Cần có cơ chế bảo vệ KOL/KOC trước thông tin sai lệch từ nhãn hàng
Các chuyên gia cho rằng cần có cơ chế bảo vệ KOL/KOC trước thông tin sai từ nhãn hàng, nhất là khi nhiều trường hợp gặp rủi ro pháp lý do nhãn hàng cung cấp thông tin sai về sản phẩm.
Áp lực điểm số: Cha mẹ có đang vô tình đẩy con ra xa?
Tư duy mới khi chọn đại sứ thương hiệu thời đại mới: Đồng điệu văn hoá hay độ phủ sóng?
Mẹo chi tiêu thông minh giúp phụ nữ độc thân không 'rỗng ví' vào cuối tháng
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) vừa phối hợp cùng Liên chi hội Quảng cáo và Nội dung số Việt Nam (VDAA), trực thuộc Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam (VAA) đã tổ chức Hội nghị phổ biến Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo và lấy ý kiến đối với Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo .

Phát biểu ý kiến về KOL/KOC, ông Trương Gia Bảo, Phó Chủ tịch Hiệp hội quảng cáo Việt Nam, Chủ tịch VDAA cho biết, KOL và KOC là lực lượng quan trọng trong quảng cáo số, đặc biệt trong việc xây dựng thương hiệu và tiếp cận người tiêu dùng. Tuy nhiên, họ thường là cá nhân hoặc nhóm nhỏ, dễ bị tổn thương trước các quy định hành chính phức tạp.
"Yêu cầu KOL/KOC phải thông báo thông tin liên hệ hoặc lưu trữ hồ sơ quảng cáo (Điều 20) có thể không khả thi do hạn chế về quy mô và kiến thức pháp lý. Đề xuất miễn trừ các yêu cầu này cho KOL/KOC có doanh thu quảng cáo dưới một ngưỡng nhất định (ví dụ: 100 triệu đồng/năm) hoặc cho phép họ ủy quyền cho agencies/nền tảng thực hiện thay", ông Bảo cho biết.

Ông Bảo đề xuất bổ sung quy định về quyền lợi của KOL/KOC, như quyền được cung cấp thông tin đầy đủ từ khách hàng hoặc agencies về sản phẩm quảng cáo, để tránh vi phạm pháp luật do thiếu thông tin. Đồng thời, cần có hướng dẫn rõ ràng về cách KOL/KOC phân biệt nội dung quảng cáo và nội dung cá nhân, nhằm tránh bị xử phạt do nhầm lẫn.
Theo ông Bảo, dự thảo Nghị định là một bước tiến quan trọng trong việc hoàn thiện khung pháp lý cho hoạt động quảng cáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, để bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển của ngành quảng cáo số, ông Bảo kiến nghị tổ chức các buổi tham vấn thường xuyên với các hiệp hội, doanh nghiệp, và KOL/KOC để đảm bảo các quy định phù hợp với thực tiễn.
Bên cạnh đó, cũng cần cung cấp công cụ, đào tạo, và ưu đãi để hỗ trợ các đối tượng trong ngành tuân thủ quy định. Đồng thời, xem xét các ngưỡng miễn trừ hoặc đơn giản hóa thủ tục cho các doanh nghiệp nhỏ và KOL/KOC. Và làm rõ trách nhiệm và quyền lợi của platforms, publishers, agencies, và KOL/KOC để tạo môi trường cạnh tranh công bằng.

Phát biểu tại hội nghị, bà Trần Thị Đan Thanh, Chủ nhiệm CLB KOL/KOC Việt Nam cho biết, hoạt động của KOL/KOC đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong ngành quảng cáo số tại Việt Nam. Việc hoàn thiện các quy định pháp luật liên quan đến KOL/KOC không chỉ giúp bảo vệ quyền lợi của các bên liên quan mà còn góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp quảng cáo.
Tuy nhiên, bà Thanh đề xuất cần định nghĩa cụ thể hơn về KOL/KOC. Cụ thể, trong Điều 15a khoản 1 và 2 của Luật sửa đổi đã đề cập đến "người chuyển tải sản phẩm quảng cáo" nhưng chưa phân tách rõ ràng giữa KOL (người có ảnh hưởng lớn, thường là chuyên gia hoặc người nổi tiếng) và KOC (người tiêu dùng có ảnh hưởng nhỏ hơn, thường chia sẻ trải nghiệm cá nhân).
Việc phân tách này sẽ giúp xác định trách nhiệm pháp lý phù hợp với từng nhóm, tránh áp dụng chung các quy định có thể gây khó khăn cho KOC – những cá nhân không hoạt động quảng cáo chuyên nghiệp.
Ngoài ra, bà Thanh cho rằng, theo Điều 15a khoản 2, KOL/KOC có nghĩa vụ "xác minh về độ tin cậy của người quảng cáo, kiểm tra tài liệu liên quan đến sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ quảng cáo". Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều KOL/KOC không có đủ nguồn lực hoặc chuyên môn để thực hiện việc này.
Bà Thanh đề xuất Bộ VHTTDL phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng hướng dẫn cụ thể hoặc cung cấp công cụ hỗ trợ KOL/KOC kiểm tra tính hợp pháp của sản phẩm/dịch vụ quảng cáo, ví dụ như cổng thông tin tra cứu giấy phép lưu hành sản phẩm.
Ngoài ra, bà Thanh cũng đề xuất xem xét miễn trừ hoặc đơn giản hóa yêu cầu lưu trữ đối với KOC có quy mô nhỏ, hoặc yêu cầu các nền tảng số trung gian (như mạng xã hội) cung cấp công cụ lưu trữ miễn phí cho KOL/KOC. Đồng thời, bổ sung quy định yêu cầu các nền tảng số phải cung cấp dữ liệu hiệu suất quảng cáo (như lượt xem, tương tác) cho KOL/KOC trong vòng 7 ngày sau khi kết thúc chiến dịch, để đảm bảo quyền lợi và minh bạch.
Bên cạnh đó, bà Thanh cũng cho rằng cần có cơ chế bảo vệ KOL/KOC trước thông tin sai lệch từ nhãn hàng, nhất là khi nhiều trường hợp KOL/KOC gặp rủi ro pháp lý do nhãn hàng cung cấp thông tin sai lệch về sản phẩm.
Bà đề xuất bổ sung quy định yêu cầu nhãn hàng (người quảng cáo) phải chịu trách nhiệm chính nếu cung cấp thông tin không chính xác, đồng thời KOL/KOC chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi thông tin họ được cung cấp và đã kiểm tra hợp lý.