Du lịch Phú Quý và câu chuyện làm homestay chữa lành
Anh Nguyễn Sơn Hà, Co-Founder của Rì-rào Homestay, một trong những địa chỉ lưu trú đang hot trong thời gian vừa qua đã có những chia sẻ về câu chuyện về Phú Quý lập nghiệp “lại”.
- Tại sao anh lại quyết định ra Phú Quý lập nghiệp “lại” – một ý định vô cùng táo bạo?
Đầu tiên, tôi phải nói là tôi rất thích cách bạn dùng từ “lập nghiệp lại”. Vì bình thường, với tôi đây chỉ là một “dự án mới”. Và người ta chỉ dùng từ “lập nghiệp” ở những vùng đất họ có ý định dừng chân, sinh sống lâu dài.
Tôi từng rời Hà Nội vào Sài Gòn lập nghiệp gần 15 năm. Tôi cũng đi rất nhiều nơi, nhưng ngoài Sài Gòn thì chỉ có Phú Quý là mảnh đất đem lại cho tôi cảm giác an lạc, quan trọng nhất là được kết nối, được thuộc về. Với những người chưa từng ghé Phú Quý, sẽ rất khó để họ cảm thấy yên tâm khi đến một vùng đất mới, đặc biệt là nơi hải đảo xa xôi như thế này. Và với họ, có thể đó là một quyết định táo bạo, có phần liều lĩnh. Tôi đã có dịp ở Phú Quý 3 tuần và tôi xem 3 tuần này là “cơ duyên” của bản thân.
Trong 3 tuần đó, tôi có cơ hội để quan sát thấy nhiều hơn về vùng đất này, từ cảnh quan đến văn hoá, con người. Tôi không chỉ tận hưởng những ngày nắng ngập tràn, bờ biển xanh trong, những bãi cát trải dài tưởng chừng như đến vô tận, mà còn phải cảm mến cả vẻ đẹp của những ngày biển động, gió thổi tưởng chừng như bạt cả người lẫn xe.
Không những thế, tôi yêu mến cách những người dân nơi đây nỗ lực lưu giữ những nét văn hoá đã có từ lâu. Và đặc biệt là sự hồn hậu của người dân đảo đã đem lại cho tôi cảm giác bình yên, khó đâu có được. Chính vì thế, tôi cũng có kế hoạch ở lại Phú Quý lâu dài trong thời gian tới.
Với ngành khách sạn, anh là dân nội đạo hay ngoại đạo?
Tôi là dân "lửng lơ" của ngành khách sạn. Tôi chưa từng có kinh nghiệm vận hành, nhưng tự thấy giữa tôi và ngành này có một cái duyên kỳ lạ, mà đã là cái duyên "trời định" thì muốn né cũng không được *cười*
Cách đây 10 năm, từng có một người có uy tín lớn trong ngành lưu trú quốc tế tình cờ gặp và khuyên tôi nên theo ngành này. Ông nói tôi sẽ rất thành công nhưng tôi không tin, vì không cho rằng mình là người thích hợp làm công việc cung cấp dịch vụ. Mãi đến năm 2018 khi tập đoàn VinGroup triển khai dự án khách sạn Vinpearl Luxury Landmark 81 thì tôi về và phụ trách Marketing cho khách sạn này.
Thời gian đó, tôi cũng phải làm việc trực tiếp và hỗ trợ các nhân sự vận hành nên cũng học hỏi được một chút kinh nghiệm từ những người sếp và đồng nghiệp. Không những thế, sự tò mò về thế giới khiến tôi vô tình "học lỏm" được những điều thú vị ở những khách sạn tôi từng nghỉ chân.
Tôi đưa những trải nghiệm cá nhân này kết hợp với những yếu tố bản địa ở đảo Phú Quý để cho ra một quy chuẩn vận hành đem lại trải nghiệm hướng tới việc thư giãn, lấy lại cân bằng và từ đó là chữa lành cho khách hàng.
Vì sao Rì-rào định hướng là một homestay bền vững và chữa lành?
Ý tưởng làm một homestay theo hướng bền vững và chữa lành cũng đến từ cảm giác của tôi và các cộng sự, khi được thiên nhiên, con người nơi đây "vỗ về" thấy lòng mình dịu lại. Phú Quý thời gian gần đây cũng được mọi người gọi là "hòn đảo chữa lành" cũng là vì lý do này.
Không phải bỗng dưng khắp Việt Nam có gần 4000 hòn đảo mà chỉ Phú Quý mới được khách du lịch ưu ái tặng cho cái tên đặc biệt này. Điều đó đến từ khí hậu, thổ nhưỡng lẫn văn hoá, con người nơi đây.
Điều tôi và team Rì-rào làm chỉ đơn thuần là dựa vào những cảm nhận rất riêng của chúng tôi về hòn đảo này để cho ra một concept phù hợp, hài hoà với kiến trúc bản địa và cảnh quan xung quanh, lan toả thêm cảm hứng bảo vệ môi trường và đưa thêm những yếu tố giúp thư giãn, cân bằng một cách tự nhiên để khách lưu trú có thể được tái tạo năng lượng. Nói văn hoa là thế, kỳ thực chúng tôi chỉ có một mong muốn rất đỗi giản đơn, rằng các khách hàng khi đến Rì-rào sẽ luôn có một giấc ngủ thật ngon, vì Đức Đạt Lai Lạt Ma từng nói: "Giấc ngủ là phương thức thiền định tuyệt vời nhất"
Vậy thì anh cũng đi theo xu hướng “bỏ phố về làng”?
