Cẩn trọng với căn bệnh nguy hiểm dễ bị nhầm với cảm cúm
Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn... lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan và coi nhẹ.
“Thập tử nhất sinh” vì căn bệnh dễ nhầm với cảm cúm
Mới đây, Bệnh viện Nhân dân Gia Định vừa cấp cứu thành công cho nữ sinh viên bị viêm cơ tim nặng, nguy cơ tử vong cao. Nữ sinh viên H.A.D (21 tuổi, theo học tại TP.HCM) cảm thấy đau ngực, khó thở, da nhợt nhạt nhập bệnh viện y tế gần nhà tối ngày 30/12/2023. Thời điểm nhập Bệnh viện Nhân dân Gia Định, người bệnh có chỉ số huyết áp rất thấp, kèm rối loạn nhịp thất trên điện tâm đồ, chẩn đoán viêm cơ tim cấp nặng nguy cơ tử vong rất cao nếu không được điều trị kịp thời.
Ngay lập tức người bệnh được hội chẩn với Bệnh viện Nhân dân Gia Định và chuyển vào Đơn vị Hồi sức tim mạch để cấp cứu. Trong vòng 30 phút, người bệnh được can thiệp VA-ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) ở trạng thái tỉnh thức hoàn toàn, không cần gây mê hay thở máy xâm lấn.
ThS.BS Nguyễn Thanh Thảo - Đơn vị Hồi sức tim mạch cho biết, các bác sĩ quyết định can thiệp VA-ECMO (oxy hóa máu màng ngoài cơ thể) cấp cứu trong vòng 30 phút để nhanh chóng ổn định huyết động. Can thiệp VA-ECMO thức tỉnh là một phương thức oxy hóa máu màng ngoài cơ thể với ưu điểm thời gian phục hồi của người bệnh nhanh hơn, giảm nguy cơ nhiễm trùng và tiết kiệm đáng kể chi phí điều trị. Sau 24 giờ can thiệp VA-ECMO, huyết áp của người bệnh đã ổn định, chức năng các tạng hồi phục dần, rối loạn nhịp thất đáp ứng với điều trị corticosteroids liều cao. Chức năng tim phục hồi hoàn toàn và ngưng can thiệp VA-ECMO sau 4 ngày.
Sau khoảng 10 ngày theo dõi và điều trị, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, sức khỏe dần hồi phục và được xuất viện vào chiều ngày 8/1/2024.
Bệnh viêm cơ tim cấp nguy hiểm thế nào?
Viêm cơ tim là tình trạng viêm lớp cơ dày của thành tim khiến cơ tim bị tổn thương viêm và hoại tử, ảnh hưởng tới chức năng co bóp của cơ tim. Bệnh viêm cơ tim nếu không được phát hiện và điều trị sớm có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm, dẫn đến suy tim nhanh chóng và đe dọa tính mạng người bệnh.
Nguyên nhân gây viêm cơ tim chủ yếu là do virus, trong đó thường gặp nhất là do virus coxsackie B. Một số loại virus khác như virus gây cảm lạnh thông thường (adenovirus), parvovirus B19 (virus gây sốt phát ban), virus herpes (gây bệnh thủy đậu, zona thần kinh), echovirus (virus gây nhiễm trùng đường tiêu hóa), hay virus rubella (gây bệnh sởi) cũng là nguyên nhân tiềm tàng của viêm cơ tim. Ngoài ra, bệnh viêm cơ tim cũng có thể gây ra bởi vi khuẩn, ký sinh trùng; do tiếp xúc với thuốc gây dị ứng, độc hại, thuốc chống động kinh; do điều trị bằng hóa trị hoặc xạ trị; mắc bệnh lupus, viêm động mạch...
Bệnh viêm cơ tim cấp thường xuất hiện ở những người trẻ từ 20-40 tuổi. Thường gặp nhiều ở mùa mưa khi thời tiết chuyển mùa. Viêm cơ tim cấp có diễn biến nhanh đột ngột, phức tạp, nguy cơ tử vong cao nếu không được điều trị sớm và kịp thời. Dấu hiệu ban đầu của bệnh rất khó phát hiện bởi triệu chứng lâm sàng không điển hình, giống cảm sốt thông thường như: mệt mỏi, đau nhức người, chán ăn...hơn nữa lại hay gặp ở người trẻ tuổi nên càng dễ chủ quan, coi nhẹ.
Chỉ sau vài ngày bệnh viêm cơ tim cấp đã gây ra các biến chứng nguy hiểm như: viêm phổi, rối loạn nhịp tim, suy hô hấp, suy tim. Vì vậy, nếu bị cảm sốt và đi kèm theo những biểu hiện khác thường: tức ngực, khó thở ngay cả khi đang ngồi nghỉ ngơi hoặc trong quá trình vận động, nhịp tim nhanh bất thường, phù nề ở chân, sưng mắt cá chân và bàn chân... các bác sĩ khuyên người bệnh lập tức đến cơ sở y tế gần nhất để được theo dõi và điều trị kịp thời.