Áo dài - Biểu tượng cho vẻ đẹp phụ nữ Việt
Mặc dù chưa có văn bản chính thức quy định áo dài là quốc phục Việt Nam, nhưng trong tâm thức người Việt và bạn bè quốc tế thì tà áo dài đã được xem như biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt.
Nếu như ở Thái Lan có Chakkri, Hàn Quốc có Hanbok, Nhật Bản có Kimono thì Việt Nam được biết đến với tà áo dài. Từ “Áo dài” được đưa nguyên bản vào từ điển Oxford và được giải thích là một loại trang phục của phụ nữ Việt Nam với thiết kế hai tà áo trước và sau dài chấm mắt cá chân che bên ngoài chiếc quần dài.
Lịch sử về áo dài truyền thống Việt Nam
Để có được một chiếc áo dài mang đậm nét văn hoá đặc trưng, bộ trang phục đã trải qua nhiều biến thể khác nhau.
Theo sử sách ghi chép, áo dài Việt bắt nguồn từ áo giao lĩnh, xuất hiện vào năm 1744 được thiết kế rộng, xẻ hai bên hông và thân dài chấm gót. Thân áo được may bằng 4 tấm vải kết hợp mặc cùng thắt lưng màu và váy đen. Kiểu áo cổ chéo gần giống với áo tứ thân mặc kèm chiếc nón ba tằm và quai thao.
Áo tứ thân
Tiếp đến là áo tứ thân với hai vạt, bốn tà. Phần lưng áo gồm hai mảnh vải ghép lại, thường có màu nâu hoặc nâu non ghép với màu cùng gam; phía trước có hai thân tách rời, được buộc lại với nhau; thả trước bụng để tạo cảm giác thon thả. Phía trên không gài thít mà để lộ yếm màu bên trong; cổ áo viền 1 - 2 cm.
Độ dài áo gần chấm gót và tay áo bó chặt. Không những vậy, áo tứ thân còn mang ý nghĩa đặc biệt khi phía trước có hai tà, phía sau có hai tà (vạt áo) tượng trưng cho tứ thân mẫu phụ. Một vạt cụt nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho hình ảnh cha mẹ ôm ấp đứa con trong lòng. Năm hạt nút nằm cân xứng tại năm vị trí cố định, giữ cho nếp áo được thẳng thớm thể hiện dụng ý về đạo làm người: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín.
Áo ngũ thân
Đến thời vua Gia Long, áo ngũ thân xuất hiện, gắn liền với hình ảnh quý tộc. Áo được may thêm một tà nhỏ để tượng trưng cho địa vị người mặc - giai cấp quan lại, quý tộc thường mặc để phân biệt với tầng lớp lao động nông dân trong xã hội phong kiến. Thiết kế áo gồm 4 vạt may thành hai tà như áo dài, tà trước có thêm một vạt áo như lớp lót kín đáo chính là vạt áo thứ 5. Kiểu dáng may theo phom rộng, có cổ và được ưa chuộng đến đầu thế kỷ XX.
Áo dài Lemur - Lê Phổ
Xuất hiện vào đầu thập niên 30 thế kỷ XX, hoạ sĩ Nguyễn Cát Tường đã thiết kế mẫu áo dựa trên cơ sở tham khảo chiếc váy của người châu Âu. Ông biến tấu chiếc áo tứ thân chỉ còn hai vạt trước và sau, may nối vai và tay phồng. Chiếc áo được đặt tên Lemur, tuy nhiên do bị coi là thứ vay mượn lai căng nên áo dài Lemur chỉ thịnh hành đến năm 1943.
Tại thời điểm đó, hoạ sĩ Lê Phổ đã khắc phục những hạn chế của áo dài Lemur như thu gọn kích thước để ôm khít thân hình người phụ nữ, cầu vai áo được đẩy lên cao hơn, tà áo dài chạm đất.
Áo dài Trần Lệ Xuân - áo dài Raglan
Một cuộc cách tân áo dài tiếp diễn ra vào cuối thập niên 60 tại khu vực phía Nam với sự du nhập văn hoá Mỹ. Áo dài Trần Lệ Xuân lần đầu tiên xuất hiện vào năm 1958 với thiết kế ôm khít, chiết ly ở thân trước và thân sau nhằm giảm tối đa độ rộng của áo đồng thời tôn phần ngực và nở phần hông. Phần cổ áo được thiết kế không có chân, cắt rộng tạo thành các dáng hình tim và thuyền - trong đó dáng hình cổ tim có kích thước nhỏ hơn độ sâu của cổ; hay dáng cổ thuyền có kích thước ngang lớn hơn kích thước độ sâu của cổ.
