Chuyên gia nói gì về trào lưu ăn bông cúc vạn thọ cùng mì tôm?
Thời gian gần đây xuất hiện trào lưu ăn bông cúc vạn thọ cùng mì tôm đang “nổi rần rần” trên mạng xã hội. Chuyên gia nói gì về vấn đề này?
Cúc vạn thọ là loại hoa cúc được người dân trưng bày trong dịp Tết. Bông cúc vạn thọ thường có màu vàng, hình cầu gồm nhiều cánh hoa nhỏ mảnh xếp lại với nhau. Mới đây, trên mạng xã hội TikTok đã xuất hiện một trào lưu ăn cúc vạn thọ cùng mì tôm, thu hút sự chú ý của nhiều người. Rất nhiều đoạn video được đăng tải về việc nấu bông vạn thọ cùng mì tôm hay trộn gỏi gà… đã khiến nhiều người không khỏi chú ý và làm theo. Tuy nhiên cũng có một số người thắc mắc liệu việc ăn loại cúc vạn thọ này cùng mì tôm có ảnh hưởng đến sức khỏe hay không?
Bác sĩ Nguyễn Thị Hải Đan của chuyên khoa Nội tổng quát cho biết, cúc vạn thọ là một loại hoa có nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, khi kết hợp với mì tôm, cần lưu ý để đảm bảo an toàn cho sức khỏe chính mình.
Cúc vạn thọ có một số lợi ích như sau: Bông vạn thọ chứa nhiều vitamin A, C, E, flavonoid và carotenoid - những chất chống oxy hóa mạnh mẽ, giúp tăng cường sức đề kháng và bảo vệ cơ thể khỏi các tác nhân gây hại. Theo y học cổ truyền, bông cúc vạn thọ có khả năng giảm đau, chống viêm, hỗ trợ tiêu hóa và trị các bệnh về mắt. Bên cạnh đó, chiết xuất từ bông vạn thọ được sử dụng trong nhiều sản phẩm chăm sóc da bởi khả năng chống lão hóa, làm mờ nếp nhăn và dưỡng da sáng mịn.
Tuy nhiên, việc ăn cúc vạn thọ kết hợp với mì tôm lại tiềm ẩn một số nguy cơ như dị ứng, khó tiêu, tăng huyết áp hay béo phì… Một số người có thể dị ứng với hoa, dẫn đến các triệu chứng như ngứa, nổi mẩn, sưng tấy. Bông vạn thọ chứa saponin, sesquiterpene lactone và flavonoid - những chất kích thích tiêu hóa. Ăn quá nhiều có thể gây đầy bụng, khó tiêu, tiêu chảy.
Mì tôm chứa nhiều calo và dầu mỡ. Kết hợp với bông vạn thọ có thể dẫn đến tăng cân nếu ăn thường xuyên. Ngoài ra, cúc vạn thọ và mì tôm đều có hàm lượng muối cao, không tốt cho người có vấn đề về tim mạch.
Đồng quan điểm, bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Võ Trà Mi, Viện nghiên cứu và tư vấn dinh dưỡng, TP.HCM cho hay, bông vạn thọ có thể ăn được cả bông và lá. Các món ăn với bông vạn thọ cũng đã có từ lâu, phần lá có tinh dầu, mùi hơi hăng, vị đắng, phần bông ăn sẽ có vị đắng nhẹ, xốp xốp, nếu những ai quen được vị đắng sẽ cảm thấy ăn loại hoa này ngon.
Thế nhưng ăn bông cúc vạn thọ là điều không khuyến khích. Trong quá trình trồng trọt, cúc vạn thọ được phun khá nhiều hóa chất bảo vệ thực vật, do đó nếu lượng dư tồn hóa chất vào cơ thể sẽ có những nguy cơ gây ngộ độc, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Các lợi ích của cúc vạn thọ được chứng minh khi ở dạng chiết xuất, ở một nồng độ phù hợp mới đem lại các tác dụng. Các hoạt chất chống oxy hóa có trong cúc vạn thọ cũng có thể được tìm thấy trong các loại thực phẩm khác. Như Lutein và zeaxanthin cũng có nhiều trong vi tảo; trong nhiều loại thực phẩm như lá đinh lăng, quả gấc, cải xoăn, rau bina...
Các món ăn với bông cúc vạn thọ không phải xuất hiện gần đây. Từ lâu, nó đã được dùng làm gỏi, nấu canh và là món ăn trong ký ức của nhiều người lớn tuổi miền Nam. Để ăn bông cúc vạn thọ an toàn cho sức khỏe, các chuyên gia khuyên bạn cần lưu ý một số điều sau:
- Chọn bông vạn thọ nhà trồng. Tránh sử dụng bông vạn thọ mua ngoài chợ vì có thể tồn dư hóa chất.
- Rửa sạch và chế biến kỹ cúc vạn thọ. Tốt nhất nên trụng qua nước sôi để loại bỏ vi khuẩn và giảm bớt vị hăng.
- Ăn lượng vừa phải, không nên ăn quá nhiều trong một lần.
- Kết hợp với thực phẩm khác như rau xanh, trái cây… để bổ sung vitamin và chất xơ.
- Đáng chú ý, người có tiền sử dị ứng, bệnh dạ dày, tim mạch… nên hạn chế hoặc tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi ăn.