Dấu hiệu nhận biết sớm khi trẻ uống phải sữa giả
Sữa là thực phẩm quan trọng cho mọi lứa tuổi. Tuy nhiên, sữa giả tiềm ẩn nhiều nguy cơ nghiêm trọng, nhất là với trẻ em. Do đó, người tiêu dùng nên chọn sản phẩm từ nhà sản xuất uy tín, có nguồn gốc rõ ràng và chứng nhận an toàn để bảo vệ bản thân và gia đình.
Từ vụ phát hiện đường dây sữa giả: Làm sao nhận biết sữa bột giả giữa thị trường hỗn loạn?
Maeil Absolute: 'Siêu phẩm' sữa 6HMO - Điều gì khiến hàng triệu mẹ bỉm sữa tin dùng?
Có nên ăn sữa chua vào buổi tối? Điều gì xảy ra với cơ thể khi bạn ăn sữa chua trước khi ngủ?
Tạp chí Tiếp thị và Gia đình có cuộc trò chuyện cùng Thạc sĩ - Bác sĩ Hồ Ngọc Lợi, Phòng khám Nhi và Tiêm ngừa Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM và Bác sĩ CKII Đinh Trần Ngọc Mai, Khoa Dinh dưỡng - Tiết chế Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM xung quanh việc nhận biết sữa giả và nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ.
TT&GĐ: Bác sĩ có thể chia sẻ những tác hại nghiêm trọng nào có thể xảy ra khi trẻ em sử dụng sữa giả?
Sữa giả là sản phẩm không đảm bảo thành phần dinh dưỡng như đã công bố, thậm chí có thể chứa tạp chất hoặc chất phụ gia không được phép sử dụng trong thực phẩm dành cho trẻ nhỏ. Việc sử dụng sữa giả có thể dẫn đến nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe trẻ em, bao gồm: Rối loạn tiêu hóa: tiêu chảy, nôn ói, đầy bụng do các thành phần không phù hợp hoặc nhiễm khuẩn. Suy dinh dưỡng cấp hoặc mãn tính: do thiếu hụt các vi chất thiết yếu như protein, canxi, sắt, kẽm, vitamin D, DHA... Nguy cơ nhiễm độc: nếu sữa giả có chứa kim loại nặng, chất tạo màu hoặc chất bảo quản vượt mức cho phép.

Sữa giả là loại sữa bị pha trộn tạp chất, không đảm bảo chất lượng dinh dưỡng hoặc thậm chí chứa chất độc hại. Tác hại của việc sử dụng sữa giả bao gồm:
Gây ngộ độc cấp tính.
• Một số sữa giả có thể bị pha hóa chất công nghiệp như melamine (từng gây tử vong ở trẻ em tại Trung Quốc năm 2008), hoặc chứa chất bảo quản, chất tạo mùi độc hại.
Ví dụ: Trẻ uống phải sữa pha melamine có thể bị tổn thương thận cấp, sỏi thận, thậm chí suy thận.
• Thiếu hụt dinh dưỡng nghiêm trọng đối với những đối tượng cần nhu cầu dinh dưỡng cao như trẻ suy dinh dưỡng, người bệnh ốm yếu...
• Sữa giả thường bị rút bớt đạm, canxi, vitamin… nên không cung cấp đủ dưỡng chất cần thiết, đặc biệt nguy hiểm cho trẻ nhỏ đang phát triển.
Ví dụ: Trẻ uống sữa kém chất lượng dễ bị suy dinh dưỡng, chậm lớn, còi xương.
Ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe như có thể gây tích lũy độc tố trong cơ thể, làm suy gan, thận nếu dùng lâu dài. Người lớn tuổi cần canxi để phòng loãng xương, nếu dùng sữa giả thiếu dưỡng chất thì nguy cơ gãy xương, yếu cơ càng cao.
Tuy nhiên, đối với trẻ em và người lớn, sữa nguồn cung cấp đạm, canxi, vitamin D, A, B12… cần thiết cho sự phát triển chiều cao, hệ xương và não bộ. Ví dụ: Một ly sữa 200ml mỗi ngày giúp trẻ có thêm khoảng 240mg canxi – bằng gần 1/4 nhu cầu canxi mỗi ngày của trẻ tiểu học. Hỗ trợ miễn dịch và tăng trưởng và bổ sung các kháng thể (nếu là sữa mẹ) và giúp phát triển mô cơ, tăng sức đề kháng.
