'Muôn hình vạn trạng' vi phạm livestream bán hàng giả, không rõ nguồn gốc trên thương mại điện tử, đánh lừa người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách
Thương mại điện tử bùng nổ trở thành kênh phân phối, bán hàng hiệu quả, đặc biệt là hình thức livestream bán hàng ngày càng phổ biến, khiến người tiêu dùng như lạc vào "mê hồn trận" với đủ loại hàng hóa…
Lợi dụng triệt để livestream để bán hàng và những thủ đoạn tinh vi
Những năm gần đây, hình thức livestream (phát trực tiếp) bán hàng trực tuyến đã và đang trở nên sôi động, thu hút nhiều người tham gia. Chỉ cần vào Facebook, Tiktok, người dùng dễ dàng theo dõi các buổi livestream bán hàng từ giày dép, quần áo, túi xách, mỹ phẩm đến thực phẩm chức năng, trong đó không ít người bán là các hot girl, người có sức ảnh hưởng trên mạng xã hội.
Tuy nhiên, sự phát triển này cũng đặt ra những thách thức không nhỏ cho các cơ quan quản lý trong việc kiểm soát hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ được rao bán tràn lan trên mạng internet, trên các nền tảng giao dịch trực tuyến đang là vấn đề nhức nhối của xã hội, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, môi trường đầu tư kinh doanh, gây thất thu ngân sách...
Theo cơ quan quản lý thị trường, livestream bán hàng trên các ứng dụng thương mại điện tử, mạng xã hội, website, sàn thương mại điện tử bị lợi dụng triệt để để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) - Bộ Công an đã từng phối hợp với các lực lượng phát hiện nhiều kho hàng với diện tích rất lớn đặt tại Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Giang, Lào Cai… chứa hàng trăm nghìn mặt hàng không rõ nguồn gốc, xuất xứ có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu của nhiều thương hiệu lớn như: Nike, Adidas, Gucci, Nano J.Plus… Các đối tượng đã trực tiếp tiến hành sản xuất và đăng bán thông qua mạng xã hội.
Điển hình, trước đó, thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường cho biết, chiều 3/10, Tổ Thương mại điện tử thuộc Cục Nghiệp vụ Quản lý thị trường đã đột xuất kiểm tra điểm chứa trữ hàng hóa tại tầng 1, CT3, Tòa nhà Eco Green, số 286 đường Nguyễn Xiển (xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội). Tại đây, lực lượng chức năng đã tiến hành tạm giữ hơn 10.000 chai nước hoa không rõ nguồn gốc các nhãn hiệu như True Love, First Love, Mon Paris, Maiden, Karri… Trên sản phẩm hiển thị ngôn ngữ nước ngoài, tuy nhiên không có nhãn phụ bằng tiếng Việt theo quy định. Cơ quan chức năng cho biết hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu.
Được biết, kho hàng này thuộc sở hữu của Công ty CP Tập đoàn Zenpali, do ông C.V.T làm Tổng Giám đốc. Địa điểm kinh doanh được bố trí bài bản với đầy đủ các khu vực livestream, khu vực chốt đơn, khu vực máy tính phục vụ việc tăng lượt xem ảo cho các video, khu vực đóng gói và kho hàng.
Theo cơ quan chức năng, toàn bộ sản phẩm được bán chủ yếu bằng hình thức livestream trên các nền tảng thương mại điện tử như Tiktok, Facebook dưới một số tài khoản, điển hình như tài khoản “Phan Thủy Tiên” với hơn 4 triệu lượt follow, chốt hàng trăm đơn mỗi ngày. Đây cũng chính là “hot” Tiktoker bán hàng nổi tiếng trên nền tảng Tiktokshop trong thời gian qua…
Thông tin trên báo chí, ông Dương Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội cho biết, các đối tượng vi phạm thường lập nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử hoặc mạng xã hội, bán hàng theo hình thức livestream... Các điểm bán hàng này thường không giới thiệu địa chỉ cơ sở kinh doanh, khách mua chốt đơn trực tiếp hoặc thông qua inbox (nhắn tin riêng).
Ðể tăng niềm tin, các đối tượng còn thuê những người nổi tiếng tham gia quảng cáo cho các sản phẩm, hoặc sử dụng nhiều hội, nhóm trên mạng xã hội để mua lượng theo dõi hoặc bình luận về sản phẩm không đúng bản chất, thậm chí chốt đơn giả để đánh lừa người tiêu dùng...
