Thứ hai, 21/10/2024, 13:55 (GMT+7)

Lý do Công ty MH Authentic, Phú Thương bị “tuýt còi”, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mỹ phẩm

Quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định, Công ty MH Authentic, Công ty Phú Thương cùng bị xử phạt ở mức 45 triệu đồng/doanh nghiệp, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo không đúng.

Loạt cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và an toàn thực phẩm tại Hà Nội bị xử phạt

Sở Y tế Hà Nội vừa công khai danh sách 9 đơn vị cơ sở hành nghề y, dược tư nhân và an toàn thực phẩm vi phạm bị xử phạt (từ ngày 30/9 – 11/10/2024) với tổng số tiền xử phạt hơn 222 triệu đồng, theo Cổng thông tin điện tử Sở Y tế Hà Nội.

Cụ thể, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt Công ty TNHH MH Authentic (địa chỉ tại tầng 6, số 2 ngõ 49 Lê Đức Thọ, phường Mỹ Đình 2, quận Nam Từ Liêm) số tiền 45 triệu đồng do quảng cáo mỹ phẩm mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cùng mắc lỗi tương tự quảng cáo mỹ phẩm không phép, Công ty TNHH CP Phú Thương (địa chỉ tại số 43 phố Thượng Thụy, phường Phú Thượng, quận Tây Hồ) và Công ty TNHH đầu tư thương mại và dịch vụ Quang Nguyễn (có địa chỉ tại thôn Trung Dương, xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm) đều bị xử phạt 45 triệu đồng và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo không đúng.

mypham
Lý do Công ty MH Authentic, Phú Thương bị “tuýt còi”, buộc tháo gỡ, xóa quảng cáo mỹ phẩm. Ảnh minh họa: Internet.

Bên cạnh đó, Công ty CP sản xuất kinh doanh nước sạch số 3 Hà Nội (số 8C Đinh Công Tráng, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm) cũng bị Thanh tra Sở Y tế Hà Nội xử phạt 25 triệu đồng do không công khai kết quả thử nghiệm các thông số chất lượng nước theo quy định đối với mỗi lần thử nghiệm theo quy định của pháp luật.

Tiếp đó, Phòng khám chuyên khoa Nội tổng hợp Galant trực thuộc chi nhánh Công ty TNHH chăm sóc sức khỏe cộng đồng Gcare (tầng 2, số 15 ngõ 143 Trung Kính, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) bị xử phạt 4 triệu đồng và tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề 2 tháng của bác sĩ do không lập hồ sơ, bệnh án theo mẫu quy định của pháp luật.

Nhà thuốc Đặng Thị Lệ Hằng (số 79, tổ 4, phường Phú Đô, quận Nam Từ Liêm) bị xử phạt 7,5 triệu đồng do không nộp hồ sơ đề nghị đánh giá định kỳ việc duy trì đáp ứng thực hành tốt cơ sở bán lẻ thuốc theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, cơ sở khám chữa bệnh của ông Nguyễn Xuân Lượng (số 205 Hoàng Văn Thái, phường Khương Trung, quận Thanh Xuân) bị xử phạt trên 35,3 triệu đồng và bị tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề trong thời gian 23 tháng. Cơ sở này đã vi phạm khám bệnh, chữa bệnh vượt quá phạm vi hoạt động chuyên môn được ghi trong chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh; không chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề.

Trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đã xử phạt 12 triệu đồng đối với Công ty CP xuất nhập khẩu Dược Mặt trời (thôn 1, xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội). Doanh nghiệp này đã thực hiện hành vi vi phạm không bố trí riêng biệt theo quy định của pháp luật về nơi bảo quản nguyên liệu, thành phẩm, sơ chế, chế biến, đóng gói, nhà vệ sinh, rửa tay, thay đồ bảo hộ và các khu vực phụ trợ liên quan.

