Thứ sáu, 27/01/2023, 14:30 (GMT+7)

Phong tục đi lễ chùa đầu năm: Nét đẹp văn hóa đặc sắc của người Việt

Phong tục đi lễ chùa đầu năm là một hoạt động văn hóa đặc sắc không thể thiếu vào mỗi dịp Tết đến xuân về của mỗi người Việt Nam. Mỗi người đi lễ chùa đều mong muốn cầu may mắn, bình an và những điều tốt đẹp nhất cho gia đình của mình.

Cầu mong những điều tốt đẹp nhất

1
Đi lễ chùa đầu năm để cầu mong may mắn, bình an

Đi lễ chùa đầu năm đã trở thành một nét tín ngưỡng đẹp đối với mỗi người dân Việt Nam từ ngàn đời xưa, nhất là mỗi dịp đầu năm mới. Ngay sau thời khắc đón chào giao thừa, nhà nhà đều đổ dồn đến các ngôi chùa để thắp hương chúc mừng năm mới và cầu mong những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với gia đình mình.

Giữa không gian thanh tịnh chốn đền chùa, thoang thoảng mùi khói nhang và những ánh đèn, nến rực rỡ, mỗi người dường như lắng lại và bỏ lại phía sau những lo toan, vất vả của cuộc sống hàng ngày. Không chỉ đến chùa cầu may, nhiều người còn muốn đến lễ chùa để tìm lại những phút giây bình yên cho tâm hồn để sẵn sàng bước tiếp đến một năm mới với ngập tràn hi vọng.

3
Rất nhiều người đến các đền chùa đầu năm để cầu mong bình an

Trong tâm thức của những người con đất Việt, đi lễ chùa luôn là hoạt động không thể thiếu trong mỗi ngày Tết. Mỗi người sẽ có những ước nguyện riêng, người thì cầu mong sức khỏe, tiền tài,… người lại cầu mong tình duyên, may mắn trong công việc và cuộc sống. Hòa vào dòng người đi lễ chùa và tiếng ngân vang của mỗi nhịp chuông chùa, mỗi người trong chúng ta sẽ đều cảm nhận được sự linh thiêng của bậc bề trên và gửi vào đó sự thành tâm sâu sắc nhất.

Đến lễ chùa đầu năm, nhiều người còn mong muốn xin chữ hoặc những câu đối để treo trong nhà để cầu mong may mắn, bình an. Đặc biệt đối với những gia đình có con cái chuẩn bị bước vào giai đoạn thi cử, cha mẹ thường xin những chữ như Trí, Tài, Thành, Cát, Đỗ, Đăng Khoa, Trạng Nguyên,… để cầu học giỏi và đỗ đạt cao.

“Du xuân ngày Tết nhất định không thể thiếu lễ chùa”

2
Du xuân ngày Tết không thể thiếu đi lễ chùa

Từ ngay sáng mùng 1, gia đình chị Thu Trang (thành phố Hạ Long, Quảng Ninh) đã cùng nhau đến ngôi chùa Long Tiên để cầu mong bình an cho năm mới, việc này được gia đình chị duy trì trong suốt nhiều năm nay. “Gia đình tôi đi chùa từ ngay mùng 1 để cầu mong bình an, may mắn đến với gia đình. Sau khi đi chùa về thì tôi mới đi chúc Tết họ hàng, người thân”, chị Trang cho biết.

Theo khảo sát của Phóng viên Tạp chí Tiếp thị và Gia đình, lượng người đến các khu vực đền chùa vào những ngày đầu năm đều tăng vọt, thậm chí nhiều ngôi chùa rơi vào tình trạng quá tải. Phong tục đi lễ chùa đầu năm là một nét văn hóa đặc sắc, không chỉ có ông bà, cha mẹ mà cả trẻ nhỏ cũng được đưa đến lễ chùa trong mỗi dịp năm mới.

2
Phong tục đi lễ chùa đầu năm là nét văn hóa đặc sắc của người dân Việt Nam

Bà Vũ Thị Nga (quận Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ:”Du xuân ngày Tết thì nhất định không thể thiếu việc đi lễ chùa, gia đình vừa có thể đi tham quan cảnh đẹp mà lại có thể cầu an cho năm mới gặp nhiều may mắn. Đến chùa vào ngày đầu năm giúp cho tâm trạng của mình trở nên bình an và tĩnh lặng hơn”. Khi du xuân đến những địa phương khác, bà Nga cũng gia đình cũng tìm hiểu xem ở đó có những ngôi chùa nào không để vào dâng hương rồi mới tiếp tục tham quan các địa danh khác.

Cuộc sống càng phát triển và hiện đại, con người lại càng trân quý hơn những giá trị truyền thống, những bản sắc riêng của dân tộc. Phong tục đi lễ chùa đầu năm vẫn sẽ luôn là nét văn hóa đặc sắc, là niềm tự hào của mỗi người con đất Việt xuyên suốt ngàn năm lịch sử cho đến hiện tại và tận mai sau.

Cùng chuyên mục