Xử phạt hàng loạt chủ cửa hàng dùng facebook để bán hàng nhập lậu
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Tiền Giang vừa xử phạt các cơ sở sử dụng tài khoản mạng xã hội facebook bán kính mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm nhập lậu.
Theo Cổng thông tin điện tử Cục Quản lý thị trường (QLTT) Tiền Giang, trong tháng 10/2024, Đội QLTT số 6 đã phân công thẩm tra, xác minh đối với 8 cá nhân sử dụng tài khoản facebook trưng bày, giới thiệu sản phẩm kính mắt có dấu hiệu không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm nhập lậu.
Căn cứ kết quả thẩm tra, xác minh, Đoàn kiểm tra liên ngành do Đội QLTT số 6 chủ trì kiểm tra đột xuất tại 8 điểm kinh doanh kính mắt, mỹ phẩm trên địa bàn các huyện Tân Phước, Châu Thành, thành phố Gò Công, thành phố Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang.
Đoàn kiểm tra ghi nhận tại 7 cơ sở đang kinh doanh hơn 230 đơn vị sản phẩm kính mắt không có căn cứ xác định nguồn gốc nơi sản xuất, xuất xứ và 1 cơ sở kinh doanh 50 đơn vị sản phẩm mỹ phẩm là hàng hóa nhập khẩu. Tại thời điểm kiểm tra, chủ cơ sở chưa xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hợp pháp của hàng hóa.
Quá trình giải quyết vụ việc, chủ các cơ sở kinh doanh không cung cấp được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa.
Đội QLTT số 6 hoàn chỉnh hồ sơ vụ việc và Đội trưởng ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với 08 cơ sở kinh doanh kính mắt không rõ nguồn gốc xuất xứ, mỹ phẩm nhập lậu với tổng số tiền hơn 30 triệu đồng. Đồng thời, buộc cơ sở tiêu hủy toàn bộ tang vật vi phạm với trị giá gần 50 triệu đồng. Đến nay cơ sở đã thực hiện xong Quyết định xử phạt.
Qua 10 tháng thực hiện, Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã kiểm tra 143 vụ, phát hiện 132 vụ vi phạm, đã xử lý 126 vụ, thu phạt gần 1,7 tỷ đồng, trị giá hàng hóa vi phạm trên 3,1 tỷ đồng, buộc tiêu hủy gần 1.400 đơn vị sản phẩm (mỹ phẩm, thuốc lá điện tử, nước giải khác,..), với tổng giá trị trên 500 triệu đồng; buộc thu hồi hàng hóa và buộc ghi nhãn hàng hóa đúng quy định trước khi tiếp tục lưu thông trên thị trường trên 2.000 đơn vị sản phẩm (vàng trang sức, quần áo may sẵn, phân bón).
Hành vi vi phạm chủ yếu như không thông báo website thương mại điện tử bán hàng với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền; buôn bán thuốc lá điện tử, mỹ phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ; vàng trang sức, xe môtô hai bánh vi phạm nhãn...
Thông qua hoạt động kiểm tra, công chức Cục QLTT tỉnh Tiền Giang đã trực tiếp tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các cơ sở nâng cao nhận thức, chấp hành đúng các quy định pháp luật trong lĩnh vực thương mại điện tử; góp phần hạn chế, ngăn chặn các trường hợp vi phạm.
- Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, cơ sở sản xuất có đối mặt án phạt hình sự?
- Liên tiếp phát hiện hành vi buôn bán hàng giả nhãn hiệu, nếu buôn số lượng lớn có đối mặt án phạt hình sự?
- Cục Quản lý thị trường TP.HCM mạnh tay truy quét hàng giả, hàng nhái trên TikTok, Facebook
- 'Muôn hình vạn trạng' vi phạm livestream bán hàng giả, không rõ nguồn gốc trên thương mại điện tử, đánh lừa người tiêu dùng, gây thất thu ngân sách
- Sàn thương mại Temu rầm rộ quảng cáo hàng giả rẻ, đại biểu Quốc hội bày tỏ quan ngại về tác động tiêu cực tiềm ẩn phía sau
- Tỷ giá USD hôm nay 12/10: Ngân hàng giảm mạnh