Đứng sau Temu là ai mà khiến các quốc gia phải 'dè chừng'? Hành trình từ tân binh đến thương hiệu gây sốt toàn cầu
Temu đang nhanh chóng nổi lên như một "thế lực mới" trong ngành thương mại điện tử toàn cầu với 47 triệu lượt tải ứng dụng trên toàn thế giới chỉ trong tháng 9 vừa qua. Tuy nhiên, kể từ khi ra mắt, nền tảng này đã không ít lần gặp phải những lùm xùm xoay quanh hoạt động kinh doanh của mình.
Temu hoạt động thế nào và ai là người đứng sau?
Temu là nền tảng thương mại điện tử cung cấp nhiều loại hàng hóa với giá cả cực kỳ cạnh tranh, từ phụ kiện ô tô, quần áo, đồ điện tử đến mỹ phẩm và đồ dùng trẻ em. Một số sản phẩm trên Temu có mức giá gây sốc, như vòng cổ chỉ 1 USD (25.000 đồng) hay bàn phím không dây giá 10 USD (250.000 đồng).
Nền tảng này được thành lập chính thức tại Delaware, Mỹ, với trụ sở chính đặt tại Boston, nhưng công ty mẹ là PDD Holdings - tập đoàn thương mại khổng lồ của tỷ phú Trung Quốc Colin Huang. PDD Holdings, có trụ sở tại Thượng Hải và mới đây chuyển trụ sở chính sang Dublin, Ireland vào năm 2023, cũng quản lý Pinduoduo - nền tảng thương mại điện tử rất thành công tại Trung Quốc.
Đáng chú ý, vào cuối năm ngoái, PDD Holdings đã vượt qua Alibaba để trở thành công ty Trung Quốc có giá trị niêm yết cao nhất tại Mỹ.
Theo Forbes, Temu kết nối người tiêu dùng với nhà cung cấp Trung Quốc thông qua hình thức mua trực tiếp từ xưởng sản xuất, giúp giảm thiểu chi phí và giữ giá thành cực thấp.
Mô hình của Temu chịu ảnh hưởng từ thành công của "người chị em" Pinduoduo, nổi bật với chiến lược giảm giá mạnh để thu hút người tiêu dùng thu nhập thấp, cũng như nông dân bán các sản phẩm nông nghiệp tại Trung Quốc.
Thị trường đầu tiên mà Temu chinh phục là Mỹ. Chỉ hai tháng sau khi ra mắt vào tháng 9/2022, ứng dụng này đã vượt qua các tên tuổi lớn như TikTok, YouTube và Instagram về số lượt tải trên App Store và Google Play.
Hiện Temu đã có mặt tại hơn 79 quốc gia, từ Mỹ, Brazil, Mexico đến các quốc gia châu Âu, châu Á, và mới nhất là Đông Nam Á với sự xuất hiện tại Philippines (8/2023), Malaysia (9/2023), Thái Lan (7/2024), và Việt Nam (10/2024). Temu đặt mục tiêu doanh số 60 tỷ USD trong năm 2024, tham vọng trở thành nền tảng lớn thứ hai sau Amazon tại Mỹ và dẫn đầu thị trường thương mại điện tử ở châu Âu.
Theo số liệu của Statista, Temu đang dẫn đầu về lượt tải ở Mỹ với 31%, theo sau là Brazil (29%), Mexico (10%), Anh (5%) và Philippines (3%). Dữ liệu từ SimilarWeb cũng cho thấy Temu.com thu hút gần 700 triệu lượt truy cập hàng tháng và đứng thứ hai thế giới về truy cập, chỉ sau Amazon.
Sự tăng trưởng thần tốc của Temu phần lớn nhờ vào chiến lược bán hàng giá rẻ tận xưởng, kết hợp với các chương trình tiếp thị liên kết trên mạng xã hội, trò chơi quay thưởng và các chương trình giảm giá chớp nhoáng.
Chiến lược này đã giúp Temu xây dựng nhóm khách hàng đông đảo, sẵn sàng săn đón các sản phẩm giá hời. Nhờ vậy, Temu đã có bước tiến nhanh chóng trên thị trường quốc tế, mặc dù vẫn còn một khoảng cách về quy mô với các nhà bán lẻ lớn khác.
Temu “Tân binh” thương mại điện tử vấp phải hàng rào kiểm soát chặt chẽ trên toàn cầu
Temu chỉ sau 2 năm phát triển đã đối diện hàng loạt biện pháp kiểm soát tại nhiều thị trường lớn trên thế giới. Ở Đông Nam Á, châu Âu và Mỹ, nền tảng này đang phải vượt qua những thách thức mới từ quy định pháp luật và chính sách thương mại quốc tế nhằm bảo vệ nền kinh tế địa phương.