TT&GĐ: Những dấu hiệu nào có thể nhận biết sớm khi trẻ uống phải sữa giả?
Phụ huynh có thể nghi ngờ trẻ đã sử dụng sữa giả khi xuất hiện các biểu hiện lâm sàng sau: Thay đổi thói quen ăn uống: biếng ăn, bỏ bú, dễ kích thích. Triệu chứng tiêu hóa: tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, bụng trướng. Chậm tăng trưởng: không đạt chỉ số cân nặng và chiều cao tương ứng với tuổi. Biểu hiện dị ứng: nổi mẩn, phát ban, ngứa da, đỏ da. Một số trẻ có thể biểu hiện thiếu máu, da xanh xao, mệt mỏi kéo dài do thiếu chất.

TT&GĐ: Sữa giả ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển thể chất và trí não của trẻ nhỏ?
Sữa đóng vai trò quan trọng trong cung cấp năng lượng, chất đạm, lipid, vitamin và khoáng chất cần thiết cho sự phát triển của trẻ. Việc sử dụng sữa giả không đạt chuẩn chất lượng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến:
• Phát triển thể chất: trẻ có nguy cơ bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân, thấp còi.
• Phát triển trí tuệ: thiếu hụt các vi chất như DHA, choline, sắt có thể gây chậm phát triển nhận thức, giảm khả năng học hỏi và tư duy.
Trẻ sơ sinh là nhóm đối tượng đặc biệt nhạy cảm do hệ miễn dịch, hệ tiêu hóa và các chức năng chuyển hóa còn non yếu. Do đó, hậu quả của việc sử dụng sữa giả ở trẻ sơ sinh thường nghiêm trọng hơn so với các nhóm tuổi khác:
• Nguy cơ suy dinh dưỡng cấp tính hoặc mất nước nặng nếu bị tiêu chảy kéo dài.
• Rối loạn điện giải dẫn đến co giật hoặc rối loạn ý thức.
• Trong một số trường hợp, nếu thành phần trong sữa gây phản ứng dị ứng nghiêm trọng, trẻ có thể gặp sốc phản vệ – tình trạng cấp cứu đe dọa tính mạng.
TT&GĐ: Có trường hợp nào bác sĩ từng gặp trong thực tế liên quan đến việc trẻ bị ảnh hưởng sức khỏe do dùng sữa giả không?
Thực tế, đã có những trường hợp bệnh nhi đến khám do tình trạng suy dinh dưỡng và tiêu chảy kéo dài không rõ nguyên nhân. Sau khi khai thác kỹ tiền sử dinh dưỡng và xét nghiệm kiểm định sữa được sử dụng, phát hiện một số sản phẩm không đạt chỉ tiêu về chất lượng, có dấu hiệu nghi là sữa giả.

Những trường hợp này cần điều trị kết hợp: bù nước, điện giải, điều chỉnh chế độ dinh dưỡng và theo dõi phục hồi tăng trưởng lâu dài.
TT&GĐ: Là một bác sĩ, bác sĩ có lời khuyên gì dành cho phụ huynh khi chọn mua sữa cho con?
Tôi khuyến cáo các phụ huynh nên:
• Chọn mua sữa tại các cửa hàng, nhà thuốc, siêu thị có uy tín và rõ ràng về nguồn gốc. • Kiểm tra kỹ bao bì sản phẩm, tem chống giả, mã vạch, hạn sử dụng và tên nhà sản xuất. • Tránh mua sữa theo các hình thức bán hàng không chính thống như livestream, mạng xã hội, hoặc sản phẩm có giá thấp bất thường.
• Nên ưu tiên những nhãn hiệu đã được kiểm định và cấp phép bởi cơ quan y tế.
TT&GĐ: Làm thế nào để phân biệt sữa thật và sữa giả bằng mắt thường?
Mặc dù không thể hoàn toàn xác định bằng mắt thường, nhưng phụ huynh có thể lưu ý một số yếu tố sau:
• Màu sắc và độ mịn: sữa thật thường có màu trắng ngà tự nhiên, bột mịn và đồng đều. Sữa giả có thể có màu lạ, bột thô hoặc vón cục.
