Từ vụ 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất bán ra thị trường: Mách chị em nội trợ cách phân biệt giá đỗ sạch và 'ngậm' hóa chất
Thông tin 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất bị phát hiện và tiêu thụ ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng, đặc biệt là các bà nội trợ, không khỏi hoang mang. Vậy làm sao để phân biệt giá đỗ sạch và loại “ngậm” hóa chất?
Bách Hoá Xanh được cung ứng giá đỗ ngâm hoá chất gây dị tật, người tiêu dùng cẩn trọng
Bách hóa Xanh thừa nhận có lấy hàng của cơ sở ngâm giá đỗ hóa chât
Nước đi bất ngờ của Bách Hóa Xanh sau vụ bán giá đỗ ngâm hóa chất, chưa từng có tiền lệ
Hơn 3500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất tuồn ra thị trường
Mới đây, sự việc hàng nghìn tấn giá đỗ bị ngâm hóa chất được đưa ra thị trường khiến nhiều người tiêu dùng lo lắng. Cụ thể, ngày 11/4, kiểm tra 4 cơ sở sản xuất giá đỗ trên địa bàn TP. Vinh, tỉnh Nghệ An, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu - Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với các đơn vị liên quan đã bắt giữ 4 đối tượng có hành vi vi phạm quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và thu giữ nhiều tang vật.

Tang vật thu giữ gần 2.000 lu chứa giá đỗ các loại, tổng khối lượng khoảng 25 tấn giá đỗ; 25 lít dung dịch hóa chất “nước kẹo” (tên khoa học là chất 6-Benzylaminopurine (6- BAP) nguyên chất và 150 lít dung dịch đã pha chế để phục vụ việc sản xuất giá đỗ cùng một số tang vật liên quan khác.
Theo Cơ quan chức năng, hóa chất 6-Benzylaminopurine mà các đối tượng sử dụng tưới vào các lu giá đỗ trong quá trình sản xuất là chất cấm, khi tiếp xúc sử dụng có nhiều tác hại nghiêm trọng đến sức khỏe, trường hợp nghiêm trọng có thể dẫn đến xơ phổi, thậm chí tử vong.
Để giá đỗ to, mập, ngắn rễ và đẹp mắt hơn, bán thu lợi nhuận cao hơn, từ năm 2024 đến thời điểm bị bắt, các đối tượng đã sản xuất và bán ra thị trường 3.500 tấn giá đỗ thành phẩm có sử dụng “nước kẹo” ngâm, tưới giá đỗ. Loại giá đỗ này được đưa tới các tiểu thương ở những chợ đầu mối tại Nghệ An và các tỉnh lân cận. Giá bán của giá đỗ này rơi vào khoảng 10.000 - 15.000 đồng/1kg.
Cách phân biệt giá đỗ sạch và ngâm hóa chất
Chia sẻ trên báo chí, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - nguyên giảng viên Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách khoa Hà Nội cho biết giá đỗ ngâm hóa chất thường mập, to tròn, bóng bẩy, thân đều đặn, đẹp mắt và ít rễ. Trong khi đó, giá đỗ sạch thường không bóng, thân cứng, gầy hơn và nhiều rễ rất khó đứt gãy. Thông thường, phải mất từ 3-5 ngày để ủ thì hạt mới phát triển thành giá cọng nhỏ, dài khoảng 3-7cm. Với cách này, giá sẽ ra nhiều rễ và khá dài do cần hút nước để phát triển.
Ngược lại, với giá được dùng hóa chất, mặc dù lớn rất nhanh nhưng phần rễ lại không phát triển, rất ít rễ.
Ngoài ra, chị em nội trợ còn có thể phân biệt giá đỗ sạch và ngâm hóa chất với một số mẹo nhỏ sau:
Quan sát bằng mắt thường
Hình dáng: Giá đỗ sạch thường có thân gầy, hơi cong và không đều nhau, trên thân sẽ có nhiều rễ nhỏ màu trắng hoặc hơi vàng bám vào. Trong khi đó, giá đỗ ngâm hóa chất thường mập mạp, to tròn, thân đều đặn, đẹp mắt nhưng lại rất giòn, dễ gãy.

Màu sắc: Giá đỗ sạch có màu trắng ngà tự nhiên hoặc hơi vàng. Giá đỗ ngâm hóa chất thường có màu trắng sứ, đôi khi hơi xanh hoặc có vết lốm đốm bất thường.
Lá mầm: Giá đỗ sạch thường có hai lá mầm to, lá non màu xanh hoặc vàng và thường còn khép lại hoặc chỉ hé mở nhẹ. Ngược lại, giá đỗ ngâm hóa chất thường có lá mầm to, xòe rộng, màu vàng đậm hoặc trắng bất thường.
Rễ: Giá đỗ sạch có nhiều rễ nhỏ, dài do hút nước trong quá trình nảy mầm. Giá đỗ ngâm hóa chất thường ít rễ hơn, rễ ngắn hoặc thậm chí không có rễ.
Cảm nhận bằng xúc giác
Về độ giòn: Giá độ sạch khi cầm lên có độ giòn tự nhiên, dễ gãy khi bẻ và có độ ẩm vừa phải, không quá ướt hay nặng tay. Với giá đỗ có hóa chất cọng giá thường mọng nước, mềm hoặc giòn bất thường.
Các dấu hiệu khác
Ngửi mùi: Giá đỗ sạch có mùi thơm tự nhiên của đậu xanh và không để được lâu. Giá đỗ ngâm hóa chất có thể không có mùi hoặc có mùi lạ, mùi hắc.

Nếm thử: Giá đỗ sạch có vị ngọt thanh mát, giòn và nhiều nước. Giá đỗ có hóa chất có thể bị xốp, khô hơn, không thơm và không ngọt bằng, thậm chí có vị nhạt hoặc hơi đắng.
Giá để lâu không bị hỏng: Giá đỗ tự nhiên rất dễ bị dập nát, hỏng sau một thời gian ngắn. Trong khi giá đỗ có hóa chất có thể tươi lâu hơn bình thường.
Lưu ý, các dấu hiệu trên chỉ mang tính chất tương đối và không thể khẳng định 100% giá đỗ có hóa chất hay không. Để có kết quả chính xác, cần phải kiểm nghiệm tại các cơ quan chức năng. Tuy nhiên, việc quan sát kỹ lưỡng vẫn giúp mọi người đưa ra lựa chọn an toàn hơn cho sức khỏe của mình và gia đình. Ngoài ra, cách tốt nhất là tự làm giá đỗ tại nhà để yên tâm sử dụng.