Ngoài ra, Công ty TNHH nhà hàng và sự kiện Phượng Hoàng (lô CX14, Khu đô thị mới Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) bị xử phạt 4 triệu đồng do không đảm bảo ngăn ngừa nhiễm chéo giữa thực phẩm chưa qua chế biến và thực phẩm đã qua chế biến trong bố trí bếp ăn.

Quảng cáo mỹ phẩm phải đáp ứng điều kiện nào?

Quảng cáo mỹ phẩm được giải thích tại khoản 21 Điều 2 Thông tư số 7/VBHN-BYT năm 2021 của Bộ Y tế, là các hoạt động giới thiệu, quảng bá mỹ phẩm nhằm thúc đẩy quá trình sản xuất, bán, sử dụng mỹ phẩm.

Theo Điều 6 Thông tư số 09/2015/TT-BYT quy định về điều kiện xác nhận nội dung quảng cáo mỹ phẩm có quy định, mỹ phẩm phải đủ điều kiện quảng cáo quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 20 của Luật Quảng cáo. Cụ thể, quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế...

Nội dung quảng cáo phải theo đúng quy định tại Điều 4 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP. Theo đó, nội dung quảng cáo mỹ phẩm phải phù hợp với các tài liệu gồm: Phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về dược; tài liệu chứng minh tính an toàn, hiệu quả của mỹ phẩm và tuân thủ theo hướng dẫn về công bố tính năng sản phẩm mỹ phẩm của hiệp hội quốc tế (nếu có).

Cùng đó, quảng cáo mỹ phẩm phải có các nội dung gồm: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế. Không được quảng cáo mỹ phẩm gây hiểu nhầm sản phẩm đó là thuốc; quảng cáo mỹ phẩm trên báo nói, báo hình phải đọc rõ ràng nội dung quy định: Tên mỹ phẩm; tính năng, công dụng của mỹ phẩm; các cảnh báo theo quy định của các hiệp định quốc tế.

Đồng thời, không được sử dụng hình ảnh, trang phục, tên, thư tín, bài viết của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế khác; tính năng, công dụng của sản phẩm phải phù hợp với bản chất của sản phẩm, phân loại sản phẩm và tính năng, công dụng đã được công bố theo quy định của pháp luật.

Có đủ hồ sơ theo quy định tại Điều 15 Thông tư số 09/2015/TT-BYT. Đơn vị đề nghị xác nhận nội dung quảng cáo là đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam của đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm hoặc đơn vị có tư cách pháp nhân được đơn vị đứng tên trên phiếu công bố sản phẩm ủy quyền bằng văn bản.

Quảng cáo mỹ phẩm không phép bị xử phạt ra sao?

Theo quy định tại khoản 12 Điều 2 Luật Quảng cáo 2012, sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt là sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường, đơn cử như: thuốc, mỹ phẩm, sữa, thực phẩm, phụ gia thực phẩm…

Tiếp đó, tại khoản 1 Điều 12 Nghị định số 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định số 123/2018/NĐ-CP) cũng quy định, những nội dung quảng cáo thuộc danh sách các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt như quảng cáo mỹ phẩm, thực phẩm, hoá chất, trang thiết bị y tế, dịch vụ khám chữa bệnh, sản phẩm sữa và sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ… phải được cấp giấy xác nhận nội dung quảng cáo trước khi thực hiện bất kể phương tiện quảng cáo là gì.

Về hình thức xử phạt, theo Điều 49 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP, vi phạm các quy định về xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt sẽ bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng (với cá nhân) hoặc từ 40 - 50 triệu đồng (với tổ chức) đối với hành vi quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo theo quy định.

Cùng đó, tổ chức, cá nhận vi phạm sẽ bị tước quyền sử dụng giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược, giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm, giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh từ 1 - 3 tháng nếu quảng cáo thuốc, quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm, quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh mà vi phạm 2 lần trở lên trong thời hạn 6 tháng; và buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc buộc thu hồi xuất bản phẩm, tạp chí in quảng cáo.​

Cùng chuyên mục