Tiếp Thị Gia Đình

Chủ nhật, 22/10/2023, 18:34 (GMT+7)

Cách phòng tránh viêm da cơ địa ở trẻ trong thời tiết giao mùa

Viêm da cơ địa ở trẻ thường gặp trong thời tiết giao mùa, gây ra các triệu chứng khó chịu, kéo dài như da khô, bong tróc, đỏ rát, ngứa ngáy,..

Viêm da cơ địa là gì?

Viêm da cơ địa là một trong những bệnh lý về da dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là vào thời điểm giao mùa hanh khô, độ ẩm giảm. Đây là bệnh mãn tính, liên quan đến cơ địa dị ứng.

Làn da mỗi người luôn có một lớp màng bảo vệ, ngăn ngừa những tác động xấu từ bên ngoài và hạn chế nước bị bốc hơi. Tuy nhiên, khi bị viêm da, lớp màng bảo vệ này sẽ bị tổn thương khiến vi khuẩn tấn công gây ra nhiều tác hại khác nhau.

viem-gia-co-dia
Viêm da cơ địa dễ gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trong thời điểm giao mùa (Ảnh: Freepik)

Đối với trẻ nhỏ, viêm da cơ địa thường sớm khởi phát. Cụ thể, có 60% trường hợp xuất hiện trong năm đầu đời, 30% trong 5 năm đầu và 10% khi trẻ sau 5 tuổi. Khi mắc bệnh, có khoảng hơn 90% trường hợp sẽ ổn định sau 2 tuổi và khoảng 5% chuyển qua viêm da cơ địa ở trẻ lớn hơn. Đặc biệt, có nhiều trường hợp thường xuyên bị tái đi tái lại nhiều lần đến khi trưởng thành. 

Viêm da cơ địa xuất hiện bởi nhiều nguyên nhân gây nên, song, gen di truyền và rối loạn miễn dịch là 2 yếu tố dễ gặp nhất.

Những dấu hiệu của trẻ bị viêm da cơ địa 

Trẻ bị viêm da cơ địa sẽ xuất hiện nhiều triệu chứng khác nhau tùy vào mỗi giai đoạn. Hầu hết tất cả các vị trí trên cơ thể đều bị ảnh hưởng khi mắc bệnh, đặc biệt là ở vùng đầu, mặt, cổ,..

Cụ thể, mỗi giai đoạn của bệnh sẽ xuất hiện các triệu chứng như sau:

  • Giai đoạn cấp tính

Xuất hiện nhiều mụn nước bị dập, vỡ tại nền da rát, đỏ, có rỉ dịch, đóng vảy. Những tổn thương này thường xuất hiện ở vùng trán, má, cằm. Trường hợp nghiêm trọng hơn có thể xuất hiện ở thân và các chi. 

  • Giai đoạn bán cấp

Ở giai đoạn này, diễn biến của triệu chứng sẽ nhẹ hơn như dát sần xuất hiện tập trung thành từng mảng hay rải rác, rỉ và ứ nhiều dịch, phù nề kèm ngứa.

  • Giai đoạn mãn tính

Đối với giai đoạn mãn tính, da dày và khô, xuất hiện các vết nứt gây đau cùng nhiều nếp gấp lớn. Da có thể bị tăng hay giảm sắc tố sau viêm.

Ngoài ra, trẻ bị chứng viêm da cơ địa có thể kèm theo tình trạng dị ứng, hen suyễn, bệnh vảy cả, mất ngủ, lo lắng. Khi bị bệnh, trẻ sẽ ngứa ngáy, khó chịu, có thói quen gãi, cào cấu khiến tổn thương trở nên nghiêm trọng hơn. 

Hướng dẫn điều trị bệnh viêm da cơ địa tại nhà cho trẻ

Viêm da cơ địa tuy không ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe hay tính mạng. Song nếu không được chữa trị, trẻ sẽ luôn trong trạng thái khó chịu, quấy khóc, chán ăn, mất ngủ. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp để lại thâm, sẹo gây mất thẩm mỹ khi trẻ trưởng thành. 

viem-gia-co-dia 1
Viêm da cơ địa có thể để lại thâm, sẹo gây mất thẩm mỹ khi trẻ trưởng thành (Ảnh: Freepik)

Đầu tiên, khi phát hiện những dấu hiệu của bệnh viêm da cơ địa, phụ huynh cần đưa trẻ đến thăm khám để được bác sĩ kiểm tra, tư vấn phác đồ điều trị. 

Điều trị viêm da cơ địa bằng phương pháp dân gian

Khi chữa trị tại nhà, có thể tham khảo phương pháp dân gian là tắm từ chè xanh, lá trầu không, lá khế,.. Những loại thảo mộc trên đặc biệt lành tính, an toàn, dễ tìm kiếm và giá rẻ. Chúng mang lại tác dụng chống viêm, giảm ngứa, hỗ trợ điều trị viêm da rất tốt. 

Lưu ý, thảo mộc được lựa chọn nên được trồng tự nhiên, không nhiễm thuốc trừ sâu. Đồng thời, với phương pháp này, cần phải kiên nhẫn và thực hiện thường xuyên để đạt được kết quả mong muốn.

Sử dụng thuốc điều trị

Ngoài bài thuốc dân gian ở trên, phụ huynh cần kết hợp thêm cùng các loại thuốc theo sự kê đơn của bác sĩ.

Khi kê toa, bác sĩ sẽ cho thuốc dựa theo mức độ và giai đoạn của bệnh, trong đó, được chia thành 2 giai đoạn là điều trị tấn công và điều trị duy trì. 

  • Điều trị tấn công: Sử dụng corticosteroid tại chỗ

Điều trị tùy theo tình trạng bệnh, không nên dùng đối với trường hợp nhẹ. Cân nhắc chọn loại corticosteroid hoạt tính thích hợp cùng lượng sử dụng vừa đủ. Giảm liều theo cách từ từ, tránh tái phát. 

  • Điều trị duy trì: Chỉ áp dụng với trường hợp bệnh nặng, tái phát nhiều lần.

Khi có dấu hiệu tái phát, sử dụng Tacrolimus, Pimecrolimus tại chỗ để ngừa bệnh tiến triển. Đồng thời, sử dụng thêm corticosteroid gián đoạn tại chỗ nhưng cần lưu ý những điểm đã nêu ở trên để hạn chế tác dụng phụ nguy hiểm. 

Trong tình trạng xuất hiện các biến chứng hoặc có phát ban đỏ, cần tìm hiểu rõ nguyên nhân cụ thể rồi áp dụng các cách sau:

  • Trường hợp nhiễm khuẩn: Dùng kháng sinh đường uống hoặc kháng sinh tại chỗ hoặc có thể kết hợp cả 2.

  • Trường hợp nhiễm virus: Dùng thuốc kháng virus đường uống hoặc thuốc kháng virus tại chỗ hoặc có thể kết hợp cả 2.

Trong thời gian điều trị viêm da cơ địa cho trẻ, phụ huynh cần lưu ý theo dõi diễn biến bệnh và cho trẻ đi tái khám để được hỗ trợ chữa trị nhanh chóng, dứt điểm.

Cùng chuyên mục