8 phong tục đón năm mới kỳ lạ trên thế giới
Nhiều quốc gia trên thế giới có những nghi thức đón năm mới độc đáo, hàm chứa nhiều ý nghĩa mà không phải ai cũng biết.
Mặc đồ trắng đón năm mới
Theo quan niệm của người Brazil, màu trắng đem lại sự may mắn, yên bình, mở ra cơ hội mới, khởi đầu mới tốt đẹp. Do đó, người dân “xứ sở Samba” thường lựa chọn những trang phục có màu trắng vào những ngày chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Vào ngày cuối cùng trong năm, người Brazil sẽ mặc trang phục màu trắng đến bãi biển Copacabana nổi tiếng tại thành phố Rio de Janeiro để làm lễ dâng hoa tới nữ thần biển cả với mong muốn được chở che trong năm mới. Cũng trong trang phục màu trắng, mọi người sẽ sum họp bên người thân, bạn bè để nâng ly và cầu nguyện những điều tốt lành trong đêm giao thừa.
Hóa thân thành loài gấu
Ở Romania, gấu là động vật biểu tượng sức mạnh và sự may mắn. Ngày đầu năm mới, người dân nơi đây sẽ mặc trang phục lông gấu, mô phỏng các hành động của loài vật này và đi dạo quanh các khu phố, ghé thăm các ngôi nhà để lan truyền sự may mắn, xua đuổi những điều dữ, mang lại sức mạnh cho người thân và bạn bè.
Đặc biệt, ở vùng nông thôn, không khí đêm giao thừa trở nên rộn ràng hơn nhờ những điệu múa mặt nạ và nghi lễ tái sinh, xua đuổi tà ma trong tiếng trống quân dồn dập.
Mời trai đẹp xông nhà
Trong văn hóa Scotland, xông nhà được gọi là “quaaltagh” hoặc “qualtagh”. Truyền thống này bắt nguồn từ tộc người Viking xưa. Người được lựa chọn để xông nhà bắt buộc là những người đàn ông khôi ngô, lực lưỡng, tóc đen với ý nghĩa mang lại sức khỏe và trường thọ cho gia chủ.
Khi đến xông đất, người này phải đem theo những món quà như tiền xu, than đá, bánh mì, muối và chai rượu whisky để mang lại mang lại may mắn cho gia đình.
Đốt hình nộm
Người Ecuador gọi những hình nộm được tạo ra từ miếng vải cũ, giấy báo hoặc mùn cưa là “ano viejo”, với ý nghĩa là năm cũ. Trong thời khắc chuyển giao từ năm cũ sang năm mới, người Ecuador sẽ mang những hình nộm này ra đốt với quan niệm đốt đi những điều không may mắn, cắt bỏ những chuyện xấu xa trong năm cũ để chào đón năm mới. Truyền thống này của người Ecuador bắt nguồn từ thành phố Guayaquil vào năm 1895.
Treo hành tây và lựu trước cửa
Hành tây trong quan niệm của người Hy Lạp biểu tượng cho sự tái sinh. Người dân Hy Lạp thường treo loại củ có mùi hắc trên cửa để thúc đẩy sự phát triển trong suốt năm mới.
Ngoài ra, người Hy Lạp cũng treo quả lựu trước cửa nhà để đón năm mới vì cho rằng quả lựu tượng trưng cho sự sinh sôi, may mắn và thịnh vượng. Ngay khi đất trời chuyển giao sang năm mới, người Hy Lạp sẽ hái một quả lựu trước cửa nhà, mang ra đập. Số lượng hạt lựu rơi càng nhiều, gia đình sẽ càng gặp nhiều may mắn trong năm mới.
Nung chảy chì
Để tiên đoán những điều xảy ra trong năm mới, vào thời khắc giao thừa, người Đức thường sử dụng ngọn lửa từ ngọn nến để nung chảy một mẩu nhỏ chì hoặc thiếc, sau đó đổ vào thùng nước lạnh. Lần lượt các thành viên trong gia đình sẽ thực hiện nghi lễ này. Hình dạng, màu sắc mà viên chì hoặc thiếc tạo thành được cho là tiết lộ số phận của mỗi người trong năm mới.
Đập vỡ bát đĩa trong đêm giao thừa
Khác với quan niệm của người Á Đông, người Đan Mạch cho rằng việc đập vỡ bát đĩa trong đêm giao thừa sẽ đem lại nhiều may mắn cho gia chủ.
Trong đêm giao thừa, người dân Đan Mạch sẽ lấy bát đĩa xấu, sứt mẻ trong nhà và chạy đến nhà hàng xóm, bạn bè để đập vỡ. Nhà nào nhận được càng nhiều mảnh vỡ thì càng may mắn, giàu có và cũng chứng tỏ được nhiều người yêu mến. Tuy để lại một đống đổ nát sau nghi thức độc đáo này nhưng người Đan Mạch hoàn toàn không bận tâm về điều đó.
Cơi than đốt lò khi chúc Tết
Giống như tục chúc Tết của người Việt, đêm Giao thừa, người Anh thường mang theo bánh ngọt và rượu vang đi thăm hỏi người thân, bạn bè. Tuy nhiên, họ sẽ không gõ cửa mà đi thẳng vào bên trong lò sưởi, cơi than đốt lò trước khi mở đầu câu chuyện. Đây là việc làm thể hiện sự chúc phúc đối với chủ nhà với ý nghĩa “khai môn đại cát”.