Thứ sáu, 22/03/2024, 14:53 (GMT+7)

Hàng hóa Trung Quốc đổ bộ, làm sao doanh nghiệp không mất chỗ đứng trên sân nhà?

Sự bùng nổ của thương mại điện tử đã mở ra cánh cửa giúp hàng hóa Trung Quốc vượt biên đến tay người tiêu dùng Việt. Không chỉ xuất hiện trên các sàn thương mại, hàng hóa Trung Quốc gây sức ép lên các doanh nghiệp Việt khi ồ ạt dựng tổng kho sát biên giới Việt Trung.

Để tăng độ phủ sóng của hàng hóa, Trung Quốc đã lên kế hoạch xây dựng Khu thương mại tự do thí điểm Hồng Hà theo mô hình tích hợp kho bãi, chế biến xuất nhập khẩu, hậu cần hiện đại, thương mại điện tử xuyên biên giới tại huyện Hà Khẩu - cửa ngõ quan trọng trong giao lưu kinh tế, văn hóa giữa đất nước tỷ dân và Việt Nam.

Ngày 1/1/2020, giai đoạn 1 của dự án Khu công nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới Trung Quốc - ASEAN (Hà Khẩu) đã chính thức hoàn thành và đi vào hoạt động, hiện có 150 công ty hoạt động trong khu này.

z5273888238814_c07395416f59eb56866f8ee303764fdc
Việc áp dụng công nghệ vào hoạt động kho vận giúp đơn hàng TMĐT Trung Quốc về Việt Nam nhanh chóng. (Ảnh: M.H)

Hiện Sở Thương mại và Cục Xúc tiến đầu tư tỉnh Vân Nam (Trung Quốc) đang đầu tư giai đoạn 2 của dự án tại Khu thương mại tự do thí điểm Hồng Hà. Mục tiêu đầu tư dự án là để phát triển xuất nhập khẩu thương mại điện tử xuyên biên giới, thương mại điện tử trong nước, trung tâm livestream, hậu cần và vận tải xuyên biên giới...

Sau khi dự án hoàn thành, Khu thương mại tự do thí điểm Hồng Hà dự kiến có thể hoàn thành kiểm tra 50.000 bưu kiện/ngày, trọng lượng khoảng 800 tấn, khối lượng giao dịch hàng năm dự kiến ​​vượt 2 tỷ nhân dân tệ (280 triệu USD).

Được biết Hà Khẩu (Vân Nam, Trung Quốc) giáp với tỉnh Lào Cai của Việt Nam, cách Hà Nội 295 km và cách cảng Hải Phòng 416 km. Bên cạnh đó, dự án nằm gần ga xe lửa Bắc Hà Khẩu, thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa bằng tàu hỏa và bốc dỡ hàng, đồng thời có lợi thế về chi phí vận chuyển.

Hay ở Đông Hưng (Quảng Đông, Trung Quốc), cách thành phố Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) chỉ một con sông cũng đang đẩy mạnh phát triển Khu thương mại biên giới Đông Hưng thành khu thương mại biên giới lớn nhất Quảng Tây.

Tại đây hiện có hơn 20 công ty thương mại điện tử xuyên biên giới hoạt động trong thành phố. Trong đó, có hơn 200 mặt hàng như đồ thủ công mỹ nghệ và sản phẩm mây, mỗi tháng có khoảng 500.000 sản phẩm bán ra.

Cũng nằm sát biên giới Việt Trung, thành phố Bằng Tường (Quảng Tây) cũng đang đẩy mạnh mô hình livestream bán hàng ngay tại khu thương mại điện tử xuyên biên giới Bằng Tường. Từ khi phát động sự kiện "lễ độc thân 11/11", Công ty TNHH Thương mại điện tử Quảng Tây Liya, thuộc khu thương mại điện tử xuyên biên giới Bằng Tường đã thực hiện 50 phiên livestream mỗi ngày để kích cầu tiêu dùng từ đối tượng khách hàng khu vực ASEAN.

trung-quoc-siet-chat-cac-quy-tac-quan-ly-livetream-ban-hang-3689
Trung Quốc đẩy mạnh bán hàng qua livestream. (Ảnh: Contagious)

Tại Quảng Châu (Trung Quốc) cũng đang gấp rút xây dựng Trung tâm thương mại tích hợp thương mại điện tử với tổng diện tích xây dựng khoảng 44.000 m2. Trong năm 2023, Quảng Châu đã đưa vào hoạt động tổng cộng 6 kho trong năm 2023, nâng tổng diện tích kho hàng lên tới 735.000 m2.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh Việt Nam còn phụ thuộc vào nguyên phụ liệu, thậm chí công nghệ từ Trung Quốc, việc hàng hóa Trung Quốc thâm nhập dễ dàng và sự chuyển dịch thói quen mua hàng của người Việt Nam có thể ảnh hưởng lớn đến các ngành sản xuất trong nước như may mặc, hàng hóa gia dụng… Nếu không chịu thay đổi, các nhà bán hàng nhỏ lẻ, thiếu chuyên nghiệp trong nước sẽ rất dễ bị gạt ra khỏi cuộc chơi.

Theo đó, hướng đi đúng đắn cho nhà bán hàng ở Việt Nam lúc này là tối ưu năng lực nội tại, tập trung vào các thế mạnh của sản phẩm để thích ứng với làn sóng này cũng như có thể tồn tại và phát triển. Ví dụ, nhà bán hàng có thể thúc đẩy các sản phẩm đặc biệt của địa phương mà không nơi nào có, duy trì sự đồng đều về chất lượng sản phẩm và xây dựng hình ảnh thương hiệu đúng cách.

13f68342811850851cc0b55f5a343d54
Đẩy mạnh việc đưa nông sản lên sàn thương mại điện tử. (Ảnh: Congthuong)

Ở chiều ngược lại, trừ một số mặt hàng đặc thù, Việt Nam khó xuất ngược sang để bán khi lợi thế cạnh tranh còn quá ít. Do đó, nhà bán hàng trong nước cũng không thể bán hàng tràn lan như trước. Thậm chí, nhiều tiểu thương còn không thể cạnh tranh ở một số mặt hàng như đồ gia dụng, túi, ví… và đành chấp nhận chuyển ngành.

Để giữ thế "thượng phong" trên sân nhà, các tiểu thương Việt Nam với sự hiểu biết về văn hóa, lối sống địa phương, cần tận dụng lực lượng KOL/KOC đông đảo để định hướng người dùng. Trên thực tế, các mặt hàng như nông sản, thực phẩm khô, mỹ phẩm hữu cơ… cũng có thể khai thác. Không thể thiếu trong thị trường hiện nay đó là những câu chuyện liên quan đến thương hiệu, tạo niềm tin đối với người tiêu dùng, khuyến khích "người Việt dùng hàng Việt". Ngoài ra, các doanh nghiệp Việt nên kết hợp tận dụng ưu điểm của nhau, cạnh tranh lành mạnh và cùng đi lên.

Cùng chuyên mục