Dùng thẻ tín dụng làm sao để thoát được sự ‘ám ảnh’ mang nợ, thậm chí còn sinh lời?
Thẻ tín dụng là một loại thẻ phổ biến hiện nay. Tuy nhiên, rất nhiều người đang mang mơ hồ, chưa biết hết lợi ích của loại thẻ này.
Thẻ tín dụng là thẻ gì?
Thẻ tín dụng là loại thẻ được cấp bởi các đơn vị tài chính hoặc tổ chức tín dụng, cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch với hạn mức tín dụng nhất định. Hay nói cách khác, khi không có sẵn tiền thì chủ thẻ tín dụng vẫn có thể chi tiêu và thanh toán lại cho ngân hàng sau. Chính vì vậy, đây là loại thẻ được nhiều khách hàng sử dụng, mang lại nhiều tiện ích trong cuộc sống.
Những thông tin cần quan tâm khi sử dụng thẻ tín dụng:
- Hạn mức thẻ tín dụng: Là số tiền tối đa mà chủ thẻ được chi tiêu. Hạn mức thẻ tín dụng phụ thuộc vào năng lực tài chính của chủ thẻ tại thời điểm mở thẻ.
- Bảng sao kê thẻ tín dụng: Đây được coi như là hóa đơn mà ngân hàng phát hành thẻ gửi cho chủ thẻ vào cuối kỳ sao kê. Bảng sao kê sẽ thể hiện tất cả các giao dịch mà bạn sử dụng thẻ để chi tiêu, số dư nợ thẻ tín dụng, ngày đến hạn thanh toán và số tiền tối thiểu cần thanh toán.
- Thanh toán tối thiểu thẻ tín dụng: Là số tiền thấp nhất mà chủ thẻ cần phải trả để không bị tính phí phạt hoặc không bị cho vào danh sách nợ xấu. Số tiền tối thiểu sẽ phụ thuộc vào quy định của từng ngân hàng và thông thường là khoảng 5% tổng số dư nợ.
- Lãi suất thẻ tín dụng: Đó là mức lãi suất tính trên số dư nợ còn lại của khách hàng (sau khi hết thời gian miễn lãi). Và số tiền dư nợ càng nhiều thì số tiền lãi càng lớn. Do đó, bạn nên thanh toán dư nợ càng nhiều càng tốt để tiết kiệm chi phí tiền lãi.
Những cách dùng thẻ tín dụng ‘sinh lời’ mà không phải ai cũng biết
1. Ghi chép lại chi tiêu
Để kiểm soát tài chính, dù bạn dùng hình thức thanh toán nào cũng nên có thói quen ghi chép lại chi tiêu hàng ngày. Bạn có thể viết tay từng khoản tiền hoặc dùng ứng dụng ghi chép tài chính. Nhiều người dùng thẻ tín dụng ỷ lại vào bản sao kê của loại thẻ này, tuy nhiên con số thực tế tiêu tiền nhiều hơn dự kiến.
Bởi ngoài thẻ tín dụng, họ còn thanh toán bằng tiền mặt hay tài khoản ngân hàng nhưng lại quên ghi chép khoản tiền này vào sổ chi tiêu. Bên cạnh đó, nếu bạn đang chia sẻ "ngân sách" với người khác, hãy đảm bảo cả hai có phương tiện theo dõi chi tiêu chung.
2. Trả nợ thẻ tín dụng đúng hạn
Thanh toán nợ tín dụng đúng hạn là phương pháp tốt nhất giúp bạn không phải chịu thêm bất kỳ khoản phí phát sinh nào.
Bạn cần phải để ý thời gian ngân hàng lên sao kê và thời gian cần thanh toán thẻ hàng tháng. Đồng thời, bạn nên thường xuyên kiểm tra tin nhắn nhắc nhở và email thông báo từ ngân hàng để tránh trường hợp sơ ý quên mất thời điểm trả nợ thẻ. Sau cùng, hãy chăm chỉ theo dõi các sao kê giao dịch thông qua ứng dụng ngân hàng để biết đã chi tiêu bao nhiêu tiền, từ đó cân đối tài chính giữa dư nợ và nguồn hoàn trả.
Một điều mà chuyên gia tài chính của Forbes gợi ý là bạn nên đơn giản hoá lịch trả nợ thẻ tín dụng. Điều này giúp đảm bảo bạn không quên hạn trả nợ thẻ tín dụng, cũng như sắp xếp đủ tiền để chi trả cho từng khoản nợ. Chẳng hạn, bạn nên xem xét trả tiền thuê nhà bằng thẻ tín dụng vào đầu tháng, sau đó trả tiền mua sắm trang phục vào cuối tháng. Việc giãn cách thời gian phải trả 2 khoản nợ giúp bạn chuẩn bị tài chính tốt hơn.
3. Xử lý nợ tín dụng thông minh
Quẹt thẻ tín dụng là một lựa chọn được ưu tiên của nhiều người cho các khoản vay ngắn hạn. Lãi suất trên thẻ thấp hơn đáng kể so với vay tiền ngân hàng. Tuy nhiên, sự tiện lợi của thẻ tín dụng cũng có thể khiến bạn nảy sinh tâm lý "chi tiêu bốc đồng" và dễ dàng vượt mức mua sắm hàng ngày.
Do đó, bất cứ khi nào có ý định mua đồ vượt quá ngân sách chi tiêu bằng thẻ tín dụng, hãy cố gắng cân nhắc những khoản mua sắm đó có thực sự xứng đáng với số tiền bỏ ra hay không. Hãy cân nhắc xem việc mua món đồ đó có nằm trong khả năng trả nợ tín dụng của bạn. Nếu đang có nhiều thẻ tín dụng, bạn có thể đặt mua hàng bằng thẻ có mức lãi suất thấp nhất.
4. Dùng thẻ tín dụng để tận dụng tính năng hoàn tiền, điểm thưởng
Nhiều người tiêu dùng thừa nhận họ thích dùng thẻ tín dụng bởi hình thức thanh toán này có nhiều chương trình ưu đãi như tính năng hoàn tiền (cashback), điểm thưởng, ưu đãi khi mua hàng...
Đây cũng là cách mà bạn có thể tận dụng để "sinh lời" từ việc tiêu dùng thẻ tín dụng so với chi trả bằng tiền mặt. Bởi thực tế, khi thanh toán bằng tiền mặt, bạn sẽ không nhận được bất kỳ phần quà nào từ người bán hàng.
Hiện nay, nhiều người trẻ có xu hướng xài đồng thời nhiều thẻ tín dụng cùng lúc để tận hưởng tính năng ưu đãi, hoàn tiền này. Tuy nhiên, các chuyên gia tài chính cho rằng bạn chỉ nên dùng 2-3 thẻ tín dụng, đồng thời ghi chép chi tiêu cẩn thận để tránh việc không thể xử lý hết nợ khi dùng nhiều thẻ.