7 nguyên tắc phản hồi bình luận tiêu cực giúp ‘xoa dịu’ khách hàng, củng cố danh tiếng cho thương hiệu
Việc phản hồi bình luận tiêu cực nhanh chóng và phù hợp có thể giúp doanh nghiệp “xoa dịu” sự bực tức của khách hàng hoặc đính chính thông tin sai sự thật nhằm giữ vững danh tiếng thương hiệu.
Cách xác định nhanh những bình luận tiêu cực quan trọng
Trước khi đưa ra phản hồi, doanh nghiệp cần phát hiện sự tồn tại của những bình luận tiêu cực càng sớm càng tốt. Về mặt lý thuyết, có 2 phương pháp chính để bạn có thể áp dụng:
- Thứ nhất, kiểm tra các kênh thông tin như nền tảng đánh giá, mạng xã hội và các trang tin tức theo từng kênh riêng lẻ.
- Thứ hai, sử dụng chức năng giám sát phương tiện truyền thông.
7 nguyên tắc phản hồi bình luận tiêu cực cho thương hiệu
Ưu tiên những bình luận tiêu cực quan trọng nhất
Bước đầu tiên là xác định những bình luận tiêu cực có tầm ảnh hưởng lớn nhất.
Không phải mọi bình luận bất lợi đều có cùng mức độ nghiêm trọng. Một số có thể tác động mạnh mẽ đến hình ảnh thương hiệu, đặc biệt khi chúng đến từ những cá nhân có tầm ảnh hưởng hoặc hồ sơ công khai với lượng người theo dõi đông đảo. Ý kiến từ những người này có thể định hình cách nhìn của công chúng, do đó cần được xử lý nhanh chóng và thấu đáo.
Phản hồi bình luận kịp thời
Trong thời đại hiện nay, tốc độ phản hồi là yếu tố quan trọng trong việc duy trì danh tiếng thương hiệu. Theo thống kê của Statista, khoảng 34% người tiêu dùng mong muốn nhận được phản hồi từ công ty trong vòng 24 giờ sau khi chia sẻ trải nghiệm tiêu cực. Khoảng 30% khác cho rằng phản hồi trong vòng 48 giờ cũng là chấp nhận được.
Từ đó có thể rút ra kết luận rằng, việc phản hồi nhanh chóng các khiếu nại của khách hàng là điều cần thiết. Một phản hồi kịp thời không chỉ thể hiện sự quan tâm đối với khách hàng, mà còn có thể ngăn chặn sự gia tăng của những cảm xúc tiêu cực. Hơn nữa, việc xử lý hiệu quả các phản hồi tiêu cực sẽ giúp duy trì và bảo vệ hình ảnh thương hiệu.
Xác định chủ đề thu hút bình luận tiêu cực
Thương hiệu luôn được đề cập trong nhiều cuộc thảo luận ở các bối cảnh khác nhau. Một số chủ đề nhận được phản hồi tích cực, trong khi các chủ đề khác lại thu hút nhiều bình luận tiêu cực. Việc hiểu rõ các bối cảnh này giúp doanh nghiệp nắm bắt xu hướng cảm xúc của khách hàng và xác định chính xác những lĩnh vực cần cải thiện.
Thể hiện sự trân trọng
Phản hồi tiêu cực nên được xem như một món quà giá trị. Những bình luận thẳng thắn, dù khó tiếp nhận nhưng có thể cung cấp những góc nhìn sâu sắc về thương hiệu, sản phẩm/dịch vụ mà đôi khi doanh nghiệp chưa nhận ra. Những góp ý này chỉ ra các lĩnh vực cần cải thiện và mang lại cơ hội phát triển.
Khi phản hồi lại các bình luận tiêu cực, điều quan trọng là thể hiện sự trân trọng đối với thời gian và sự trung thực của khách hàng. Hãy công nhận vấn đề mà họ gặp phải một cách chuyên nghiệp và cá nhân hóa phản hồi của mình bằng cách đề cập trực tiếp đến mối quan tâm cụ thể của họ. Cách tiếp cận này thể hiện sự chân thành, lắng nghe và tôn trọng cảm xúc của khách hàng.
Tuy nhiên, phương pháp này không nên áp dụng đối với những người chỉ nhằm khiêu khích hay xúc phạm. Trong những trường hợp đó, việc bỏ qua hoặc xóa những bình luận tiêu cực không liên quan là biện pháp hợp lý hơn.
Xác định kênh thu hút bình luận tiêu cực
Như đã đề cập, các cuộc thảo luận về thương hiệu xuất hiện trên nhiều nền tảng khác nhau. Một số kênh có khả năng thu hút bình luận tiêu cực cao hơn, tùy thuộc vào sự hiện diện của thương hiệu trên nền tảng đó, đặc điểm nhân khẩu học của đối tượng hoặc tính chất của kênh.
Để phân bổ nguồn lực hiệu quả, việc xác định những kênh này giúp doanh nghiệp ưu tiên giám sát và củng cố danh tiếng trên các nền tảng quan trọng nhất. Điều này có thể bao gồm việc thuê chuyên gia truyền thông xã hội hoặc chuyên viên quan hệ công chúng để đảm bảo quản lý hình ảnh thương hiệu một cách chuyên nghiệp và hiệu quả.
Giảm thiểu sự bất mãn
Phản hồi bình luận tiêu cực không chỉ dừng lại ở việc thừa nhận vấn đề, mà còn phải hướng đến việc giải quyết triệt để và xây dựng lại lòng tin của khách hàng. Mục tiêu cuối cùng là biến một khách hàng không hài lòng thành người trung thành với thương hiệu.
Hãy đề xuất các giải pháp thực tế như: cung cấp sản phẩm thay thế, hoàn lại tiền, hỗ trợ bổ sung... và đảm bảo rằng giải pháp rõ ràng, cụ thể, có thể thực hiện được.
Việc phản hồi có thể thực hiện công khai hoặc qua tin nhắn riêng, tùy thuộc vào tình huống cụ thể.
Theo dõi cảm xúc của các bình luận
Bằng cách nắm bắt ngữ điệu, cảm xúc đi kèm của các bình luận, doanh nghiệp có thể nhanh chóng nhận ra các dấu hiệu của khủng hoảng và xử lý kịp thời.
Ngoài ra, việc theo dõi cảm xúc còn giúp xác định liệu các hành động của doanh nghiệp có tác động tích cực đến khách hàng hay không, từ đó điều chỉnh chiến lược khi cần thiết.
- Cách xây dựng chiến lược phát triển thương hiệu ‘bách phát bách trúng’
- Cách nghiên cứu tiếp thị chỉ trong 30 phút, thương hiệu nào cũng nên áp dụng
- 20 mẹo giúp bạn đẩy lượt xem trên YouTube Shorts lên con số ‘khủng’