Bên cạnh đó, tài khoản trên sàn thương mại điện tử thường sử dụng các hình ảnh của hàng thật, hàng chính hãng để quảng cáo, chào bán với giá rẻ hơn rất nhiều so với các cửa hàng, địa chỉ bán hàng chính hãng nhằm lôi kéo người dùng. Để lách qua các bộ lọc kỹ thuật của sàn thương mại điện tử, các đối tượng cố tình thay đổi tên sản phẩm khi đăng bán để tránh bị kiểm soát. Chẳng hạn, khi nhái các thương hiệu nổi tiếng như: Dior, Chanel, Gucci thì viết thành D.I.O.R, Cha nel, DIO, Gu.ci...
Ngoài ra, thủ đoạn của các đối tượng này là thường sử dụng một địa chỉ để giao dịch, livestream bán hàng nhưng tập kết, tàng trữ hàng hóa tại nhiều địa điểm khác nhau hoặc kết hợp vừa làm nơi giao dịch vừa làm nơi ở, cất giấu hàng hóa nên khó khăn cho công tác giám sát, kiểm soát, kiểm tra và xử lý vi phạm. Chưa kể, hầu hết các giao dịch theo hình thức này đều không có hóa đơn, chứng từ cụ thể nên công tác phát hiện, quản lý và xử lý càng trở nên khó khăn.
Livestream bán hàng giả trên mạng có thể bị xử lý hình sự
Nghị định số 85/2021/NĐ-CP nêu rõ, thương nhân, tổ chức cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử phải có biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện hoặc nhận được phản ánh về hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật trên sàn giao dịch thương mại điện tử.
Đó là, ngăn chặn và loại bỏ khỏi website những thông tin mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh; gỡ bỏ thông tin về hàng hóa, dịch vụ vi phạm pháp luật trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền; cảnh cáo hoặc từ chối cung cấp dịch vụ có thời hạn hoặc vĩnh viễn đối với những cá nhân, thương nhân, tổ chức có hành vi kinh doanh vi phạm pháp luật…
Pháp luật hiện hành quy định, buôn bán hàng giả nói chung và bán hàng giả thông qua internet nói riêng là hành vi trái pháp luật, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hậu quả, cá nhân thực hiện hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng, tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật về số lượng hoặc giá trị thu lợi bất hợp pháp từ hàng giả thì người bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 1 – 70 triệu đồng.
Tương tự, tại Điều 11 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa, tùy thuộc vào giá trị tương đương của hàng giả so với hàng thật về số lượng hoặc giá trị thu lợi bất hợp pháp từ hàng giả thì người bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 1 – 50 triệu đồng.
Còn tại Điều 13 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP về xử phạt hành vi buôn bán tem, nhãn, bao bì hàng hoá giả, tùy thuộc và số lượng bán ra thì người bán hàng sẽ bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 30 triệu đồng.
Ngoài ra, việc buôn bán hàng giả sẽ bị xử phạt bổ sung như tịch thu tang vật, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề,... và buộc thực hiện các biện pháp khắc phục hậu quả như buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm hay buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường,...
Trong khi đó, tại các Điều 192, 193, 194 và 195 Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) người thực hiện hành vi bán hàng giả có thể bị truy cứu trách nhiệm hình về một trong các tội sau (tùy thuộc vào mặt hàng giả đã bán):
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả (Điều 192), với mức phạt cơ bản là phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm và mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm (Điều 193), với mức phạt cơ bản là phạt tù từ 2 - 5 năm và mức phạt cao nhất là tù chung thân.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh (Điều 194), với mức phạt cơ bản là phạt tù từ 2 - 7 năm và mức phạt cao nhất là tử hình.
Tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thức ăn dùng để chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi (Điều 195), với mức phạt cơ bản là bị phạt tiền từ 100 triệu đồng đến 1 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 1 - 5 năm và mức phạt cao nhất lên đến 15 năm tù.
- Bán hàng trên website thương mại điện tử không phép liệu có qua mặt được cơ quan chức năng?
- Liên tục nhiều cơ sở kinh doanh vi phạm kinh doanh trên môi trường thương mại điện tử
- Kinh doanh kem dưỡng trắng da vi phạm, 'TikToker Nguyễn Thi Thi 97' bị xử phạt hơn 100 triệu đồng