Đường cát nhập lậu 'trăm phương ngàn kế' thâm nhập thị trường Việt Nam, xử lý thế nào?
Bất chấp nỗ lực tăng cường chốt chặn, rà soát các tuyến đường biên giới và tuyến Quốc lộ 9 của lực lượng chức năng, "trăm phương ngàn kế" vẫn được các đối tượng buôn lậu sử dụng để lách luật, tuồn hàng về Việt Nam.
Thủ đoạn biến hóa khôn lường
Theo Tổng cục Quản lý thị trường, tình hình buôn lậu đường cát lại diễn biến “nóng” hơn và phức tạp với phương thức, thủ đoạn tinh vi, khó lường. Chỉ trong vòng 5 ngày, lực lượng tỉnh QLTT tỉnh Quảng Trị đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 03 vụ việc kinh doanh đường cát nhập lậu với tang vật vi phạm bị thu giữ là 16 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất.
Cụ thể, tối muộn ngày 7/6/2024, sau khi phối hợp với Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Quảng Trị đón dừng phương tiện, Đội QLTT số 1 đã tiến hành khám xe tải mang biển kiểm soát 37H-040.XX, rơ móoc 37R-030.XX đang trên đường vận chuyển 34 tấn đường cát trắng do Thái Lan sản xuất vào thành phố Hồ Chí Minh để tiêu thụ.
Thời điểm kiểm tra, người điều khiển phương tiện đã xuất trình 3 hóa đơn xuất bán 34 tấn đường cát đang được vận chuyển trên xe. Tuy nhiên, qua kiểm tra, đối chiếu hồ sơ, các loại hóa đơn chứng từ, Đội QLTT số 1 phát hiện trong số 3 hóa đơn mà người điều khiển xuất trình có 1 tờ hóa đơn không hợp lệ (dùng hóa đơn quay vòng để vận chuyển đường cát nhập lậu).
Căn cứ trên hồ sơ khám phương tiện và kết quả đối chiếu với các hồ sơ, hóa đơn mua-bán hàng, cân đối lượng nhập-xuất-tồn của các kho hàng trước đó, Đội QLTT số 1 kết luận trong tổng số 34 tấn đường cát trắng đang được vận chuyển trên xe ôtô mang biển kiểm soát số 37H-040.XX, rơ móoc 37R-030.XX có 10 tấn đường cát do Thái Lan sản xuất nhập lậu, không có hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp theo quy định.
Ngay sau đó, Đội QLTT số 1 đã thiết lập hồ sơ vụ việc, đồng thời tạm giữ 10 tấn đường cát trắng nói trên để xử lý hành vi kinh doanh hàng nhập lậu.
Theo Đội QLTT số 1, chủ sở hữu số đường nói trên cũng đã có hành vi kinh doanh 5 tấn đường cát vàng nhập lậu trước đó vừa bị Đội phát hiện, thu giữ trong vụ việc khám xe ô tô mang biển kiểm soát đầu kéo: 77E-005.XX, rơ móoc 77R-042.XX vào ngày 4/6/2024.
Tiếp đến, Đội QLTT số 2 trực thuộc Cục QLTT tỉnh Quảng Trị cũng đã tiến hành khám phương tiện biển kiểm soát số 74C-135.XX và tạm giữ 1 tấn đường cát Thái Lan sản xuất nhập lậu trong đêm 8/6/2024.
Các vụ việc trên cho thấy, mặc dù các lực lực lượng chức năng tỉnh Quảng Trị đã nỗ lực tăng cường chốt chặn các đường mòn, lối mở, kiểm soát chặt các tuyến đường biên và tuyến Quốc lộ 9, tuy nhiên các đối tượng buôn lậu vẫn bất chấp các quy định của pháp luật, tìm mọi cách, mọi đủ thủ đoạn để thực hiện hành vi vi phạm.
Thời gian tới, Cục QLTT tỉnh Quảng Trị sẽ tiếp tục tăng cường theo dõi, quản lý địa bàn, sàng lọc đối tượng, trong trường hợp phát hiện đối tượng, phương tiện vi phạm mà không thể kịp thời triển khai được các phương án thì báo cáo ngay về Lãnh đạo Cục để kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi buôn lậu, nhập lậu hàng hóa vào sâu trong thị trường nội địa.
Nhập lậu đường cát qua biên giới, chế tài xử phạt thế nào?
Hành vi nhập lậu đường cát qua biên giới là vi phạm pháp luật. Tuy nhiên, tùy theo số lượng, giá trị của số đường cát được mua bán, tàng trữ và vận chuyển trái phép qua biên giới mà người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử phạt hành chính, căn cứ Nghị định 128/2020/NÐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan; Nghị định số 98/2020/NÐ-CP ngày 26/8/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Theo đó, mức phạt hành chính cho hành vi nhập lậu có thể lên tới 75.000.000 đồng, nhưng nếu đạt đủ điều kiện cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Về xử lý hình sự thì căn cứ các Ðiều 188, Ðiều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) để xử lý theo quy định. Căn cứ vào mức độ vi phạm mà các cá nhân có thể bị phạt tù từ 3 tháng - 10 năm.
Bên cạnh các quy định của Bộ luật hình sự năm 2015 thì từ ngày 10/10/2020, Nghị định số 96/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ biên giới quốc gia cũng chính thức có hiệu lực.
Việc tăng nặng chế tài xử phạt đối với hành vi này được kỳ vọng sẽ góp phần khắc chế được tình hình hoạt động vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới vẫn đang diễn biến phức tạp hiện nay. Đồng thời, để góp phần đẩy lùi các tệ nạn xã hội, người dân cần nâng cao trách nhiệm và nâng cao hiểu biết pháp luật và chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật, không tham gia tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật.
- Hàng lậu, hàng giả mạo nhãn hiệu bị thu giữ: Quy định xử lý thế nào?
- Nên mở 1 sổ hay nhiều sổ tiết kiệm: Nhân viên ngân hàng lâu năm đưa ra lời khuyên hữu ích
- Triệt phá kho hàng lậu giá trị hơn 1 tỷ đồng giữa Thủ đô
- Chiêm ngưỡng mâm cúng Tết Đoan Ngọ đẹp hút hồn của hội chị em đảm đang, ai thấy cũng phải trầm trồ
- Cùng đóng bảo hiểm 15 năm, vì sao tỷ lệ hưởng lương hưu của lao động nam thấp hơn nữ?
- 12 năm ra báo cáo phát triển bền vững, Vinamilk công bố những thông tin gì?
- Lãi suất ngân hàng hôm nay 10/6: Nên gửi tiền tiết kiệm kỳ hạn ngắn ở ngân hàng nào?
- Thu giữ hàng nghìn sản phẩm giả mạo nhãn hiệu Samsung, Apple: Quy định xử lý ra sao?
- 5 phương pháp định giá đất tại Luật Đất Đai 2024, người dân nên biết