Bật bình nóng lạnh cả ngày có tốn điện không?
Nhiều người có thói quen bật bình nóng lạnh cả ngày để không phải chờ đợi lâu, về nhà có nước nóng dùng ngay. Làm như vậy có đúng không?
Bật bình nóng lạnh cả ngày tốn bao nhiêu tiền điện?
Bình nóng lạnh hay bình nước nóng là vật dụng quen thuộc với mỗi gia đình, đặc biệt. Nhiều nhà có trẻ nhỏ, người lớn tuổi, người bệnh không chỉ sử dụng nước nóng trong mùa đông mà còn tắm và sử dụng nước nóng quanh năm. Cũng bởi điều này mà các gia đình này thường tiết kiệm thời gian chờ đợi bằng cách bật bình nước nóng cả ngày. Tuy nhiên, thói quen này được các chuyên gia cho là sai lầm, không những tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn mà còn gây lãng phí một lượng điện năng không hề nhỏ.
Một người dùng chia sẻ, gia đình anh có trẻ nhỏ, nên bất cứ thời điểm nào trong ngày cũng cần nước nóng. Anh đã thử nghiệm đo số điện mà bình nóng lạnh nhà mình sử dụng khi được bật 24/24 trong vòng 2 ngày với máy đo chuyên dụng.
Công suất bình nóng lạnh của gia đình này là 2431W. Sau 2 ngày, thiết bị tiêu thụ 13,76 số điện, chia ra là 6,88 số điện/ngày. Nếu tính trên cả tháng, có thể ước tính số điện bình nóng lạnh tiêu thụ khi được bật 24/24 là 206,4 số điện. Quy theo giá tiền điện sinh hoạt hiện nay, từ 201-400kWh số điện là bậc 3 có giá 2.612,11 đồng/kWh. Như vậy, tổng số tiền gia đình phải trả khi dùng bình nóng lạnh lên tới gần 539.140 đồng. Đây là khoản tiền điện không nhỏ.
Theo kỹ sư điện của Công ty Năng lượng xanh, bình nóng lạnh thông thường có công suất tiêu thụ 2.200W-2.500W, với nguyên lý hoạt động là đốt nóng sợi dây mayso trong bình để làm nước nóng lên. Thông thường, bình nước nóng sẽ có rơ le tự ngắt khi bình đạt đến độ nóng nhất định, độ nóng này có thể tùy chỉnh theo ý của người dùng. Tuy nhiên, nếu để lâu nước sẽ nguội dần, khi đó rơ le cũng tự nhảy và quá trình làm nóng nước lại được khởi động. Việc này lặp đi lặp lại liên tục cho đến khi nguồn điện của bình bị ngắt hẳn. Như vậy, nếu bình nóng lạnh bật cả ngày chắc chắn gây tốn điện của gia đình.
Bên cạnh đó, cắm bình nóng lạnh 24/24 giờ còn làm cho dây mayso nhanh hỏng vì phải hoạt động liên tục. Đây cũng là nguyên nhân chính gây hiện tượng rò rỉ điện. Các bộ phận như thanh đốt, ruột bình cũng nhanh hao mòn hơn, dẫn đến giảm tuổi thọ của thiết bị.
Bật bình nóng lạnh thế nào để sử dụng hiệu quả?
Thông thường, bình nước nóng có thể tích 20-30 lít có thể dùng cho 2-3 người trong việc vệ sinh và tắm rửa, không tính việc sử dụng bồn tắm. Các chuyên gia khuyên bạn chỉ cần bật bình nóng lạnh 15 phút trước khi sử dụng, vào mùa lạnh có thể bật trước khoảng 30 phút. Nếu muốn sử dụng nước ấm vào buổi sáng, bạn chỉ cần bật bình nóng lạnh 20 phút trước khi ngủ thì sáng hôm sau vẫn có nước ấm để sử dụng.
Bạn cũng cần lưu ý tắt bình nóng lạnh trước khi sử dụng nhằm tránh sự cố rò rỉ điện gây ảnh hưởng đến sự an toàn bản thân. Thường xuyên kiểm tra tình trạng tiếp đất của dây tiép đất để đảm bảo an toàn trong quá trình sử dụng.
Để tiết kiệm điện năng từ thiết bị hơn nữa, nếu không thể cắt giảm thời gian sử dụng, bạn có thể điều chỉnh, giảm nhiệt độ của thiết bị xuống khoảng dưới 50 độ C. Đây cũng được đánh giá là mức nhiệt phù hợp với mùa hè, vẫn đem lại nước ấm cho gia đình sử dụng. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ, việc chỉnh nhiệt độ trên bình nóng lạnh có thể tiết kiệm thêm 10% tiền điện mỗi năm cho mỗi hộ gia đình.
Ngoài ra, bình nóng lạnh cần được bảo dưỡng định kỳ nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả, an toàn và tiết kiệm điện. Người sử dụng nên bảo dưỡng định kỳ để lấy canxi bình khoảng 2 năm 1 lần.
- Sử dụng các thiết bị điện sai lầm khiến hóa đơn tiền điện tăng cao
- 7 thiết bị 'ngốn' điện số 1 hơn cả điều hòa, quên rút phích cắm tiền điện tăng chóng mặt