Bộ Y tế đề xuất xây dựng mã định danh mỹ phẩm để quản lý nguồn gốc xuất xứ
Theo Bộ Y tế, việc giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử cũng như việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.
Sản phẩm mỹ phẩm là một chất hay chế phẩm được sử dụng để tiếp xúc với những bộ phận bên ngoài cơ thể con người (da, hệ thống lông tóc, móng tay, móng chân, môi và cơ quan sinh dục ngoài) hoặc răng và niêm mạc miệng với mục đích chính là để làm sạch, làm thơm, thay đổi diện mạo, hình thức, điều chỉnh mùi cơ thể, bảo vệ cơ thể hoặc giữ cơ thể trong điều kiện tốt.
Do tiếp xúc trực tiếp với cơ thể, sản phẩm mỹ phẩm có thể ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Trước đây, để triển khai quản lý nhóm sản phẩm này, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 48/2007/QĐ-BYT ngày 31/12/2007 về việc ban hành “Quy chế quản lý mỹ phẩm”.
Bộ Y tế đề xuất xây dựng mã định danh mỹ phẩm bằng việc xây dựng lại cấu trúc số tiếp nhận phiếu công bố để xác định xuất xứ mỹ phẩm, phân loại mỹ phẩm.
Bộ Y tế đề xuất quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đưa sản phẩm ra thị trường trong việc nhãn bao bì ngoài phải được in mã vạch (Bar Code), mã QR (Quick Response) hoặc mã Data Matrix Code (DMC) nhằm quản lý, nhận diện, truy xuất nguồn gốc.
Bộ Y tế lý giải, trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, một số hình thức kinh doanh mới trong lĩnh vực mỹ phẩm như bán hàng trực tuyến (online) trên các trang thương mại điện tử (website) và sàn giao dịch thương mại điện tử về mỹ phẩm, phương thức đa cấp… ngày càng phát triển, gây khó khăn cho quản lý.
Đối với nội dung quảng cáo mỹ phẩm, hội thảo, sự kiện mỹ phẩm chưa quy định cụ thể thời gian và địa điểm đối với 01 lần đăng ký quảng cáo mỹ phẩm.
Các quy định về việc thẩm định các quảng cáo sử dụng các từ ngữ “nhất”, “duy nhất”, “tốt nhất”, “số một” hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự không rõ ràng gây khó khăn trong quá trình tham chiếu và áp dụng.
Ngoài ra, yêu cầu về tài liệu chứng minh cho quảng cáo có những công bố này hiện gây khó khăn, tốn kém cho doanh nghiệp. Ví dụ, nội dung quy định thời hạn sử dụng tài liệu chứng minh “giấy chứng nhận kết quả khảo sát thị trường” là trong vòng 01 năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận kết quả khảo sát thị trường là quá ngắn. Việc khảo sát thị trường là rất tốn kém và mất thời gian, do đó thời gian sử dụng tài liệu cần được xem xét kéo dài một cách hợp lý.
Và việc giới thiệu, quảng cáo mỹ phẩm giả, nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng trên mạng xã hội, trang thương mại điện tử cũng như việc kinh doanh không có cửa hàng khiến cơ quan kiểm tra gặp nhiều khó khăn do không xác định được chủ thể, không có hàng hóa để xử lý vi phạm.
Hiện nay, mỹ phẩm không có thông tin số tiếp nhận phiếu công bố, không có thông tin về tên, địa chỉ nhà sản xuất trên nhãn (trên nhãn chỉ có thông tin về nước sản xuất và tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường) gây khó khăn xác định nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm khi cần truy vết, kiểm tra, xác minh.
Hơn nữa, Bộ Y tế cho rằng cần thiết phải xây dựng dữ liệu quốc gia về mỹ phẩm thông qua việc xây dựng hệ thống thông tin tổng thể quản lý và truy xuất nguồn gốc mỹ phẩm.
Việc công bố mỹ phẩm trong nước tại Sở Y tế thì có địa phương giải quyết bản giấy và có địa phương giải quyết hồ sơ trực tuyến, chưa kết nối với các hệ thống trung ương thành hệ thống thống nhất, chưa được pháp lý hóa hệ thống (phần mềm) trực tuyến về công tác quản lý mỹ phẩm.
Từ đó gây nên vướng mắc pháp lý cho các địa phương triển khai hệ thống trực tuyến về công bố mỹ phẩm sản xuất trong nước. Vì vậy, Bộ Y tế đề nghị xây dựng phần mềm quản lý mỹ phẩm mới trực tuyến cấp độ 4 tại Hệ thống một cửa Quốc gia về mỹ phẩm áp dụng cho cả mỹ phẩm nhập khẩu và mỹ phẩm sản xuất trong nước.
Tại Trung ương, từ năm 2011 đến nay, lực lượng quản lý thị trường đã kiểm tra 16.127 vụ, phát hiện xử lý 11.374 vụ vi phạm với tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 65.009.287.033 đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là 161.718.707.519 đồng; thực hiện 15 vụ thanh tra, phát hiện 02 vụ việc vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 50.439.000 đồng, giá trị hàng hóa vi phạm là 34.500.000 đồng.
Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đã cảnh báo, xử lý một số trường hợp vi phạm hành chính liên quan đến quảng cáo mỹ phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ.
Với phương thức quản lý hậu kiểm mỹ phẩm như hiện nay, việc bố trí nhân lực hạn chế kể cả trong cơ quan quản lý, thanh tra, kiểm tra, kiểm nghiệm đến kinh phí cho công tác này đang gây nhiều khó khăn cho công tác mỹ phẩm, chưa thúc đẩy được phát triển mỹ phẩm trong nước, vẫn còn nhiều mỹ phẩm nhập lậu, hàng giả, kém chất lượng, trôi nổi trên thị trường.