• Mùi vị: sữa thật có mùi thơm nhẹ, tự nhiên. Sữa giả có thể không mùi hoặc có mùi hóa chất.
• Khả năng hòa tan: sữa thật tan đều trong nước ấm, không vón. Sữa giả thường nổi bột, khó tan, để lại nhiều cặn.
• Bao bì: sản phẩm chính hãng có in ấn rõ ràng, sắc nét, đầy đủ thông tin theo quy định. Bao bì sữa giả thường bị mờ, lệch màu, thiếu thông tin bắt buộc.
TT&GĐ. Phụ huynh nên làm gì khi nghi ngờ con mình đã sử dụng phải sữa giả?
Ngưng ngay việc sử dụng sữa nghi ngờ
- Dừng ngay việc cho bé uống loại sữa đó, dù chưa chắc chắn có phải là sữa giả hay không.
- Bảo quản lại hộp sữa, ghi chú thời gian và số lô, ngày sản xuất, hạn sử dụng nếu có.
Theo dõi các biểu hiện bất thường ở trẻ
Quan sát kỹ bé xem có các dấu hiệu như:
- Tiêu chảy, nôn ói, đau bụng
- Phát ban, nổi mẩn đỏ
- Bé bú ít, bỏ bú, quấy khóc bất thường
- Tăng/giảm cân đột ngột, chậm phát triển
Nếu có dấu hiệu bất thường, đưa bé đến bác sĩ ngay lập tức, mang theo mẫu sữa và vỏ hộp để bác sĩ xem xét.
Mang sữa đi kiểm định
- Mang hộp sữa nghi ngờ đến Trung tâm kiểm nghiệm thực phẩm, Chi cục an toàn vệ sinh thực phẩm, hoặc nơi có chức năng kiểm nghiệm chất lượng sữa.
- Có thể gửi mẫu tới cơ quan như: Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), Viện Kiểm nghiệm An toàn vệ sinh thực phẩm Quốc gia,…
Liên hệ với nơi mua
- Liên hệ với cửa hàng, siêu thị hoặc nơi bạn đã mua sữa để báo cáo vấn đề.
- Yêu cầu hóa đơn (nếu có) và thông tin về nguồn gốc sản phẩm.
Phản ánh đến cơ quan chức năng
- Gửi phản ánh đến:
- Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương)
- Tổng đài 1900.9095 của Cục An toàn thực phẩm
- Cục Quản lý cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng
Chọn sản phẩm thay thế an toàn
- Tạm thời chuyển sang dùng loại sữa khác có nguồn gốc rõ ràng, được bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng khuyên dùng.
- Ưu tiên mua ở những nơi uy tín: nhà thuốc lớn, chuỗi siêu thị, cửa hàng chính hãng.
Chia sẻ thêm về thị trường sữa thật - giả hiện nay, Thạc sĩ - Bác sĩ Phạm Thị Ngọc, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Sữa Việt Nam, cho biết nhiều công ty đã sử dụng quảng cáo thổi phồng công dụng của sữa, hứa hẹn tăng chiều cao, bổ sung DHA, hỗ trợ phát triển trí tuệ cho trẻ em mà không có đầy đủ căn cứ khoa học. Điều này không chỉ gây hiểu lầm cho phụ huynh mà còn đặt ra nguy cơ rủi ro về sức khỏe cho trẻ nhỏ.
TS. Trần Việt Nga, Phó Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), nhấn mạnh rằng việc sử dụng hình ảnh bác sĩ, nhân viên y tế trong quảng cáo sữa là hành vi vi phạm pháp luật và bị nghiêm cấm theo quy định hiện hành.
Khuyến nghị từ chuyên gia dinh dưỡng
PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, khuyến cáo rằng phụ huynh nên trở thành người tiêu dùng thông thái, lựa chọn sản phẩm sữa có nguồn gốc rõ ràng, được sản xuất tại các nhà máy đạt chuẩn và đảm bảo chất lượng về an toàn vệ sinh thực phẩm. Sữa mẹ vẫn là nguồn dinh dưỡng tốt nhất cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.