Tại Indonesia, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và Tin học Budi Arie Setiadi khẳng định rằng lệnh cấm đối với Temu sẽ tiếp tục được duy trì. Ông bày tỏ lo ngại rằng mô hình kinh doanh bán hàng trực tiếp từ nhà sản xuất đến người tiêu dùng của Temu có thể làm suy yếu khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bên cạnh đó, một quan chức Bộ Thương mại Indonesia nhấn mạnh Temu không tuân thủ quy định yêu cầu phải có nhà phân phối trung gian.
Thái Lan, một thị trường khác trong khu vực, cũng áp dụng chính sách khắt khe với nền tảng thương mại điện tử này. Tháng 7 vừa qua, nước này bắt đầu áp thuế giá trị gia tăng (VAT) 7% đối với tất cả các kiện hàng nhập khẩu có giá trị dưới 1.500 baht (42 USD) – chính sách này sẽ tiếp tục vào năm 2025.
Ngoài ra, chính phủ Thái Lan cũng yêu cầu các cơ quan liên quan giám sát chặt chẽ việc tuân thủ pháp luật của Temu. Theo Bangkok Post, nhiều người tiêu dùng và doanh nghiệp tại Thái Lan đã kêu gọi cấm Temu, lo ngại hàng giá rẻ từ nền tảng này làm suy yếu chuỗi cung ứng địa phương.
Không chỉ Đông Nam Á, tại châu Âu, Temu đối mặt với các quy định nghiêm ngặt về nội dung trực tuyến. Hiện tại, nền tảng đang thu hút tới 75 triệu người dùng mỗi tháng, một con số buộc Liên minh châu Âu (EU) phải đặt Temu dưới sự giám sát đặc biệt, nhằm đảm bảo tuân thủ Đạo luật Dịch vụ Kỹ thuật số (DSA).
Vào ngày 11/10 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã yêu cầu Temu cung cấp thông tin chi tiết về các biện pháp ngăn chặn hàng hóa bất hợp pháp, với thời hạn phản hồi đến ngày 21/10.
Tại Đức, Hiệp hội Bán lẻ (HDE) kêu gọi chính phủ siết chặt kiểm tra các lô hàng của Temu, lo ngại về sự cạnh tranh không công bằng từ các sản phẩm giá rẻ và kém chất lượng từ Trung Quốc.
Chính phủ Đức cũng đang cân nhắc thay đổi chính sách, bao gồm loại bỏ miễn thuế 150 euro đối với hàng nhập khẩu nhỏ lẻ, nhằm đảm bảo Temu và các nền tảng tương tự tuân thủ tiêu chuẩn về an toàn sản phẩm và bảo vệ môi trường.
Tại Mỹ, dù Temu đã trở thành một trong những ứng dụng được tải xuống nhiều nhất, nền tảng này vẫn phải đối diện với các động thái hạn chế. Chính quyền Tổng thống Joe Biden đã tuyên bố có khả năng thay đổi ngưỡng miễn thuế nhập khẩu cho các lô hàng giá trị thấp.
Theo chuyên gia bảo mật Schmidt từ Đại học Vanderbilt, nếu Temu tiếp tục thu hút người dùng mua hàng giá rẻ, sẽ tạo áp lực lên các nền tảng nội địa như Amazon, từ đó tác động đến cấu trúc giá và lương của người lao động Mỹ.
Tại thị trường Việt Nam, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc mới đây đã yêu cầu rà soát việc kê khai thuế của Temu tại Việt Nam, đồng thời xác nhận Temu phải nộp thuế tương tự các nền tảng như Google và Facebook.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cũng yêu cầu các đơn vị tăng cường truyền thông và hướng dẫn người tiêu dùng thận trọng khi mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới, đồng thời nghiên cứu phương án giám sát và kiểm soát hàng hóa nhập khẩu thông qua các nền tảng chưa tuân thủ pháp luật Việt Nam, theo Cổng thông tin Chính phủ.
Các biện pháp kiểm soát mà Temu đang đối mặt tại nhiều thị trường cho thấy mối quan ngại ngày càng gia tăng về sự cạnh tranh từ hàng hóa giá rẻ, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nền kinh tế địa phương. Đây có thể là thách thức dài hạn cho nền tảng này khi mỗi quốc gia đang dần xây dựng những rào cản nhằm bảo vệ doanh nghiệp nội địa và quyền lợi người tiêu dùng.
- 'Muôn hình vạn trạng' vi phạm livestream bán hàng giả, không rõ nguồn gốc trên thương mại điện tử, đánh lừa người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách
- Các nền tảng thương mại điện tử Temu, Shein, 1688 vào Việt Nam cần tuân thủ các quy định nào?
- Biến số lượng lớn thực phẩm chức năng giả thành mặt hàng có thương hiệu rồi bán trên sàn thương mại điện tử