Thứ sáu, 10/11/2023, 10:47 (GMT+7)

Con gái và mẹ xảy ra xung đột thì phải làm sao? Giảm thiểu tình trạng này thế nào?

PV (Theo Tiếp thị & Gia đình)

Dù giữa con gái và mẹ có sợi dây gắn kết bền chặt thì cũng không thể tránh khỏi những lúc xung đột, bất đồng quan điểm. Nếu bạn đang gặp tình trạng này, hãy tham khảo để xây dựng mối quan hệ lành mạnh.

Đặt ranh giới mạnh mẽ

Một trong những nguyên nhân xảy ra mâu thuẫn giữa con gái lớn và mẹ là thiếu ranh giới. Thiếu ranh giới thường xuất phát từ tình yêu thương, sự quan tâm quá lớn của mẹ dành cho con mà chưa hiểu làm gì là phù hợp nhất cho con. Từ đó dẫn đến việc mẹ có thể “xâm phạm” quyền riêng tư của con hoặc bắt con làm những điều con không muốn…

me con Tiepthigiadinh H1
Mẹ sẽ phải mất một thời gian để nhận ra làm gì để tốt nhất và phù hợp nhất cho con

Bước đầu tiên là quyết định ranh giới của bạn là gì, ví dụ không thảo luận về một số chủ đề nhất định hay hạn chế giao tiếp trong gia đình, trước mặt nhiều người… Con gái hãy cố gắng truyền đạt ranh giới của mình với mẹ một cách chắc chắn và không phán xét. Luôn thực thi các ranh giới mà bạn đặt ra. Bạn có thể trò chuyện với mẹ để thể hiện mong muốn của mình một cách khéo léo nhất. Cuộc trò chuyện có thể diễn ra nhiều lần để mẹ dần hiểu, thông cảm và đi đến thống nhất.

Cởi mở về nhu cầu

Giữa con cái và bố mẹ luôn tồn tại một khoảng cách thế hệ nhất định. Do đó, những xung đột xảy ra cũng là điều dễ hiểu.  Một số người mẹ nghiêm khắc khiến con cảm thấy như thể nhu cầu của con bạn không quan trọng hoặc kém quan trọng hơn nhu cầu của người lớn.

Tuy nhiên, bày tỏ nhu cầu là cách chính đáng nhất để giảm thiểu xung đột xảy ra. Khi mẹ biết bạn thích gì, ghét gì, muốn hoặc không muốn làm gì thì mẹ cũng có phần “cảm thông” hơn với những hành động của bạn. Học cách đứng lên bảo vệ bản thân không phải chuyện một sớm một chiều mà là một phần quan trọng trong quá trình chữa lành. Tâm sự với mẹ là một điều tuyệt vời, vậy nên hãy tận dụng chuyện này để gắn bó với mẹ hơn, để mẹ con hiểu nhau hơn.

Chăm sóc bản thân

me con Tiepthigiadinh H2
Ưu tiên những việc khiến bạn cảm thấy dễ chịu như nghe nhạc, thiền định và sở thích sáng tạo...

Bạn có thể rất mệt mỏi về mặt cảm xúc nếu đang ở trong quan hệ độc hại với gia đình. Năng lượng của bạn sẽ dần cạn kiệt do phải quản lý một mối quan hệ khó khăn trong thời gian dài. Do đó, tự chăm sóc bản thân là cách giúp bạn quản lý những cảm xúc khó khăn khi giải quyết các vấn đề trong mối quan hệ. Việc chăm sóc bản thân thường xuyên cũng có thể giúp bạn cảm thấy tràn đầy năng lượng và sẵn sàng đương đầu với những thử thách khác trong cuộc sống.

Nhiều người lớn lên với mối quan hệ độc hại với cha mẹ gặp khó khăn trong việc tự chăm sóc bản thân vì họ có thói quen đặt nhu cầu của cha mẹ lên trên nhu cầu của mình. Thế nên, việc chăm sóc sức khỏe của bản thân chắc chắn sẽ giúp bạn hàn gắn vết thương sau nhiều năm có mối quan hệ độc hại.

Bạn cần chăm sóc bản thân cả về thể chất lẫn tinh thần. Các hoạt động giúp bạn cảm thấy thoải mái về thể chất, chẳng hạn như tập thể dục, thể thao, ăn uống lành mạnh và giải tỏa căng thẳng bằng cách giải trí, giao lưu cùng bạn bè...

Ngoài ra, bạn có thể tìm đến sự giúp đỡ của một cố vấn chuyên nghiệp. Một nhà tâm lý học sẽ giúp bạn giải quyết các vấn đề tình cảm và xây dựng một mối quan hệ lành mạnh hơn.

Cùng chuyên mục