Bác sĩ giải đáp 5 thắc mắc giúp mẹ bầu 'vượt cạn'
Để chuẩn bị tốt hành trình “vượt cạn” và giai đoạn sau sinh, các mẹ bầu thường có rất nhiều thắc mắc cần giải đáp. Với sự đồng hành của Thạc sĩ – Bác sĩ chuyên khoa sản Phạm Ngọc Bảo Trân, bài viết này sẽ giúp các mẹ bầu tìm hiểu rõ hơn về những điều cần lưu ý, từ chăm sóc sức khỏe trước khi sinh đến các bước phục hồi sau khi đón chào thiên thần nhỏ.
Làm sao để phân biệt cơn co tử cung thật và cơn co tử cung giả?
Trước khi chuyển dạ thực sự, tử cung của bạn thường trải qua những cơn co gọi là Braxton Hicks, hay còn gọi là cơn co tử cung giả. Đây là hiện tượng sinh lý bình thường, nhưng có thể gây ra cảm giác đau, đặc biệt là vào cuối ngày. Các cơn co này thường không xuất hiện thường xuyên và không mạnh mẽ như các cơn co tử cung thật sự.
Để phân biệt giữa cơn co giả và thật, bạn có thể theo dõi khoảng thời gian giữa các cơn co. Trong trường hợp cơn co tử cung thật, khoảng cách giữa các cơn co thường cố định và cơn co càng lúc càng mạnh hơn. Tuy nhiên, khi các cơn co nhẹ, việc xác định khoảng cách này có thể gặp khó khăn.
Mẹ bầu có thể phân biệt cơn co tử cung giả với cơn co tử cung thật bằng các dấu hiệu sau: Cơn co tử cung giả: Thường không đều, không gần nhau, có thể biến mất khi bạn đi lại, nghỉ ngơi hoặc thay đổi tư thế. Cường độ cơn co thường yếu và không mạnh lên, chủ yếu cảm nhận ở phía trước.
Cơn co tử cung thật: Khoảng cách giữa các cơn co cố định, càng về sau càng ngắn lại, thời gian co kéo dài từ 30-70 giây. Các cơn co tiếp tục xảy ra và không thay đổi khi di chuyển, cường độ tăng dần đều đặn và thường bắt đầu ở phía sau, sau đó di chuyển ra phía trước.
Nếu bạn phát hiện dịch âm đạo chảy liên tục, hãy đến gặp bác sĩ ngay để đánh giá tình trạng ối, đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé.
Những ưu điểm của phương pháp đẻ không đau?
Phương pháp đẻ không đau, sử dụng kỹ thuật gây tê ngoài màng cứng, là một lựa chọn được nhiều sản phụ ưa chuộng nhằm giảm thiểu đau đớn trong quá trình sinh nở. Bác sĩ gây mê hồi sức sẽ đặt một ống thông mềm vào khoang ngoài màng cứng, giúp truyền thuốc giảm đau liên tục vào khu vực bao quanh tủy sống. Điều này giúp sản phụ giảm bớt đau đớn khi chuyển dạ mà vẫn giữ được tỉnh táo.
Phương pháp này mang lại nhiều ưu điểm đáng kể. Trước tiên, nó giúp sản phụ giảm cảm giác đau khi có cơn gò, khi sổ thai, và khi cắt hoặc khâu tầng sinh môn. Điều này không chỉ giúp sản phụ không mất quá nhiều sức mà còn hỗ trợ tâm lý và sức khỏe nhanh chóng phục hồi sau sinh, giúp mẹ chăm sóc bé tốt hơn. Đặc biệt, phương pháp này rất hữu ích đối với những sản phụ có các bệnh lý như tim mạch, cao huyết áp, hay hen suyễn, vì nó giúp tránh được những căng thẳng và nguy cơ tiềm ẩn do cơn đau bụng khi sinh.
Ngoài ra, phương pháp gây tê ngoài màng cứng cũng có thể được tiếp tục sử dụng nếu cần sinh mổ hoặc thực hiện các thủ thuật sau sinh, mang lại sự linh hoạt và an toàn cao trong quá trình chăm sóc sản phụ.
Sử dụng phương pháp đẻ không đau có gây hại cho sản phụ và bé hay không?
Phương pháp đẻ không đau được đánh giá là an toàn cho cả mẹ và bé, do thuốc tê được sử dụng với nồng độ rất thấp, không gây ảnh hưởng đến em bé. Tuy nhiên, khoảng 2% sản phụ có thể gặp phải triệu chứng đau đầu sau khi sử dụng phương pháp này, do rò rỉ dịch não tủy vào khoang ngoài màng cứng. Tình trạng đau đầu này thường chỉ kéo dài từ 24 đến 48 giờ sau khi tiêm thuốc tê.
Một số sản phụ lo ngại rằng phương pháp đẻ không đau có thể gây đau lưng sau sinh, nhưng các nghiên cứu lâm sàng không tìm thấy bằng chứng hỗ trợ cho quan điểm này. Thực tế, đau lưng sau sinh có thể xảy ra ở cả những sản phụ sinh thường, do hệ thống dây chằng và thần kinh ở lưng bị ảnh hưởng và chèn ép suốt quá trình mang thai, không phải do phương pháp đẻ không đau gây ra.
