Dùng bình nóng lạnh vào mùa đông mắc phải sai lầm này vừa hại thiết bị vừa khiến tiền điện tăng chóng mặt
Bình nóng lạnh là thiết bị gia dụng được sử dụng nhiều vào mùa đông, tuy nhiên không phải ai cũng biết cách sử dụng đúng cách để tủ bền cũng như tiết kiệm điện năng.
Vào mùa đông, bình nóng lạnh trong các gia đình đều tăng công suất hoạt động. Thế nhưng, không ít người mắc phải một số thói quen sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến hóa đơn tiền điện tăng chóng mặt. Không chỉ vậy, một số sai lầm còn gây nguy cơ cháy nổ.
Sai lầm khi dùng bình nóng lạnh khiến hóa đơn tiền điện tăng vọt
Bật bình nóng lạnh cả ngày
Thời tiết mùa đông lạnh giá nên nhiều gia đình duy trì thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để bất cứ khi nào muốn sử dụng đều có nước nóng ngay. Tuy nhiên, đây là thói quen sai lầm không chỉ gây lãng phí điện năng mà thậm chí còn nguy hiểm cho người dùng.
Lý do vì bình nóng lạnh hoạt động theo nguyên lý làm nóng ở mức độ nhất định khoảng (40-80 độ C) để phù hợp với nhu cầu của người dùng. Khi đạt đến nhiệt độ đó, bình nóng lạnh sẽ tự ngắt. Tuy nhiên, nó sẽ nguội từ từ nếu bạn không sử dụng. Và đương nhiên, nếu bạn không tắt công tắc, khi nước nguội bình sẽ tự động đóng điện trở lại để làm nóng nước.
Quá trình này lặp đi lặp lại liên tục khiến tiêu thụ một lượng điện năng lớn. Trung bình 1 tháng, nếu bạn bật nóng lạnh liên tục 24/24h, thì tiền điện của thiết bị này có thể lên tới 200-300 nghìn đồng.
Không chỉ vậy, thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày còn là một trong những nguyên nhân khiến lớp cách điện bị mòn, hệ thống ngắt điện hoạt động kém hiệu quả, từ đó dẫn tới rò điện, gây nguy hiểm đến tính mạng người sử dụng.
Vừa tắm vừa bật bình nóng lạnh
Đây là sai lầm nhiều gia đình hay mắc phải nhất khi sử dụng bình nóng lạnh. Dù đã được khuyến cáo nhiều lần nhưng không ít người vẫn chủ quan bật bình ngay cả khi đang tắm.
Một trong những điều mọi người hay nhầm lẫn về bình nóng lạnh nhất chính là bình đã có rơ – le ngắt điện thì điện mặc định sẽ được ngắt khi nước đủ nhiệt độ. Tuy nhiên, rơ – le này chỉ có nhiệm vụ điều khiển nhiệt độ nước trong bình. Nếu nhiệt độ nước thấp, rơ – le sẽ tự động cấp điện, nhiệt độ đủ tiêu chuẩn sẽ tự động cắt điện chứ không có chức năng chống điện rò ra nước.
Trường hợp rủi ro do bình có sự cố, nếu trong bình vẫn có nguồn điện mà người dùng đang tắm thì nguồn điện sẽ dễ truyền gây điện giật qua vòi nước. Không chỉ vậy, sau một thời gian dài sử dụng, các bộ phận, chi tiết bên trong bình nóng lạnh đã cũ và hoạt động không hiệu quả như lúc mới. Từ đó dẫn tới việc điện có thể rò vào nước bất cứ lúc nào.
Vì vây, để đảm bảo an toàn cho bản thân bạn nên tắt bình nóng lạnh rồi mới tắm.
Không bảo dưỡng bình nóng lạnh định kỳ
Bất cứ thiết bị điện nào trong nhà cũng đều cần bảo hành định kỳ để kịp thời phát hiện hỏng hóc và tránh xảy ra rủi ro khi sử dụng. Bình nóng lạnh cũng vậy, sau thời gian sử dụng, chúng sẽ bị bào mòn và xảy ra các vấn đề khi hoạt động. Nếu bạn bỏ qua bước này dẫn dễ khiến thiết bị bị hỏng lớp cách điện, gây rò rỉ điện.
Trung bình 3 tháng một lần bạn nên kiểm tra bình nóng lạnh. Đặc biệt trong mùa đông, với tần xuất sử dụng bình nhiều bạn có thể kiểm tra hàng tháng để đảm bảo an toàn cho cả gia đình.