Tiếp Thị Gia Đình

Thứ sáu, 11/10/2024, 10:21 (GMT+7)

Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm gây ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, cơ sở sản xuất có đối mặt án phạt hình sự?

Tùy vào tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà mức phạt tù có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí tù chung thân...

Ngăn chặn hàng loạt vụ sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm số lượng lớn, khởi tố các bị can

Thời gian qua, hoạt động sản xuất hàng giả là thực phẩm có diễn biến phức tạp khi các đối tượng lợi dụng không gian mạng để thực hiện hành vi phạm tội. Trước những diễn biến phức tạp của loại hình tội phạm và vi phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng cả nước đã chủ động nhiều biện pháp đấu tranh, phòng ngừa, cũng như tăng cường điều tra, khởi tố nhiều vụ án nghiêm trọng.

Đơn cử, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu và môi trường (PC03) - Công an tỉnh Thái Bình cho biết, mới đây, đơn vị đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với Nguyễn Văn Công (sinh năm 1993, hộ khẩu thường trú xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự, theo Cổng thông tin điện tử Công an tỉnh Thái Bình.

Bia-Ha-Noi-Gia-1
Tang vật là những keg bia giả mang thương hiệu bia Hà Nội do Công sản xuất, buôn bán. Ảnh: Công an cung cấp.

Trước đó, qua công tác nắm tình hình, PC03 Công an tỉnh Thái Bình phát hiện Nguyễn Văn Công có dấu hiệu của hoạt động buôn bán, sản xuất hàng giả trên mạng xã hội nên đã phối hợp với các đơn vị chức năng tiến hành kiểm tra xưởng sản xuất của Công tại xã Thái Thọ, huyện Thái Thụy. Tại đây, lực lượng chức năng phát hiện, thu giữ và quản lý nhiều vỏ keg bia Hà Nội - HABECO và các keg bia có chứa bia thành phẩm để phục vụ công tác xác minh hành vi vi phạm của đối tượng.

Tại cơ quan điều tra, Nguyễn Văn Công khai nhận, trước đây, Công làm đại lý của Công ty bia Hà Nội - HABECO. Nhận thấy lợi nhuận cao từ việc buôn bán bia giả, lợi dụng các mối quan hệ trước đó, Công đã thu mua nhiều vỏ keg bia Hà Nội - HABECO, đặt làm giả nắp chụp nhãn hiệu HABECO, sau đó mua bia hơi của các công ty trong và ngoài tỉnh Thái Bình để đóng vào keg bia của công ty bia Hà Nội - HABECO.

Tiếp đó, Công chụp nắp nhãn hiệu HABECO lên các keg bia này để chào bán cho các đại lý bia trên địa bàn huyện Thái Thụy, Kiến Xương, Tiền Hải với giá bán của công ty bia Hà Nội - HABECO. Từ tháng 4/2024 đến nay, Nguyễn Văn Công đã sản xuất, tiêu thụ với số lượng khoảng 940 keg bia giả, thu lời bất chính gần 400 trăm triệu đồng. Hiện, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng theo quy định pháp luật.

Tại Bắc Giang, trong ngày 2/7/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam và lệnh khám xét đối với Nguyễn Văn Hiệp (sinh năm 1982, thường trú tại xã Tam Đa, Yên Phong, Bắc Ninh), Giám đốc Công ty TNHH nuôi dưỡng lòng biết ơn quốc tế Asia (địa chỉ tại thôn Lục Liễu, xã Hợp Đức, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang) về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm (sữa bột) xảy ra tại doanh nghiệp này.

Tương tự, ngày 13/6/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Chí Linh (Hải Dương) đã khởi tố bị can, bắt tạm giam đối với Nguyễn Trung Vương, Tổng Giám đốc Công ty CP Sữa Hà Lan về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm.

Đây là vụ án, mà vào cuối năm 2022 đã được Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm về môi trường Bộ Công an điều tra phát hiện và ra quyết định khởi tố vụ án hình sự về sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, xảy ra tại Công ty CP Sữa Hà Lan (địa chỉ tại 335 Trần Cung, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và các chi nhánh, kho hàng trực thuộc.

sua milk hà lan
Lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra, thu giữ một số các sản phẩm sữa tại kho hàng Công ty CP sữa Hà Lan tại huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Ảnh: Internet.

Theo tài liệu điều tra cho thấy, sau khi xây dựng Nhà máy Holland Milk (địa chỉ tại Km39 quốc lộ 18, phường Cộng Hòa, TP Chí Linh, tỉnh Hải Dương), Công ty CP sữa Hà Lan đã được Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Hải Dương cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm và được cấp hồ sơ công bố sản phẩm.

