Chùa Tà Pạ - nét đẹp văn hoá của người Khmer
Chùa Tà Pạ hay còn được biết đến là ngôi chùa theo phái Nam tông hệ của Phật giáo tiểu thừa đậm chất Khmer. Không gian yên bình và thoáng mát khiến nhiều du khách muốn ghé thăm để lắng đọng tâm hồn thanh tịnh.
Tỉnh An Giang có bảy núi (còn gọi Thất Sơn), với các ngọn núi không liên tục, đột khởi trên đồng bằng, thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên, gồm: Núi Cấm (Thiên Cấm Sơn), Núi Két (Anh Vũ Sơn), Núi Dài Năm Giếng (Ngũ Hổ Sơn), Núi Cô Tô (Phụng Hoàng Sơn), Núi Tượng (Liên Hoa Sơn), Núi Nước (Thủy Đài Sơn), Núi Dài (Ngọa Long Sơn). Trong đó, Đồi Tà Pạ có vẻ đẹp riêng biệt, là sự kết hợp giữa thiên tạo và nhân tạo.
Đồi Tà Pạ
Đồi Tà Pạ cao trên 120m, chu vi 10.225m nhưng do sau thời gian dài khai thác đá chỉ còn lại độ cao khiêm tốn là 45m. Đồi Tà Pạ mang vẻ đẹp hoang sơ với những vách đá cao như bức tường thành cùng nhiều vạch ngang vạch dọc, nhiều cột đá cao lêu nghêu, nham nhở, những tảng đá đỏ quạch màu gan gà, những bức tường đá góc cạnh như có ai đẽo gọt thành những hình thù kỳ quái. Trên đỉnh đồi hoang sơ này có xuất hiện một hố sâu 7m lúc nào cũng có nước xanh màu ngọc bích gọi là hồ Tà Pạ.
Hồ xuất hiện cách đây khoảng 9 năm, là dấu vết còn sót lại của khu vực cấm khai thác đá của một công ty cách đây chục năm. Hồ nước tạo nên cảnh quan lạ mắt vì luôn luôn trong xanh với những vách đá, cột đá soi bóng xuống hồ, nước hồ xanh ngằn ngặt và trong trẻo đến độ có thể nhìn thấu tận đáy hồ. Màu nước của hồ có sự thay đổi tùy chỗ nông sâu và thời tiết. Thực chất có hồ trên núi là do việc khai thác đá của con người tạo ra nhưng vô tình đây lại là điểm đến thu hút khách của tỉnh An Giang mà không cần phải quảng bá.
Giới thiệu về chùa Tà Pạ
Chùa Tà Pạ hay còn gọi là chùa Núi, Chưn Num (theo tiếng của người Khmer). Ngôi chùa nằm trên đồi Tà Pạ, xã Núi Tô, huyện Tri Tôn, An Giang và nằm cao hơn so với mặt đất 45m. Chùa Tà Pạ theo phái Nam tông hệ của Phật giáo tiểu thừa đậm chất Khmer. Không gian ngôi chùa yên bình và thoáng mát rất thích hợp để người ta tìm đến đây lắng đọng lại những tâm hồn đang cần sự thanh tịnh.
Từ xa nhìn đến du khách sẽ thấy ngôi chùa này được xây dựng trên những cột bê tông chống đỡ cao đến hàng chục mét chứ không phải nền đất. Thêm vào đó, xung quanh không gian vắng lặng được cây cối xanh mướt bao bọc. Do đó, nhiều người ví nó như đang bay lơ lửng trên không, có thể nhìn thấy được từ tất cả mọi phía. Cộng thêm với lối kiến trúc Khmer có màu đỏ, cam đặc trưng lại càng trông nổi bật thu hút ánh nhìn ngay từ lần đầu tiên.
Kiến trúc của chùa Tà Pạ
Cánh cổng chùa là hình ảnh vị thần Sáng tạo 4 mặt của người Khmer được điêu khắc trên đỉnh mái tam cấp của cổng, xung quanh bậc tam cấp là các ký hiệu đặc trưng của chùa Khmer Nam bộ. Muốn đến được chùa, du khách cần đi tiếp khoảng 500m lên đoạn dốc (có thể chạy xe lên). Ngôi chùa tận dụng không gian rộng lớn của ngọn đồi để sắp xếp các công trình kiến trúc của mình. Du khách sẽ thấy nét đặc biệt với những đoạn đường xi măng nối chánh điện với các kiến trúc khác.
Chùa được xây dựng theo lối kiến trúc Khmer với mái chùa hình tháp, mũi cong vút, mái lợp ngói có long vân ngư. Cùng với đó là những công trình đồ sộ uy nghi, được trạm trổ điêu khắc tinh xảo, đắp nối nhiều tranh tượng phù điêu hình chim thần Garuda, rắn thần Naga, tượng Cây No…. mang tính nghệ thuật cao.
Chánh điện là công trình nổi bật nhất. Vì nền đất của ngọn đồi không được bằng phẳng, người ta đã cho dựng các cột xi măng to lớn bên dưới để nâng chánh điện. Công trình thể hiện rất rõ nét cầu kỳ và chú trọng kiến trúc nghệ thuật của người Khmer.
Tất cả các bức tường hay các cột trong chùa đều được chạm khắc một cách tỉ mỉ, trang trí từ nhiều hình ảnh lấy cảm hứng từ cuộc đời đức Phật tạo nên nét đẹp độc đáo cho chùa. Ngoài ra, trên mỗi thành cầu thang luôn điêu khắc hình tượng rắn Naga dẫn thẳng lên công trình bên trên.