Không phải tất cả sản phụ đều có thể sử dụng phương pháp đẻ không đau. Dưới đây là những trường hợp không nên áp dụng phương pháp này: Nhiễm trùng toàn thân, nhiễm trùng nơi đâm kim, rối loạn đông máu. Sản phụ trong tình trạng sốc, tiền sản giật nặng, tăng áp lực nội sọ. Cong vẹo cột sống, thoát vị đĩa đệm. Nhau tiền đạo chảy máu, nhau bong non. Dị ứng với thuốc giảm đau, thuốc tê hay thai suy.
Sản phụ sau khi sinh mổ cần lưu ý những gì?
Việc chăm sóc vết mổ sau sinh là ưu tiên hàng đầu. Nếu băng vết thương vẫn khô, sản phụ không cần phải thay băng mà có thể tháo băng vào ngày thứ ba sau sinh. Sau khi tháo băng, sản phụ có thể tắm và gội đầu bình thường bằng nước ấm, nhưng cần lưu ý giữ cho vết mổ khô và sạch. Sử dụng dung dịch Betadine hoặc Povidine 10% để vệ sinh vết mổ hàng ngày nhằm tránh nhiễm trùng.
Nếu vết mổ có dấu hiệu sưng, đau, hoặc chảy máu bất thường, sản phụ cần báo ngay cho nhân viên y tế để được xử lý kịp thời. Tuyệt đối không nên thoa thuốc kháng sinh trực tiếp lên vết mổ hoặc sử dụng các biện pháp dân gian như đắp lá trầu, tỏi giã lên vết thương. Việc cắt chỉ thường được thực hiện sau 5-10 ngày tùy theo tình trạng vết mổ và hướng dẫn của nhân viên y tế.
Ngoài ra, sản dịch là dịch tiết ra từ tử cung sau sinh, ban đầu có màu đỏ sậm và chảy ít trong vài giờ đầu. Sau đó, sản dịch sẽ giảm dần và chuyển sang màu nâu đỏ vào ngày thứ 3-4 sau sinh. Tiếp theo là giai đoạn sản dịch màu vàng hoặc trắng, có thể kéo dài khoảng 22 ngày, thậm chí lên đến 6 tuần. Trong suốt thời gian này, sản phụ cần theo dõi kỹ. Nếu sản dịch có mùi hôi, không chảy ra sau sinh hoặc chuyển màu đỏ tươi trở lại, sản phụ cần báo ngay cho bác sĩ vì có thể là dấu hiệu của nhiễm trùng hậu sản, sót nhau hoặc băng huyết.
Còn đối với tình trạng sốt trong hậu phẫu khi thân nhiệt vượt quá 38°C, đo hai lần trong khoảng thời gian 24 giờ sau sinh. Nguyên nhân có thể do viêm nội mạc tử cung, nhiễm trùng vết mổ hoặc viêm vú. Đặc biệt, việc uống ít nước sau sinh cũng có thể làm tăng nhiệt độ cơ thể. Nếu gặp tình trạng sốt, sản phụ nên báo ngay cho nhân viên y tế để được thăm khám và xử lý kịp thời.
Chế độ ăn uống sau sinh mổ: Trong vòng 6 giờ đầu sau sinh mổ, sản phụ nên hạn chế ăn uống, chỉ nên uống nước lọc hoặc nước đường vì dạ dày hoạt động yếu do tác động của thuốc gây mê. Sau 12 giờ, sản phụ có thể bắt đầu ăn những món loãng và dần dần chuyển sang ăn các thực phẩm giàu đạm và canxi khi có nhu động ruột. Để có nhiều sữa cho con và tránh táo bón, sản phụ cần uống đủ 2 lít nước mỗi ngày.
Những bà mẹ sau sinh chưa có sữa thì nên làm gì?
Vú bắt đầu sản xuất sữa 32-40 giờ sau sinh, nhờ các hormone như prolactin, insulin và cortisol. Tuy nhiên, nhiều bà mẹ sữa có muộn hơn, tức khoảng 3-5 ngày sau sinh. Một vài lý do làm chậm có sữa: đau khi sinh, stress, mất máu nhiều hơn 500ml, sót nhau, sinh non.
Cho trẻ mới sinh thực hiện da kể da với mẹ, cho bé bú ngay trong những giờ đầu sau sinh sẽ làm tăng tiết sữa. Không cho bé bú có thể làm việc sản xuất sữa ngừng hoạt động.
Lượng sữa non ban đầu tuy ít nhưng thường đủ cho 2-3 ngày nếu bé được giữ gần mẹ trong thời gian đợi lượng sữa trường thành được tạo thành.
Nếu sau hai ngày vẫn chưa có sữa, các bà mẹ có thể cho con bú bằng sữa người hiến tặng hoặc sữa công thức để đảm bảo trẻ được cung cấp đủ dinh dưỡng. Tóm lại, bà mẹ nên giữ trẻ bên mình, cho trẻ bú sớm và thường xuyên, dùng thuốc giảm đau nếu cần, thư giãn tỉnh thần và cung cấp đầy đủ dinh dưỡng thì sẽ thúc đẩy quá trình sản xuất sữa hiệu quả.
Ngoài ra, nhiều mẹ còn thắc mắc lúc chưa có sữa mẹ, bé uống sữa bột có ảnh hưởng gì đến hệ tiêu hóa không? Trong lúc mẹ chưa có sữa, bé có thể uống tạm sữa công thức.
Lưu ý là sữa bột có những protein lạ trong sữa động vật có thể gây tiêu chảy, kém hấp thu. Dù chưa có sữa mẹ, các mẹ cũng cần tích cực cho bé bú để mẹ mau có sữa.