Trẻ chậm nói: Kích ngôn ngữ khi dạy bật âm như thế nào?
Dạy bật âm là vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm khi trẻ chậm nói. Để đạt được hiệu quả can thiệp tốt, cần phải có phương pháp rõ ràng, phù hợp.
Trẻ chậm nói có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm: bệnh lý (khuyết tật giác quan hoặc não bị ảnh hưởng); tâm lý (do ít được giao tiếp, tương tác hoặc gặp phải biến cố ảnh hưởng đến tâm lý); tự kỉ (rối loạn cơ quan não bộ). Ngoại trừ trường hợp bệnh lý bẩm sinh thì chậm nói có thể được khắc phục nếu có phương pháp can thiệp đúng cho trẻ.
Khi dạy bật âm cho trẻ chậm nói, cần lưu ý những điều sau:
- Ngồi ngang tầm mắt của trẻ
Phụ huynh hoặc giáo viên có thể ngồi bàn hay trên tùy theo trường hợp, tuy nhiên luôn cần giữ tư thế ngang với tầm nhìn của trẻ.
- Giao tiếp cùng mức độ ngôn ngữ của trẻ
Khi trẻ có những hạn chế trong ngôn ngữ, chỉ nên sử dụng các từ, cụm từ đơn giản như từ đơn, ghép hay các cụm từ đơn, câu đơn giản từ 3 - 4 từ để giao tiếp cùng trẻ.
- Cố gắng làm nổi bật từ then chốt
Dạy bật âm cho trẻ cần biết lựa chọn những từ ngữ then chốt để làm nổi bật nó. Khi tập nói cho trẻ, hãy dừng lại, nhấn mạnh và nói rõ từ ngữ mà bạn muốn trẻ học.
- Lặp lại tình huống chơi và từ muốn cung cấp
Nói lặp lại những từ muốn dạy nhiều lần trong cùng một hay nhiều tình huống chơi khác nhau. Ví dụ, từ "thả" có thể áp dụng vào các trò chơi chứa từ là "thả hình", "thả bóng", "thả bi",..
- Làm mẫu và chờ đợi phản hồi của trẻ
Khi hướng dẫn, nên làm mẫu cho trẻ các từ, âm khoảng 1 - 2 lượt rồi dừng ít nhất từ 3 - 5 giây để chờ đợi sự phản hồi của trẻ.
- Kỹ thuật điền vào chỗ trống
Nói ra câu và để trống từ muốn trẻ nói rồi dành thời gian chờ đợi để trẻ đáp ứng. Khi nói cần chậm rãi, ngắt và dừng ở trước từ muốn trẻ nói một khoảng thời gian để kích thích trẻ. Ví dụ với câu "cho vào rổ", bạn sẽ nói "cho vào..." để trẻ tiếp tục đền từ trống là "rổ" vào.
- Bình luận về những thứ đang diễn ra
Khi đang học, chơi cùng nhau, nên miêu tả, bình luận về điều mà trẻ và bạn đang làm. Ví dụ: khi chơi trò câu cá, hãy bình luận các từ như cá bơi, cá ăn,..
- Lựa chọn thứ tự ưu tiên trong các cụm từ cần dạy
Khi hướng dẫn trẻ chậm nói, người dạy có thể cân nhắc đến các món ăn, đồ chơi, hoạt động mà trẻ thích hoặc tình huống thường xuyên sử dụng trong cuộc sống hằng ngày để chọn ra từ ngữ cần ưu tiên.
- Ưu tiên các bài hát, bài thơ
Phụ huynh và giáo viên có thể sử dụng những bài hát, bài thơ để dạy con bật âm. Đây là một trong những yếu tố dễ gây hứng thú, kích thích trẻ nói, hát theo.
- Có các hành động lắng nghe, khuyến khích trẻ
Việc lắng nghe chăm chú, phản hồi bằng lời nói, cử chỉ hay biểu cảm sẽ giúp trẻ hiểu được rằng mình đang được chú ý, quan tâm. Hãy dành các lời khen ngợi, động viên và hỗ trợ khi trẻ bắt đầu có những lời nói chưa trọn vẹn.
Ngoài các yếu tố trên, khi dạy bật âm cho trẻ chậm nói, phụ huynh và giáo viên có thể sử dụng thêm các dụng cụ, món đồ chơi hỗ trợ. Ví dụ như vở ô ly, bút màu, thẻ in hình động - thực vật,.. Những món đồ chơi có âm thanh, tiếng nói, hoạt động đi lại cũng dễ gây hứng thú cho trẻ hơn khi học.