Thứ hai, 20/05/2024, 10:11 (GMT+7)

Cho vay trực tuyến: Đợi một hành lang pháp lý để bùng nổ

Khánh Tú (Theo Vietnam Finance)

Cùng với xu hướng chuyển đổi số trong ngành ngân hàng, hoạt động cho vay qua nền tảng trực tuyến đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều ngân hàng. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, hoạt động cho vay trực tuyến vẫn đang đợi một hành lang pháp lý đầy đủ hơn để có thể bùng nổ trong thời gian tới.

Xu thế cho vay trực tuyến

Theo thống kê mới nhất của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 27/3/2024, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt hơn 13,651 triệu tỷ đồng, tăng 0,61% so với cuối năm 2023. Để thúc đẩy tín dụng, ngay từ đầu năm, toàn bộ ngành ngân hàng đã triển khai nhiều giải pháp tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Toàn ngành ngân hàng đã giảm lãi suất cho vay xuống mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua. Lãi suất cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới hiện ở mức 6,5%/năm, giảm khoảng 0,6%/năm so với cuối năm 2023.

Bên cạnh đó, nhiều ngân hàng cũng đẩy mạnh việc số hóa quy trình cho vay vốn, rút gọn thủ tục nhằm tiết kiệm thời gian, chi phí cho cả bên đi vay lẫn bên cho vay. Ông Phạm Tiến Dũng, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, khẳng định: “Định hướng lớn mà Ngân hàng Nhà nước tập trung triển khai trong năm 2024 là cho vay trên nền tảng trực tuyến”.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tính đến nay có ít nhất 28 tổ chức tín dụng ứng dụng công nghệ vào việc cho vay. Đơn cử như Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB) triển khai gói vay tín chấp online M-Power với hạn mức lên tới 15 tỷ đồng đối với khách hàng doanh nghiệp SME. Thời gian phê duyệt hạn mức chỉ trong 3 ngày làm việc với 100% quy trình thực hiện online.

Hay như BIDV cũng số hóa quy trình cho vay từ khâu tiếp nhận nhu cầu vay vốn đến thực hiện và quản lý tài khoản cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp và khách hàng cá nhân. SHB cũng có hàng loạt các sản phẩm được thực hiện end-to-end trên kênh online như mở tài khoản eKYC, thấu chi online, vay cầm cố sổ tiết kiệm…

Chưa kể, sau khi vay, nếu muốn tiếp tục giải ngân thêm, khách hàng cũng không cần làm đơn đề nghị mới, chờ phê duyệt mà chỉ cần dựa vào dòng tiền là có thể được ngân hàng cấp gia tăng trực tuyến.

Chia sẻ với Đầu tư Tài chính, chị Nguyễn Chi, nhân viên tín dụng tại một ngân hàng thương mại ở Hà Nội, cho biết: “Việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động cho vay giúp quá trình làm thủ tục, giấy tờ nhanh gọn hơn. Thời gian giải ngân cũng giảm xuống, giúp cả phía ngân hàng lẫn người đi vay đều được lợi. Cũng vì thế nên số lượng khách hàng tiếp cận hình thức vay vốn qua nền tảng số tăng đáng kể trong thời gian gần đây”.

Anh Đức Anh, chủ doanh nghiệp đồ resin tại Hà Nội, cũng bất ngờ trước sự nhanh chóng, tiện lợi của hình thức cho vay qua nền tảng số của các ngân hàng. “Cuối năm 2023, lượng đơn hàng đặt trước tăng cao do nhu cầu làm quà tặng tăng. Khi đó, công ty cần vốn gấp nên tôi đã nghĩ đến việc vay online tại một ngân hàng thương mại”, anh nói.

Chỉ sau 3 ngày, anh Đức Anh đã nhận được thông báo phê duyệt hạn mức tín dụng. “Trước đây nếu muốn vay vốn thì phải chuẩn bị hồ sơ với nhiều giấy tờ và phải đợi ít nhất 2, 3 tháng thì nay thời gian vay vốn chỉ còn từ 1 - 3 ngày mà không cần phải đến tận ngân hàng”, anh Đức Anh cho hay.

Làm sao để không “vừa làm, vừa run”?