Một số điểm tham quan gần chùa Tà Pạ
Hồ Tà Pạ
Hồ Tà Pạ được bao quanh bởi những cánh đồng cỏ xanh phủ lên những tảng đá nhấp nhô bạc trắng, bụi cỏ lau rì rào ngả nghiêng trước gió. Đi sâu vào là một hồ cốc, xung quanh được bao bọc bởi những ngọn núi cao tạo nên một không gian lãng mạn, hữu tình, tưởng chừng chỉ có trong truyền thuyết.... Với Tà Pạ không gian thoáng hơn, bát ngát hơn và bố cục thì thật hùng vĩ, xa xa dãy núi Thất Sơn sừng sững trong chiều nắng vàng trải một mầu mật xuống cánh đồng Tả Pạ...
Cánh đồng Tà Pạ
Đến với những cánh đồng ruộng lúa vàng ươm tuyệt vời, bạn sẽ thấy tâm hồn mình nhẹ nhàng lắng đọng, bỏ lại cái ồn ào nơi phố thị. Thay vào đó là những cơn gió mát nhẹ nhàng, thỉnh thoảng là tiếng chim hót líu lo trên cánh đồng lúa vàng. Và nơi đây cánh đồng Tà Pạ nằm dưới chân núi Tà Pạ và Cô Tô cách thị trấn Tri Tôn khoảng 1km là một thắng cảnh tuyệt đẹp đáng tự hào của An Giang, được coi là ruộng bậc thang duy nhất của đồng bằng Sông Cửu Long. Nơi đây có khung cảnh rất độc đáo, thú vị do tập quán “làm ruộng vần công” của người dân bản địa sẽ là một trong những điểm ghi dấu trong lòng du khách.
Thời điểm đẹp nhất để ngắm cánh đồng Tà Pạ là lúc bình minh khi những ánh nắng đầu tiên vừa ló dạng, hoặc lúc mặt trời lặn dần sau những rặng núi. Cánh đồng đẹp nhất vào khoảng tháng 9 đến đầu tháng 11. Đặc biệt nhất là vào tháng 11, đây là thời điểm lúa đang vào mùa thu hoạch, bạn sẽ được chiêm ngưỡng cánh đồng tràn ngập khung cảnh rực rỡ những sắc vàng, sắc xanh bạt ngàn và choáng ngợp với cảnh sắc kỳ diệu của thiên nhiên nơi đây.
Du khách không chỉ được chiêm ngưỡng hết sắc thái rực rỡ của từng thửa ruộng dưới ánh sáng vàng rực của những tia nắng đầu và cuối ngày, mà còn cảm nhận được sự trong lành, mát mẻ của không gian nơi đây.
Cách di chuyển
Nếu di chuyển bằng đường hàng không, sân bay ở TP HCM và Cần Thơ là điểm đến gần nhất, sau đó du khách đi xe khách đến thành phố Long Xuyên hoặc thành phố Châu Đốc thuộc An Giang.
Chuyến bay đến Cần Thơ do Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air khai thác từ Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt, Thanh Hóa có giá thấp nhất khoảng một triệu đồng một chiều.
Xe khách từ TP HCM đi Long Xuyên và Châu Đốc có giá 170.000 - 200.000 đồng một lượt, từ Cần Thơ vé xe khoảng 100.000 đồng một lượt nhưng rất ít chuyến.
An Giang cách TP HCM khoảng 250 km, du khách có thể chạy xe máy hoặc ôtô nếu muốn chủ động về lộ trình và tự do nghỉ dọc đường. Di chuyển theo quốc lộ 1 đến ngã 3 An Thái Trung (chợ An Hữu), rẽ phải rồi qua phà Cao Lãnh đi theo bờ sông Tiền đến Chợ Mới. Sau đó, bạn qua phà Thuận Giang cập bờ sông Hậu tới phà Năng Gù, chạy tiếp quốc lộ 91 khoảng 30 km là tới núi Sam.
Để tham quan, xe máy, ô tô cá nhân và taxi là những hình thức di chuyển linh hoạt nhất. Giá thuê xe máy khoảng 100.000 - 150.000 đồng một ngày.
Đặc sản Tà Pạ An Giang
Món gà đốt trứ danh có nguồn gốc từ Campuchia với cách làm khá đơn giản. Sau khi tẩm ướt gia vị, gà được nướng chín để giữ vị ngọt tự nhiên, vừa hoà quyện mùi thơm đặc trưng của lá chúc và sả. Gắp từng miếng thịt gà chấm vào chén muối ớt chanh hoặc nước mắm làm, ăn kèm gỏi bắp chuối hột và rau răm thì hương vị như còn đọng lại hoài nơi đầu lưỡi.
Ngoài ra, bạn có thể thưởng thức bò nướng và đu đủ dầm - một món ăn vặt truyền thống của người dân Khmer. Bò được tẩm ướp gia vị và nướng ăn cùng đu đủ trộn bằng mắm cá tạo nên vị thơm ngon, đậm đà.
Cuối cùng, bạn có thể lựa chọn bánh thốt nốt để tráng miệng. Bánh được làm từ trái thốt nốt nổi tiếng ở vùng Tây Nam Bộ. Ngoài ra, trái còn có thể làm nước giải khát thích hợp cho mùa hè.
Xem các bài viết liên quan tại danh mục du lịch