Tôi là người không thích đi theo xu hướng. Và tôi cũng nghĩ rằng không ai nên đưa ra một quyết định lớn của cuộc đời như vậy chỉ vì muốn “đu trend”. Xu hướng đến rồi đi, và không phải ai cũng phù hợp với xu hướng. Bạn có thể chọn cách đi theo dòng chảy, hoặc hoà vào dòng chảy, hoặc trở thành một dòng chảy riêng.
Tôi thường đưa ra những lựa chọn trong cuộc sống dựa vào mong muốn cá nhân, có chăng việc “hoà vào dòng chảy” là một sự tình cờ đầy thú vị.
Rì Rào là đứa con thai nghén đầu tiên cho sự nghiệp “bỏ phố về làng” của mình, anh muốn nhắc về Rì Rào với tâm thế như thế nào? Sau Rì-rào, liệu sẽ có một “đứa con” nào khác hay không?
Đầu tiên, Rì-rào là một niềm tự hào, không chỉ của riêng tôi mà còn của Ben Xa Bờ - founder của Rì-rào và 1 người bạn nữa đã cùng tôi thực hiện dự án này. Từ ngày khai trương chính thức đến giờ vì gần như không có ngày trống. Và đến giữa tháng 9, chỉ còn số phòng hạn chế.
Ban đầu, tôi nghĩ rằng Rì-rào được yêu thích nhờ khung cảnh eo biển hoang sơ hiếm hoi còn sót lại ở đảo. Nhưng đến khi bắt tay vào làm Rì-rào 2 (dự kiến khai trương đầu tháng 7) chúng tôi cũng đã kín phòng tháng 7 sau 1 tuần mở booking. Điều đó chứng tỏ rằng định hướng làm homestay bền vững, chữa lành của chúng tôi đang được nhiều bạn trẻ đón nhận và ủng hộ. Với 2 căn tổng 3 phòng, đây không phải là một thành tựu lớn nhưng cũng là động lực để chúng tôi tiếp tục “thai nghén” thêm những dự án mới trong tương lai.
Anh nhận xét gì về du lịch Phú Quý? Việc nhiều người lựa chọn Phú Quý khiến không có không ít lo ngại về vấn đề khai thác du lịch quá mức sẽ làm thay đổi môi trường hay vấn đề bảo vệ vùng biển, anh suy nghĩ về việc này như thế nào và Rì Rào có những khuyến khích hay yêu cầu nào dành cho du khách khi lưu trú tại đây để bảo vệ môi trường?
Tôi nghĩ ngành du lịch ở Phú Quý đang trên đà phát triển cả về quy mô lẫn tốc độ. Điều này chắc chắn sẽ gây ra những áp lực về môi trường rất lớn trong tương lai rất gần. Thế nhưng một điều may mắn là người dân đảo cũng có ý thức bảo vệ môi trường khá tốt.
Bạn có thể thấy số lượng thùng rác ở đảo nhiều hơn những địa điểm du lịch khác, và có nhiều dự án vẽ tranh, áp phích nhắc nhở mọi người bảo vệ môi trường ở khắp nơi. Thế nhưng điều này chắc chắn vẫn không đủ để giúp hòn đảo xinh đẹp này bảo tồn được nét đẹp vốn có. Những áp lực từ sự phát triển vượt bậc của du lịch không chỉ đe doạ sinh môi của những sinh vật biển mà còn cả cảnh quan và văn hoá ở đảo.
Một điều cá nhân tôi thấy hơi đáng tiếc là nhiều căn nhà cổ được xây dựng từ những năm 40,50 của thế kỷ trước đang được phá dỡ chứ không tôn tạo để xây homestay, khách sạn. Những kiến trúc ngoại lai cũng được dựng lên để phục vụ cho nhu cầu ngày càng lớn và đa dạng của khách du lịch. Điều này về lâu về dài sẽ khiến Phú Quý mất dần đi vẻ bình dị, nét mộc mạc và vẻ đẹp rất riêng.
Nói nghe hơi to tát, nhưng chúng tôi cũng mong rằng thành công nho nhỏ của Rì-rào cũng sẽ giúp người dân đảo thêm yêu kiến trúc rất đỗi mộc mạc nhưng vô cùng đặc sắc của mình, nghiên cứu thêm những thiết kế để có không gian tận dụng được năng lượng tự nhiên như ánh sáng, gió trời, nước… để phục vụ cho khâu vận hành, cũng như đưa thêm một số yếu tố nho nhỏ như các sản phẩm tái chế và dễ tái chế, hạn chế xả thải ra môi trường.
Bản thân đội ngũ Rì-rào cũng đang tìm thêm những cách khác nữa để có thể lan toả cảm hứng bền vững, chữa lành và bảo vệ môi trường cũng như cũng có những kế hoạch, chương trình trong tương lai.