Quá trình điều tra, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Vương thừa nhận là người có trình độ đại học dược và đã được tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm. Dù nhận thức rõ việc sản xuất, kinh doanh sản phẩm thực phẩm kém chất lượng, chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70% so với mức công bố sẽ làm cho sản phẩm không còn tính năng, tác dụng, công dụng như hồ sơ công bố được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận, có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng và vi phạm pháp luật, nhưng vì lợi nhuận cao nên Nguyễn Trung Vương vẫn chỉ đạo thực hiện.

Quá trình xác minh xác định, Tổng Giám đốc Nguyễn Trung Vương đã chỉ đạo trực tiếp nhân viên trong mọi khâu sản xuất và lưu thông sản phẩm. Việc điều hành công việc sản xuất chủ yếu được thực hiện từ xa thông qua mạng máy tính, Zalo theo nhóm giữa tổng giám đốc và các nhân viên.

Lực lượng chức năng đã kiểm tra, thu 67 mẫu sản phẩm thành phẩm, tương đương 33 loại sản phẩm của 8 công ty có sản phẩm được sản xuất tại Nhà máy Holland Milk, gửi giám định 66/67 lô sản phẩm có chỉ tiêu chất lượng đạt dưới 70%, với số lượng hàng hóa là 29.400 hộp, giá trị theo hóa đơn xuất bán của các sản phẩm này là hơn 4,1 tỷ đồng.

Ngoài ra, qua kiểm tra, xác minh, lực lượng chức năng phát hiện Đỗ Minh Thu, kế toán trưởng Công ty CP Sữa Hà Lan đã tự ý cắt ghép 2 phiếu kết quả kiểm nghiệm, rồi đem xác nhận sao y bản chính tại UBND xã Đồng Lạc để được cấp giấy tiếp nhận công bố sản phẩm để được phép lưu thông sản phẩm ra thị trường.

Đối với hành vi này của Thu, cơ quan Công an đã tách thành vụ án hình sự riêng và tiến hành điều tra, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân TP Chí Linh truy tố bị can Đỗ Minh Thu về tội làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức và tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và đã bị Tòa án Nhân dân TP Chí Linh tuyên phạt mức án 62 tháng tù giam…

Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, cá nhân phạm tội có thể bị tù chung thân

Theo khoản 7, Điều 3 Nghị định số 98/2020/NĐ-CP thì hàng giả bao gồm: Hàng hóa có giá trị sử dụng, công dụng không đúng với nguồn gốc bản chất tự nhiên, tên gọi của hàng hóa; hàng hóa không có giá trị sử dụng, công dụng hoặc có giá trị sử dụng, công dụng không đúng so với giá trị sử dụng, công dụng đã công bố hoặc đăng ký;

Hàng hóa có ít nhất một trong các chỉ tiêu chất lượng hoặc đặc tính kỹ thuật cơ bản hoặc định lượng chất chính tạo nên giá trị sử dụng, công dụng của hàng hóa chỉ đạt mức từ 70% trở xuống so với mức tối thiểu quy định tại quy chuẩn kỹ thuật; hoặc tiêu chuẩn chất lượng đã đăng ký, công bố áp dụng hoặc ghi trên nhãn, bao bì hàng hóa;

Hàng hóa có nhãn hàng hóa hoặc bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo tên, địa chỉ tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc nhập khẩu, phân phối hàng hóa; tem, nhãn, bao bì hàng hóa giả. Giả mạo mã số đăng ký lưu hành, mã số công bố, mã số mã vạch của hàng hóa hoặc giả mạo bao bì hàng hóa của tổ chức, cá nhân khác; giả mạo về nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa hoặc nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa…

Trong khi đó, theo quy định của pháp luật, đối với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm mà đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm được quy định tại Điều 193 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017).

Cụ thể, người nào sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thì bị phạt tù từ 2 - 5 năm.

Bên cạnh đó, phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 5 - 10 năm: Có tổ chức; có tính chất chuyên nghiệp; tái phạm nguy hiểm; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; buôn bán qua biên giới; hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật hoặc hàng hóa có cùng tính năng kỹ thuật, công dụng trị giá từ 150 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

Thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% - 60%; gây thiệt hại về tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

Ngoài ra, tùy vào tính chất và mức độ gây thiệt hại của hành vi mà mức phạt tù có thể lên đến 20 năm tù, thậm chí tù chung thân đối với cá nhân. Cùng đó, người phạm tội còn bị áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền từ 20 – 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 - 5 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Mặt khác, pháp nhân thương mại phạm tội quy định có thể bị phạt cao nhất lên đến 18 tỷ đồng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 6 tháng đến 3 năm; phạm tội thuộc trường hợp quy định tại Điều 79 của Bộ luật này, thì bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn. Pháp nhân thương mại còn có thể bị phạt tiền từ 100 - 300 triệu đồng, cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định hoặc cấm huy động vốn từ 1 - 3 năm.

Cùng chuyên mục