26 tuổi đã mắc ung thư bàng quang, nam thanh niên hối hận vì duy trì thói quen này suốt 10 năm
Mặc dù chỉ mới 26 tuổi nhưng chàng trai này đã hút thuốc được 10 năm. Đây cũng là lý do khiến nam thanh niên mắc ung thư bàng quang dù còn rất trẻ.
Nam thanh niên mắc ung thư bàng quang vì thói quen hút thuốc lá suốt 10 năm
Theo Gia đình & Xã hội, BS Đỗ Bằng (Trưởng Khoa Tiết niệu tại Bệnh viện Ung thư tại Trung Quốc) chia sẻ rằng trong nhiều năm khám chữa bệnh, ông đã gặp rất nhiều trường hợp bệnh nhân ở độ tuổi thanh thiếu niên bị ung thư đường tiết niệu. Hầu như tất cả những bệnh nhân bị ung thư ở bộ phận này đều có thói quen hút thuốc. Trong đó đáng nhớ nhất là 1 chàng trai chỉ mới 26 tuổi đã bị ung thư bàng quang nhưng đã hút thuốc được 10 năm.
Nhiều người nghi ngờ điều này bởi trước nay chỉ nghe hút thuốc lá nhiều, kéo dài gây ung thư phổi. Vậy nên, chia sẻ này khiến họ bất ngờ nhưng bác sĩ khẳng định, ung thư bàng quang và hút thuốc lá thực sự có mối quan hệ khăng khít với nhau. Một nghiên cứu cho thấy, nguy cơ bị ung thư bàng quang ở người hút thuốc lá cao gấp 4 lần người không hút.
BS Đỗ Bằng chia sẻ với Sohu Health, có 2 nguyên nhân rõ ràng gây ra ung thư bàng quang và nguyên nhân có mối tương quan mạnh nhất là hút thuốc.
Sau khi các vòng benzen trong thuốc lá được chuyển hóa vào bàng quang qua thận, chúng có thể gây kích ứng mãn tính lâu dài ở biểu mô bàng quang, dẫn đến ung thư. Sự kích thích này cũng có thể dẫn đến ung thư bàng quang khởi phát sớm và ngày càng có nhiều bệnh nhân trẻ tuổi.
Ngoài ra, những người làm nghề nghiệp liên quan đến hoá chất, thuộc da, sơn, nhuộm có nguy cơ cao mắc bệnh do tác nhân gây ung thư là hóa chất amin thơm có trong đó.
Vì vậy, nhân viên làm việc trong các ngành nghề này nên thực hiện bảo hộ lao động để tránh hoặc giảm tiếp xúc với các chất gây ung thư có hại.
Dấu hiệu bất thường báo hiệu nguy cơ ung thư bàng quang
Theo Gia đình Việt Nam, ung thư bàng quang là khối u ác tính xuất hiện trên bàng quang, đây là bệnh lý ác tính phổ biến nhất trong ung thư hệ thống tiết niệu, xếp vị trí thứ 9 trong các loại ung thư trên thế giới.
Các nghiên cứu liên quan đã chỉ ra rằng, ung thư bàng quang có thể xuất hiện ở mọi lứa tuổi, thậm chí cả ở trẻ em. Tuy nhiên, thường gặp nhất ở người trung niên và cao tuổi, tỷ lệ mắc bệnh sẽ tiếp tục gia tăng theo độ tuổi. Nhóm người mắc bệnh cao nhất là từ khoảng 50 – 70 tuổi và tỷ lệ mắc bệnh của nam giới cao hơn hẳn phụ nữ.
Vì chức năng chính của bàng quang là lưu trữ và thải nước tiểu nên nếu bàng quang gặp vấn đề và bệnh tiến triển đến một giai đoạn nhất định, các triệu chứng sẽ được thể hiện thông qua việc tiểu tiện và sự thay đổi của nước tiểu.
Triệu chứng đái máu toàn bãi (từ đầu đến cuối bãi đi tiểu), có thể kèm theo máu cục, nhưng lại không đau buốt có thể là biểu hiện duy nhất của bệnh ung thư bàng quang ở giai đoạn sớm. Đôi khi bệnh nhân lại phát hiện tình cờ khối u trong bàng quang khi đi khám sức khoẻ.
Khi khối u phát triển đến giai đoạn muộn, người bệnh có thể bị đái máu thường xuyên, đái khó do khối u to chèn ép, người gầy sút cân, nổi hạch bẹn 2 bên…
Tóm lại, triệu chứng điển hình nhất của ung thư bàng quang là sự thay đổi của nước tiểu, đặc biệt là tiểu ra máu không đau, tiểu máu tái phát và kéo dài nhiều ngày mà không thuyên giảm. Vì vậy, khi phát hiện những triệu chứng này, người bệnh cần cảnh giác và chủ động đi thăm khám để sớm có phương án điều trị.
Ung thư bàng quang có chữa dứt điểm được không?
Bệnh ung thư bàng quang khó khỏi ngay trong 1 lần điều trị mà thường hay tái phát. Vì vậy, sau khi thành công điều trị lần đầu tiên, người bệnh phải được theo dõi trong nhiều năm sau đó. Bạn sẽ được chỉ định làm một số xét nghiệm mỗi lần tái khám. Tốt hơn hết, bạn nên hỏi bác sĩ để biết rõ kế hoạch điều trị tiếp theo cho mình.
Nhưng nhìn chung, bạn sẽ được bác sĩ chỉ định soi bàng quang, để kiểm tra bên trong niệu đạo và bàng quang từ 3 đến 6 tháng đối với những năm đầu tiên và 6 tháng hoặc 1 năm cho thời gian tiếp theo.
Những người bị bệnh ung thư bàng quang với nguy cơ tái phát cao có thể trải qua xét nghiệm thường xuyên hơn.
Ung thư bàng quang phòng tránh như thế nào?
Hút thuốc lá là nguyên nhân chính gây ra nhiều bệnh ung thư – ung thư bàng quang cũng là một trong số đó. Để phòng ngừa căn bệnh này, mọi người chú ý nói không với thuốc lá, hạn chế tiếp xúc khói thuốc lá.
Cẩn trọng khi môi trường làm việc tiếp xúc với nhiều hóa chất độc hại. Nên uống đủ 2 lít nước mỗi ngày giúp cơ thể bài tiết, thải độc tốt. Việc uống đủ lượng nước mỗi ngày (khoảng hai lít) có thể làm giảm 25% nguy cơ ung thư bàng quang, bởi nước có thể loại bỏ bất kỳ các - tác nhân gây bệnh ung thư ra khỏi bàng quang trước khi chúng lan và phát triển trong cơ thể.
Bên cạnh đó, ăn các loại rau củ chứa nhiều chất xơ như bắp cải, súp lơ xanh để có thể giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư bàng quang.
Đặc biệt, cần giữ thói quen sức khỏe định kỳ 6 tháng/lần để bảo vệ sức khỏe. Nếu thấy cơ thể có các triệu chứng bất thường như tiểu ra máu, tiểu nhiều lần, tiểu không kiểm soát, mệt mỏi, chán ăn, đau tức bụng..... thì tuyệt đối không được chủ quan và phải đến thăm khám bác sĩ. Các bác sĩ có thể thông qua các xét nghiệm, chẩn đoán để phát hiện ung thư bàng quang sớm và điều trị kịp thời.