Áp lực điểm số: Cha mẹ có đang vô tình đẩy con ra xa?
Áp lực điểm số nếu không được nhìn nhận đúng cách có thể biến thành rào cản giữa cha mẹ và con cái, khiến khoảng cách tình cảm dần nới rộng hơn.
Giúp trẻ hòa nhập khi vào lớp 1: Bước đệm quan trọng cha mẹ không nên bỏ lỡ
Con nổi loạn tuổi dậy thì: Bố mẹ cần là người dập lửa, không phải mồi lửa
Đừng ép con theo khuôn mẫu, dạy con theo thế mạnh riêng mới là cách nuôi dưỡng thành công đích thực
Khi điểm số trở thành “thước đo tình yêu”
Cuối kỳ học, con mang về điểm 7. Người mẹ nhìn bảng điểm, thở dài: “Học vậy thì mai sau làm được gì?”. Cậu bé lặng lẽ, tránh ánh mắt mẹ, ôm sách vào phòng. Câu chuyện tưởng như rất bình thường ấy lại đang diễn ra mỗi ngày trong hàng ngàn gia đình Việt, nơi mà thước đo giá trị của một đứa trẻ thường bị gói gọn trong hai con số: điểm kiểm tra và học bạ.
Không ít phụ huynh, vì lo cho tương lai của con đã vô tình đặt gánh nặng quá lớn lên vai trẻ. Điểm 10 là niềm tự hào, là bằng chứng “con ngoan”. Còn điểm 6, 7 là thất vọng, là “con chưa cố gắng”.
Trẻ em nhạy cảm hơn người lớn vẫn tưởng. Khi cha mẹ chỉ quan tâm đến kết quả, trẻ có thể cảm thấy tình cảm của mình bị gắn mác điều kiện: "Mình phải học giỏi thì bố mẹ mới vui lòng".

Hệ lụy khó lường khi áp lực quá lớn
Lâu dần, điểm số không còn là động lực mà trở thành áp lực đối với mỗi đứa trẻ. Điều này gây nên những hệ lụy xấu như:
-
Mất động lực học tập thật sự: Khi chỉ tập trung vào điểm số, trẻ sẽ chọn cách học đối phó, học vẹt để qua môn thay vì hiểu sâu và vận dụng. Hệ quả là nền tảng kiến thức lỏng lẻo, thiếu tư duy phản biện.
-
Ám ảnh thành tích: Trẻ dễ rơi vào cảm giác lo âu trước mỗi kỳ kiểm tra. Nhiều trường hợp trẻ mất ngủ, rối loạn cảm xúc hoặc khủng hoảng vì không đạt kỳ vọng.
-
Xa cách với cha mẹ: Khi bị áp lực điểm số, bị trách mắng, lâu dần trẻ sẽ chọn cách im lặng, giấu kết quả hoặc… nói dối. Tình cảm gia đình trở nên căng thẳng, thiếu kết nối.
Phụ huynh cần làm gì để khiến trẻ giảm áp lực?
Thay đổi góc nhìn về điểm số
Điểm số chỉ là một phần rất nhỏ trong bức tranh năng lực của trẻ. Có những đứa trẻ học trung bình nhưng lại rất sáng tạo, giàu cảm xúc hoặc giỏi kết nối với người khác. Đây đều là những kỹ năng cần thiết trong thế kỷ 21.
Hãy nhìn con toàn diện hơn, bằng cách xem: “Con có tiến bộ không?”, “Con có cố gắng không?” thay vì chỉ hỏi “Được mấy điểm?”.
Khuyến khích nỗ lực thay vì so sánh
Thay vì so sánh con với bạn cùng lớp, hãy so sánh con với chính mình của hôm qua. Khi cha mẹ ghi nhận sự nỗ lực, trẻ sẽ cảm thấy được yêu thương vô điều kiện và có động lực cố gắng hơn.
Trò chuyện thay vì áp đặt
Hãy tạo không gian để con chia sẻ cảm xúc thật: “Con có thấy áp lực không?”, “Có môn nào con thích hơn không?”, “Con muốn bố mẹ hỗ trợ điều gì?”. Sự lắng nghe và thấu hiểu sẽ giúp trẻ thấy mình không đơn độc trong hành trình học tập.
Dẫn dắt bằng sự đồng hành
Nếu con có điểm kém, đừng vội la mắng. Thay vào đó, hãy cùng con tìm nguyên nhân và giải pháp. Có thể con đang gặp khó khăn ở một khái niệm nào đó, cần thay đổi cách học hoặc đơn giản là con đang cần một kỳ nghỉ nhỏ để “nạp năng lượng”.
Không ai phủ nhận vai trò của học tập và kiến thức, nhưng điều quan trọng hơn cả là giúp trẻ yêu việc học, hiểu bản thân và phát triển toàn diện. Nếu cha mẹ chỉ nhìn thấy điểm số mà bỏ qua cảm xúc, đam mê và sự cố gắng thầm lặng của con thì sẽ dễ khiến con cảm thấy mệt mỏi, muốn tránh xa.
Đừng để áp lực điểm số là lý do khiến con phải lùi lại hay rút lui khỏi vòng tay gia đình. Hãy để yêu thương và sự thấu hiểu là hành trang để con tiến bước vững vàng hơn trên hành trình học tập và trưởng thành.