Đổi tiền lẻ kiếm lời dịp Tết Nguyên đán có bị phạt hay không?
Càng gần đến Tết Nguyên đán, dịch vụ đổi tiền lẻ lại nở rộ. Vậy nhiều người thắc mắc liệu đổi tiền mới, tiền lẻ có bị xử phạt không?
Mới đây, tại chỉ thị về việc bảo đảm đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu NHNN tổ chức tốt công tác điều hòa và cung ứng tiền mặt, đáp ứng nhu cầu tiền mặt cho nền kinh tế cả về giá trị và cơ cấu mệnh giá; bảo đảm an ninh, an toàn kho quỹ dịp tết Giáp Thìn năm 2024.
Bên cạnh đó, NHNN chỉ đạo các tổ chức tín dụng tổ chức tốt các dịch vụ ngoại hối, tăng cường hoạt động đổi ngoại tệ phục vụ nhu cầu của du khách nước ngoài.
Đồng thời, phối hợp với cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi mua bán ngoại tệ, đổi tiền… không đúng quy định pháp luật.
Đổi tiền lẻ kiếm lời dịp Tết bị xử lý như thế nào?
Theo điều 12 và điều 13 của Thông tư số 25/2013/TT-NHNN, các hành vi thu đổi tiền lẻ của các nhân, tổ chức nhằm hưởng phần trăm chênh lệch đều là hành vi trái pháp luật. Căn cứ điểm a khoản 5 Điều 50 Nghị định 88/2019/NĐ-CP, quy định mức phạt đối với hành vi đổi tiền không đúng quy định như sau:
Điều 30. Vi phạm quy định về quản lý tiền tệ và kho quỹ
Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:
a) Thực hiện đổi tiền không đúng quy định của pháp luật.
Điểm b khoản 3 Điều 3 của Nghị định này cũng quy định:
b) Mức phạt tiền quy định tại Chương II Nghị định này là mức phạt tiền áp dụng đối với cá nhân; mức phạt tiền đối với tổ chức có cùng một hành vi vi phạm hành chính bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân;
Như vậy, căn cứ theo quy định của pháp luật thì nếu cá nhân thực hiện đổi tiền không đúng quy định bị phạt từ 20-40 triệu đồng. Nếu hành vi này thực hiện bởi tổ chức thì mức phạt là từ 40-80 triệu đồng.