Chủ đầu tư nghỉ Tết sớm, môi giới nhà đất cũng bỏ phố về quê
Cuối năm thường là mùa cao điểm của thị trường bất động sản (BĐS). Thế nhưng năm nay nhiều chủ đầu tư đã cho nhân viên nghỉ Tết sớm, khiến nhiều sàn môi giới cũng đóng cửa về quê.
Chủ đầu tư nghỉ Tết sớm
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM (HoREA) cho biết, đến nay tuy thị trường BĐS đã đi qua vùng “đáy”, nhưng vẫn còn rất khó khăn, thể hiện rõ nét tại TP. HCM.
Theo số liệu của Cục Thống kê TP. HCM, chốt cả năm 2023, ngành kinh doanh BĐS tăng trưởng âm 6,38%, là trường hợp cá biệt khi các ngành dịch vụ khác đều có năm tăng trưởng từ hơn 3% đến trên 10%. Trong hơn 52.100 doanh nghiệp (DN) thành lập mới năm qua với vốn đăng ký trên 470.300 tỉ đồng, kinh doanh BĐS chỉ có 1.541 đơn vị với quy mô hơn 61.100 tỉ đồng, giảm 38,7% về lượng và giảm 44,9% về vốn. Nhiều công ty BĐS rơi vào khó khăn, phải tạm đóng cửa hoặc nghỉ tết sớm.
Giám đốc điều hành Công ty BĐS Lộc An Phát (quận 12, TP. HCM) chia sẻ, năm 2023, DN của ông không có việc gì làm, gần như rơi vào tình trạng "ngủ đông". Chính xác thì đã 2 năm nay, dự án bị nhưng pháp lý, không có sản phẩm để bán, tiền đầu tư vay ngân hàng đã đổ vào hạ tầng giờ không thu được từ bán hàng để trả nợ ngân hàng, pháp lý cũng loay hoay mãi không ra nên nguồn thu cũng không có.
"Năm nay có lương tối thiểu cho anh em là may mắn rồi, lấy đâu ra thưởng. Giờ công ty cũng đã cho nhân viên nghỉ hết, hơn 200 người chỉ còn giữ 20 người và chủ yếu là làm pháp lý và văn phòng”, vị giám đốc này cho hay.
Được xem là “đại gia” trong BĐS với một số dự án quy mô tại khu vực Bình Dương, Long An, nhưng Tập đoàn BĐS Trần Anh năm nay cũng phải cho khối kinh doanh nghỉ tết từ giữa tháng 12/2023, riêng khối vận hành thì trước ngày 15/1.
"Bán hàng không được nên DN cho nhân viên nghỉ tết sớm vừa cơ cấu lại hoạt động, vừa giảm chi phí vận hành. Đến nay, để duy trì được bộ máy hoạt động đã là một thách thức vô cùng lớn bởi thị trường rất khó khăn, sản phẩm khan hiếm, tâm lý người mua dè dặt khiến cho các DN BĐS càng khó khăn hơn", đại diện Tập đoàn chia sẻ.
Dù đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, đã không còn nợ một đồng trái phiếu nào và cũng chưa sa thải nhân viên, nhưng theo bà Hương Liên, giám đốc nhân sự Công ty BĐS Đông Á, năm nay DN và bản thân người lao động không nghĩ đến việc thưởng tết, hiện đã cho 50% nhân viên chủ yếu là phòng xây dựng, thiết kế, kinh doanh nghỉ tết sớm.
Theo bà An My, giám đốc nghiên cứu thị trường của một Quỹ đầu tư BĐS, sở dĩ thị trường BĐS TP. HCM tăng trưởng âm là bởi thị trường không có nhiều sản phẩm mới vừa túi tiền để người mua có thể hấp thụ. Đa số các dự án mở bán thời gian qua là ở các giai đoạn tiếp theo. Do không có nhiều dự án mới nên thị trường không có nhiều giao dịch, DN không có doanh thu. Trong khi sản phẩm mới không có thì pháp lý của các dự án cũng gần như bế tắc nên việc tiếp cận vốn vay ngân hàng cũng không được.
"Giá BĐS vẫn neo ở mức cao, người dân vẫn đang tiếp tục chờ giá BĐS giảm thêm mới mua đã khiến thị trường đã khó càng thêm khó. Đến nay 2 điểm nghẽn của thị trường BĐS là pháp lý và hấp thụ vốn vẫn chưa cải thiện nhiều khiến phần lớn DN BĐS chưa thể vượt qua khó khăn", bà My đánh giá.
Nhân viên sàn môi giới cũng về quê
Ông Nguyễn Mạnh Hà, Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNRea) cho biết, giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, với dòng tiền dễ được bơm vào thị trường, cộng với sự phục hồi của nền kinh tế và quá trình đô thị hóa đã kéo theo nhu cầu BĐS tăng cao ở tất cả phân khúc.
Điều này đã góp phần tác động khiến thị trường BĐS phát triển nóng, tình trạng “sốt đất” cục bộ diễn ra ở nhiều nơi, nhất là các địa phương có thông tin quy hoạch hạ tầng như sân bay, khu công nghiệp, cầu đường... kéo theo sự phục hồi, hoạt động trở lại của các sàn giao dịch, môi giới BĐS. Nhưng khi thị trường gặp khó khăn thì đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất là môi giới. Thông tin từ VNRea cho thấy, ước lượng số lượng môi giới đang hoạt động hiện nay chỉ còn khoảng 30 - 40% so với giai đoạn đầu năm 2023.
