3 tính cách của trẻ cần được uốn nắn từ sớm
Giáo dục gia đình đúng cách sẽ giúp trẻ phát triển tốt trong tương lai.
Nếu trước kia, cha mẹ chỉ chăm chăm bồi dưỡng chỉ số IQ cho con thì giờ đây, nhiều người đã đặt mối quan tâm nhiều hơn cho chỉ số EQ. EQ (emotional quotient), hay chỉ số trí tuệ xúc cảm mô tả khả năng, năng lực, kỹ năng hay khả năng tự nhận thức để xác định, đánh giá và điều tiết cảm xúc của chính mỗi người, của người khác, của các nhóm cảm xúc.
Các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra EQ có vai trò rất lớn đối với mỗi thành công của mỗi người. Theo đó, một số nghiên cứu tại Đại học Harvard nhận định: 80% thành công của một người là trí tuệ cảm xúc (EQ) và 20% còn lại là IQ. Ông Howard Gardner, một chuyên gia đến từ Đại học Hardvard cho hay: "Chỉ số EQ phản ảnh khả năng thấu hiểu người khác, từ đó thúc đẩy mối quan hệ giữa người với người". Để thành công, chúng ta cần đến sự hợp tác của mọi người trong xã hội, nếu EQ không cao thì không thể khéo léo giao tiếp, tạo các mối quan hệ được.
Chính vì vậy ngay từ khi con còn nhỏ, cha mẹ cần để ý kỹ đến vấn đề nuôi dưỡng EQ cho con. Nếu con có những biểu hiện, hành động nào thể hiện trí tuệ xúc cảm thấp thì cha mẹ cần sớm uốn nắn, giúp con khắc phục. Theo đó, nếu trẻ có tính xấu sau thì cha mẹ cần uốn nắn gấp:
1. Những đứa trẻ chỉ ngang ngược với người nhà
Cha mẹ nào cũng yêu thương con và vì quá yêu thương nên nhiều khi chúng ta chiều chuộng, nhường nhịn con quá mức. Điều này dẫn đến việc con trở nên xấu tính, ngang ngược, luôn nghĩ mình là lớn nhất, to nhất. Hễ có gì không vừa ý, trẻ sẵn sàng to tiếng, quát mắng lại cha mẹ, thậm chí một số đứa trẻ còn dám vung tay đánh lại cha mẹ.
Tuy nhiên, những đứa trẻ này lại chỉ dám đành hanh, ngang ngược với người nhà. Khi đi ra ngoài, chúng lại rụt rè, nhút nhát, không dám bày tỏ ý kiến với người ngoài, thậm chí còn có thể bị bắt nạt.
Với trường hợp này cha mẹ cần điều chỉnh lại sự yêu thương của mình, đừng nuông chiều con vô lối mà cần kết hợp kỷ luật đúng cách. Có vậy thì con mới trở thành một người có phép tắc, có trách nhiệm.
2. Những đứa trẻ ích kỷ
Thực chất, mỗi người đều có một chút ích kỷ riêng, có khao khát, mong muốn những thứ tốt đẹp cho bản thân mình. Tuy nhiên nếu ích kỷ quá mức thì là biểu hiện của trí tuệ cảm xúc thấp và sẽ khó tạo ra được những mối quan hệ xã hội tốt đẹp, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống cá nhân và công việc.
Nhiều đứa trẻ khi chơi đồ chơi chung với bạn bè thường dành hết những thứ đẹp đẽ về mình và không cho ai khác động vào. Chỉ những thứ xấu, thứ không thích thì trẻ mới bỏ ra cho mọi người chơi cùng. Khi con có tính cách như vậy, cha mẹ cần nhắc nhở, dạy cho con bài học về sự sẻ chia và niềm vui khi sẻ chia với người khác.
3. Trẻ khó chấp nhận ý kiến của người khác
Một số trẻ từ nhỏ đã sống trong sự khẳng định của người thân. Bất luận trẻ làm việc tốt hay xấu thì ông bà, cha mẹ đều không nghiêm khắc phê bình, không yêu cầu thay đổi, thậm chí còn bao biện cho cái sai của trẻ. Cứ như vậy, sau khi bước vào xã hội, trẻ sẽ rất bướng bỉnh, luôn cho mình là nhất và không bình tĩnh tiếp nhận ý kiến của người khác.
Trong cuộc sống hàng ngày, cha mẹ cần giúp trẻ phân biệt đúng sai, đồng thời dạy trẻ lắng nghe, tiếp thu ý kiến của người khác. Để trẻ biết lắng nghe thì chính cha mẹ cần phải làm gương trước bằng cách cũng lắng nghe ý kiến của trẻ.