệt là trong bối cảnh xung đột địa chính trị, suy thoái kinh tế tại các nước và khu vực ngày càng phức tạp. 

Những bất ổn từ tình hình chung đã đẩy giá nhiên liệu bay neo ở mức cao (cả năm 2023 giá khoảng 105 USD/thùng, tăng 30% so với năm 2019), làm chi phí của các hãng hàng không tăng nhiều tỷ đồng (riêng Vietnam Airlines tăng 60 tỷ đồng so với năm 2019). Tỷ giá cũng diễn biến theo hướng bất lợi khi các đồng tiền thu chính của hãng hàng không như Yen Nhật Bản, Won Hàn Quốc đều mất giá so với đồng tiền chi phí của các hãng là USD. 

Vì vậy, trong bối cảnh hoạt động thu chi mất cân đối và thiếu hụt nguồn tiền khiến các hãng hàng không không thể thực hiện giảm giá vé máy bay. Bởi chỉ khi tiềm lực tài chính đủ mạnh, các hãng hàng không mới có thể đưa ra nhiều dải vé linh hoạt, phù hợp với thu nhập của người dân.

Bám sát tình hình thực tế của các hãng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải quyết định cho phép các hãng áp giá trần mới, tăng trung bình 3,75% so với giá trần cũ từ ngày 1/3/2024. Trong đó, giá vé nội địa phổ thông cho đường bay dài nhất từ 1.280km trở lên mức 4 triệu đồng một chiều, tăng 250.000 đồng so với trước. Các đường bay còn lại tăng từ 50.000-100.000 đồng. Cục Hàng không Việt Nam cho biết, việc nới giá trần sẽ tạo cơ hội cho các hãng có điều kiện điều chỉnh giá vé linh hoạt theo thị trường, tăng thu để bù chi.

Cùng chuyên mục