“Từ cuối quý II/2022 đến nay, thị trường BĐS dần lao dốc và rơi vào trạng thái “ngủ đông” vì bị ảnh hưởng bởi những chính sách thắt chặt tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp cùng nhiều lý do khác. Hệ quả của thực trạng trên là công ty môi giới của chúng tôi phải tạm dừng hoạt động. Tôi đành phải chuyển sang công ty khác nhưng cũng chỉ hoạt động ở mức cầm cự và hầu như chỉ nhận lương tượng trưng, bán được hàng thì mới có hoa hồng. Hiện tại, công ty nơi tôi làm việc buộc phải cho nhân viên nghỉ Tết sớm để tiết kiệm chi phí văn phòng”, chị Đào Hồng, một nhân viên môi giới lâu năm tại quận 1 (TP. HCM) cho biết.
Khảo sát thực tế của VietnamFinance tại nhiều công ty môi giới BĐS cho thấy, đến thời điểm này, nhiều công ty đã cho nhân viên nghỉ tết và chưa có thông báo bao giờ mới đi làm lại bởi không đủ lực để duy trì tiếp hoạt động. Số DN còn hoạt động cũng cầm chừng vì bán hàng không được.
Khi được hỏi khi nào DN sẽ nghỉ tết, chị Vũ An Bình, giám đốc điều hành một sàn môi giới tại Thủ Đức thừa nhận, phần lớn công việc đã không "chạy" trong khoảng 6 tháng gần đây. Hiện, công ty chỉ còn vài lãnh đạo và 10 nhân viên làm việc, riêng bộ phận kinh doanh đã nghỉ tết sớm khoảng 80 người. Số nhân viên này cũng chưa biết bao giờ mới đi làm lại vì còn chờ thị trường hồi phục cũng như phải có sản phẩm vừa túi tiền với người mua mới nghĩ tới chuyện hồi phục lại nhân viên bán hàng.
"Đến giờ, nhiều chủ đầu tư vẫn phải “chạy ăn” từng bữa, giật gấu vá vai để có tiền trả cho cán bộ, nhân viên, dự án thì “đắp mền” vì vướng pháp lý thì làm sao nhân viên môi giới hy vọng trở lại làm việc”, chị Bình than thở.
“Ngay cả làm nhà ở xã hội còn không thể thực hiện được do vướng pháp lý thì nói gì đến nhà ở thương mại? Nhiều chủ đầu tư hứa sẽ có căn hộ bình dân “tung” ra sớm nhưng cả năm nay chưa bung hàng nổi thì chúng tôi không thể hy vọng năm nay có tết. Nhiều nhân viên hỏi tôi về thưởng, tôi nói thẳng năm nay giữ được công việc là may rồi, đừng nghĩ đến thưởng tết, hiện tại hơn 60% nhân viên của chúng tôi cũng đã về quê, sàn đóng cửa", ông Trần Mạnh Toàn, giám đốc Công ty dịch vụ và môi giới BĐS Toàn Phát chia sẻ.
Dẫu vậy, lãnh đạo các DN đều bày tỏ kỳ vọng vào năm 2024, các nút thắt sẽ được tháo gỡ để thị trường phục hồi. Ông Lê Hoàng Châu cho hay, điểm sáng cho thị trường BĐS năm 2023 là mức độ khó khăn đã có xu thế giảm dần theo thời gian, tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Ông Châu đưa ra dẫn chứng quý 1/2023, thị trường BĐS TP. HCM tăng trưởng âm 16,2% thì đến thời điểm 6 tháng đầu năm 2023 đã giảm xuống còn âm 11,58%, đến cuối quý 3/2023 tăng trưởng âm 8,71% và sau 9 tháng thì mức độ khó khăn của thị trường BĐS đã giảm 42,3% so với quý 1/2023.
“Hy vọng 2024, thị trường được tháo gỡ pháp lý và điểm nghẽn vốn, có thêm phân khúc bình dân giá vừa túi tiền, cũng như có thêm nhiều dự án nhà ở xã hội. Khi thị trường không còn bị mất cân đối, lệch pha sản phẩm nhà ở, thì mới hy vọng có thể khởi sắc”, ông Châu nhận định.
- Thị trường bất động sản 2024: Phân khúc nào sẽ biến động nhiều nhất?
- Nhìn lại bất động sản công nghiệp trong năm 2023
- Thị trường bất động sản “đóng băng”, xuất nhập khẩu giảm, thu ngân sách bị ảnh hưởng
- Tư thế ngủ tiết lộ chỉ số thông minh của trẻ nhỏ
- Giá xăng liệu có tăng mạnh trước Tết?
- Về miền Tây, ghé 4 làng hoa rực rỡ sắc xuân dịp cận Tết
- Bộ Y tế: Xem xét cho học sinh nghỉ học nếu không khí ở mức nguy hại 3 ngày liên tục
- Gợi lại ồn ào với Nhã Phương, đạo diễn Nhất Trung bị tố PR cho phim mới
- Khuyến mại sâu để kích cầu tiêu dùng dịp cận Tết Nguyên đán mặt hàng điện tử, điện máy vẫn 'ế sưng'