Theo PGS. TS. Nguyễn Thuỳ Dương, Trưởng Khoa Ngân hàng, Học viện Ngân hàng, đại dịch Covid-19 đã giúp cho các khách hàng nhận thấy tiềm năng của ngân hàng số và các dịch vụ số của ngân hàng, trong đó có kênh cho vay qua nền tảng trực tuyến.

Thông qua việc cho vay trên nền tảng số, thủ tục giấy tờ sẽ được giảm tối đa, từ đó giảm khó khăn, phiền phức cho khách hàng. Ở chiều ngược lại, các ngân hàng cũng rút ngắn được thời gian khi dễ dàng truy cập mức độ tín nhiệm, lịch sử giao dịch của người đi vay qua các thuật toán và các giải pháp như eKYC.

Một điểm thuận lợi nữa của cho vay qua nền tảng số so với cho vay truyền thống là thu hẹp được khoảng cách giữa các ngân hàng và khách hàng. “Với phương thức cho vay truyền thống, tại mỗi món vay, khách hàng phải đến ngân hàng để có thể đầy đủ thông tin chi tiết về món vay và muốn có thông tin so sánh giữa các ngân hàng, khách hàng cũng cần gặp trực tiếp từng ngân hàng. Tuy nhiên với cho vay số, khách hàng có thể tiếp cận các ngân hàng khác nhau với thông tin dễ dàng để so sánh, lựa chọn gói vay phù hợp nhất”, PGS. TS. Nguyễn Thuỳ Dương cho hay.

Tuy vậy, các ngân hàng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức khi triển khai các dịch vụ cho vay qua nền tảng số.

Đại diện Vietcombank cho hay thời gian qua, các ngân hàng vẫn còn thận trọng trong cho vay qua nền tảng số bởi nhiều lý do như dữ liệu khách hàng vẫn còn lẫn nhiều dữ liệu rác, chưa xác thực được khách hàng; việc thẩm định, phê duyệt tín dụng tự động còn hạn chế do dữ liệu, cơ sở pháp lý chưa rõ ràng.

Ngoài ra, cơ chế thu hồi nợ cũng như hành lang pháp lý liên quan đến vấn đề thu hồi nợ chưa đầy đủ khiến nhiều ngân hàng rơi vào cảnh “vừa làm, vừa run”.

Chưa kể, thời gian qua có tình trạng nhiều thông tin cá nhân của khách hàng bị rò rỉ, đánh cắp, từ đó bị kẻ xấu sử dụng để đi vay hoặc làm các việc phi pháp mà khách hàng không hề hay biết. Thực trạng này vô hình trung đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các ngân hàng, khiến nhiều người e dè khi vay trực tuyến.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội ngân hàng, cho rằng để hoạt động cho vay trực tuyến phát triển mạnh hơn nữa thì cần phải tạo ra một hành lang pháp lý đầy đủ hơn.

Bên cạnh những quy định về cho vay trên nền tảng trực tuyến ban hành tại Thông tư 06 hay các vấn đề liên quan đến ứng dụng công nghệ số, chuyển đổi số,… tại Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Chính phủ cần sớm công bố Nghị định thay thế Nghị định 101/2012/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt cũng như cần có cơ chế thử nghiệm (Regulatory Sandbox) trong lĩnh vực công nghệ tài chính, ông Hùng đề xuất.

Ngoài ra, phía ngân hàng cũng phải tập trung đầu tư mạnh về công nghệ, xây dựng dựa trên nền tảng 3 yếu tố cốt lõi, bao gồm dữ liệu, công nghệ và bảo mật.

Các ngân hàng có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) vào phân tích dữ liệu nhằm giảm thiểu rủi ro trước khi quyết định cho vay, xây dựng quy trình chấm điểm tín dụng chi tiết, xem xét đưa vào sử dụng các hợp đồng số thông minh… để giúp quy trình cho vay chặt chẽ và tự động hơn.

Yếu tố bảo mật, đảm bảo an toàn cho các bên cũng cần được thực hiện nghiêm túc khi cho vay trực tuyến. Việc xác thực thông tin khách hàng qua phương thức xác thực định danh điện tử (eKYC) cần được đảm bảo an toàn hơn, sử dụng các công nghệ hiện đại để tăng mức độ bảo mật thông tin, giảm tối đa rủi ro cho ngân hàng và khách hàng, từ đó góp phần giúp khách hàng có niềm tin hơn với hoạt động cho vay trực tuyến.

Cùng chuyên mục