Kiểu dáng này được nhiều nhà phê bình phương Tây nhận định phù hợp với khí hậu miền Nam, nhưng nhiều người lại cho rằng nó trái với thuần phong mỹ tục.
Cũng trong dòng chảy phát triển này, nhà may Dung Đa Kao, Sài Gòn đã sáng tạo ra kiểu ráp tay mới vào áo dài dưới cái tên “raglan”. Theo đó, tay áo được nối từ cổ, xéo xuống nách; 2 tà nối với nhau bằng đường nút dọc hông. Thiết kế tạo dáng ôm theo đường cong người mặc, giúp tay người phụ nữ có thể cử động thoải mái, linh hoạt và đặc biệt giúp hạn chế đường nhăn bên nách và vai - vốn là điểm yếu cố hữu của áo dài trước đây.
Giai đoạn cuối thập niên 1960, loại áo dài có tên miniraglan cũng xuất hiện và trở thành kiểu dáng thời thượng. Đây là kiểu áo dài thường dành riêng cho nữ sinh, với tà áo được may tới mắt cá chân, nhưng hai ống quần được phủ xòe ôm 2 bàn chân, theo đó làm tăng thêm tính hồn nhiên, ngây thơ cho người sử dụng. Loại áo này còn có tên là áo dài nữ sinh và tiếp tục tồn tại trong rất nhiều năm về sau.
Áo dài truyền thống Việt Nam từ năm 1970 - nay
Áo dài hippy
Bước sang giai đoạn đầu thập niên 1970, với ảnh hưởng của văn hoá phương Tây, quần hippy được đưa vào thiết kế áo dài. Phần eo được nới rộng hơn so với áo dài Trần Lệ Xuân với vạt áo may hẹp và ngắn đến đầu gối, thân áo rộng lượn theo dáng người và không chiết eo, cổ áo thấp, quần được may rất dài với ống rộng đến 60 cm. Thiết kế này thịnh hành đến thập niên 1980.
Áo dài Midi
Được thiết kế dựa trên cảm hứng từ nguyên mẫu áo dài tứ thân, nhưng có sự cách tân ở phần cài cúc áo. Thiết kế là sự phối trộn hài hòa giữa văn hoá Tây phương và Á Đông, thường được mặc chung với quần Tây màu trắng, đen.
Áo dài vẽ
NTK Sĩ Hoàng là người tiên phong trong việc đưa ngôn ngữ hội hoạ vào trang phục áo dài truyền thống, mở đầu cho một trào lưu dài được vẽ bằng tay trên vải với những trang trí hình hoa lá, lập thể, hoa văn cổ, phong cảnh,...
Áo dài thổ cẩm
NTK Đặng Thị Minh Hạnh là người sử dụng thổ cẩm Việt Nam trở nên nổi tiếng thế giới trong các bộ sưu tập thiết kế áo dài.
Ý nghĩa của áo dài truyền thống
Mặc dù chưa có văn bản chính thức quy định áo dài là quốc phục Việt Nam nhưng trong tâm thức người Việt và bạn bè quốc tế thì tà áo dài đã được xem như biểu tượng chứa đựng tinh hoa - văn hoá của dân tộc Việt.
Khác với những trang phục truyền thống của nhiều đất nước trên thế giới, phụ nữ Việt khi mặc áo dài không cần tốn nhiều thời gian, lại đem đến hình ảnh tinh tế, chỉnh chu, gọn gàng, duyên dáng mà thanh lịch.
Qua nhiều nghiên cứu, chiếc áo dài được khẳng định chính là một niềm kiêu hãnh của người Việt Nam, bởi không phải dân tộc nào cũng có trang phục mang vẻ đẹp vừa kín đáo, duyên dáng lại gợi cảm đến vậy.
Bởi vậy, ngoài việc gắn liền với sự phát triển của đời sống xã hội, áo dài còn là “cầu nối” là “sứ giả” trong việc quảng bá du lịch Việt. Khách du lịch khi đến Việt Nam nhất là các nữ du khách thường chọn áo dài như món quà lưu niệm độc đáo, đặc sắc.
Các thiết kế áo dài hiện đại phổ biến
Những yếu tố tạo hình như màu sắc, chất liệu vải, bố cục trang trí, phương thức trang trí được coi là những yếu tố dễ thay đổi, mang lại hiệu quả khác nhau về thẩm mỹ của áo dài.
Do sự phát triển của khoa học công nghệ, chất liệu vải may áo dài ngày càng đa dạng. Tùy vào ý tưởng thiết kế mà mỗi NTK có những cảm xúc với từng chất liệu vải. Các chất liệu vải tạo ra từ tự nhiên (vải gai, thô, đũi và lụa tơ tằm) hay các chất liệu vải từ sợi tổng hợp, nhân tạo (như nhung, ren, lưới, voan, organza, chiffon…) đều lần lượt xuất hiện trong các bộ sưu tập áo dài từ những năm 1930 cho đến nay. Mỗi loại có những chất cảm, thẩm mỹ khác nhau, đem đến cảm hứng sáng tạo cho người thiết kế.
Áo dài cổ tay phồng
Thiết kế áo dài với dáng tay bồng ở cổ tay thể hiện sự sang trọng, quý phái nhưng không kém phần duyên dáng và nữ tính.
Áo dài tay lỡ
Thiết kế không bao giờ lỗi mốt, giúp người phụ nữ khoe được phần tay thon gọn, duyên dáng vừa tôn lên nét yêu kiều, đằm thắm. Thiết kế trẻ trung, mới mẻ với dáng tay lỡ tạo cảm giác duyên dáng, nữ tính nhưng không kém phần thanh lịch cho người mặc.
Áo dài tay ngắn
Đây là sự lựa chọn hoàn hảo dành cho những người phụ nữ yêu thích sự trẻ trung, năng động và tươi tắn. Thiết kế giúp khoe được cánh tay vừa đem lại sự dễ chịu, thoải mái cho người mặc lúc hoạt động.
Một số lưu ý khi mặc áo dài
Phù hợp với phom dáng cơ thể
Đối với dáng người cao, gầy, chúng ta nên lựa chọn thiết kế rộng rãi, thoải mái không nên mặc những kiểu áo chiết, bó. Bờ vai thon cũng chính là ưu điểm bạn nên tận dụng để lựa chọn thiết kế cổ tròn thay vì cổ đứng như truyền thống.
Đối với dáng người đầy đặn, bạn nên tránh những thiết kế có phần cổ cao, nên chọn những chiếc áo có cổ thuyền, tròn nhẹ nhàng. Để tránh lộ khuyết điểm bắp tay, bạn nên chọn những thiết kế có phần tay suông dài hoặc lửng. Điều này sẽ giúp tạo sự cân đối giữa phần bắp tay và phần cẳng tay.
Hoạ tiết cân đối
Hoạ tiết trên áo dài cũng chính là yếu tố quyết định bộ trang phục có phù hợp với bạn hay không. Hoạ tiết to bản sẽ giúp những bạn đậm người trông thon gọn hơn, trong khi hoạ tiết nhí giúp những cô nàng “mình hạc xương mai” ăn gian được chút cân nặng.
Chất liệu
Nếu bạn chưa sở hữu một hình thể lý tưởng, có thể cân nhắc áo dài với chất liệu dày, giúp định hình phom dáng tốt hơn, ăn gian đường cong cơ thể và che đi những khuyết điểm như vòng eo kém thon gọn.
Chọn nội y tinh tế
Sẽ thật đáng tiếc nếu những chiếc áo dài bị hằn lên nội y bên trong, bạn có thể lựa chọn nội y cùng màu áo dài và những đồ lót không đường viền; áo ngực nên có độ nâng vừa phải, ôm khít vòng một.
Phụ kiện phù hợp
Một chút điểm nhấn trên trang phục sẽ giúp bạn càng trở nên tinh tế, duyên dáng. Tuy nhiên hay để “áo dài trở thành nhân vật trung tâm, tránh đeo những phụ kiện rườm rà. Mix & match các phụ kiện, túi xách nhỏ hoặc clutch sẽ là những sự lựa chọn phù hợp với áo dài.
Áo dài thường được mặc trong những dịp nào?
Áo dài được sử dụng trong nhiều sự kiện từ những nghi lễ trang trọng trong gia đình, công sở, xã hội, ngoại giao… cho đến biểu diễn nghệ thuật, ứng dụng hàng ngày nhất là vào dịp lễ hội, Tết cổ truyền; trình diễn trong các kỳ festival, tuần lễ thời trang, thi hoa hậu, người đẹp trong và ngoài nước.