Chủ nhật, 24/03/2024, 07:34 (GMT+7)

Ví điện tử tại Việt Nam 'bị đe doạ' bởi những chiếc mã QR

Sự xuất hiện và phổ biến của giải pháp thanh toán VietQR đang làm thay đổi cuộc chơi thanh toán không dùng tiền mặt mà trước đó lợi thế vốn thuộc về các ví điện tử.

Các phương thức chạm để thanh toán ngày càng trở nên phổ biến tại Việt Nam. Đây là một kết quả đầy bất ngờ tại một quốc gia nơi tiền mặt chiếm tới khoảng 70% khối lượng giao dịch chỉ một vài năm trước đó.

Điều gì đã thúc đẩy sự chuyển dịch này? Mã QR thanh toán là một trong số đó. Điều đáng ngạc nhiên là các công ty fintech không phải lực đẩy duy nhất cho cuộc chuyển dịch này.

Năm 2019, Công ty cổ phần thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS) giới thiệu VietQR, một hệ thống mã QR được chuẩn hoá cho phép khách hàng quét để thanh toán bằng nhiều ứng dụng di động của các ngân hàng.

anh1
Mã QR thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam. (Ảnh: Tech in Asia).

Số lệnh thanh toán qua mã VietQR tăng gấp 2 lần trong quý III/2023 để chạm mốc 100 triệu giao dịch mỗi tháng, theo NAPAS. Con số này tương đương với mốc trung bình mỗi người một giao dịch trên tháng và nó cũng đồng nghĩa với việc nhiều khả năng người dùng ở các khu vực thành thị đang dùng VietQR nhiều lần mỗi tháng.

Sự nổi lên của VietQR mang đến một số câu hỏi. Liệu người dùng có cần ví điện tử nữa không khi họ có thể thanh toán ngay thông qua ứng dụng di động ngân hàng của mình? Liệu ví điện tử có còn cần thiết và sau cùng liệu mô hình kinh doanh của ví điện tử có bền vững không?

Dù vậy, nhiều người nói rằng ví điện tử và các hệ thống QR thanh toán nội địa như VietQR có thể cùng tồn tại. Theo đó, các ví điện tử xây dựng dịch vụ trên hệ thống mã QR, còn VietQR chỉ thuần tập trung vào khía cạnh chuyển tiền.

Dù sao đi chăng nữa, thị trường thanh toán số Việt Nam, với dung lượng giá trị giao dịch ước đạt 160 tỷ USD vào năm 2025, cũng đã bước vào một giai đoạn cạnh tranh mới.

Cuộc cách mạng của những chiếc mã QR

Năm 2020, Tech in Asia ghi nhận khoảng 30 ví điện tử đang cạnh tranh để thúc đẩy người dùng Việt Nam thanh toán không dùng tiền mặt. Lúc đó, chưa có ví điện tử vào đạt được vị thế phổ biến như Alipay hay WeChat Pay ở Trung Quốc.

Kể từ thời điểm đó, một số cái tên đã nổi lên như những “tay chơi” nổi bật hơn trên thị trường.

Một báo cáo gần đây của công ty nghiên cứu FiinGroup xác định MoMo, ShopeePay và VNPay là các công ty cung cấp dịch vụ fintech dẫn đầu tại Việt Nam. Một khảo sát khác được Decision Lab thực hiện vào quý II/2023 cho thấy MoMo, ZaloPay và ShopeePay là các ví điện tử phổ biến nhất.

Trong số này, MoMo và ZaloPay đang nỗ lực xây dựng các siêu ứng dụng của mình và hợp tác với các công ty như Grab, Gojek, và TikTok Shop. MoMo cũng công bố hợp tác với Apple vào tháng 5/2023 khi Apple mở cửa hàng trực tuyến chính thức tại Việt Nam.

Dù vậy, thanh toán số không phải cuộc chơi của riêng các công ty fintech. Nhiều ngân hàng cũng đang đầu tư mạnh để nâng cao năng lực số.

Bên cạnh Việt Nam, chính phủ nhiều nước tại Đông Nam Á cũng đang muốn thúc đẩy các hệ thống thanh toán nội địa nhanh bằng mã QR để làm nền tảng cho nền kinh tế số. Một số ví dụ có thể kể đến như PayNow ở Singapore, PromptPay ở Thái Lan, và PayNet ở Malaysia.

Khi các hệ thống thanh toán nhanh bằng QR có chỗ đứng vững chắc hơn, “rõ ràng là ví điện tử sẽ cảm thấy bị đe doạ”, Joshua Chong, chuyên gia tư vấn tại Kapronasia, chia sẻ. “Nói một cách công bằng, thanh toán là mảng kinh doanh không có lãi ngay từ đầu”.

Thế nhưng, khác với các siêu ứng dụng fintech, mã thanh toán QR nội địa ít được truyền thông nhắc đến. “Mã QR không có gì hấp dẫn. Về cơ bản, định vị giá trị của nó rất đơn giản: nó cơ bản là một công cụ chuyển tiền nhanh”, ông Chong nhận định.

Dù vậy, tác động của mã QR là khó có thể bỏ qua. Giá trị giao dịch thanh toán nhanh ở Singapore, Thái Lan và Malaysia tăng hơn 50% trong giai đoạn 2020 – 2021, theo báo cáo của GlobalData.

VietQR ra mắt muộn hơn các công cụ tương tự ở các quốc gia láng giềng khác. Dù vậy, sự thành công và phổ biến của nó giúp mục tiêu giảm lượng thanh toán bằng tiền mặt xuống còn 8% của chính phủ khả thi hơn, theo Oanh Tram, chuyên gia của FiinGroup.

Cạnh tranh khốc liệt

Ở Việt Nam, ví điện tử gặp một số rào cản về pháp lý. Người dùng buộc phải liên kết ví điện tử với tài khoản ngân hàng và phải xác thực danh tính bằng cách tải lên giấy tờ tuỳ thân. Với không ít khách hàng, họ chỉ thực hiện những điều rắc rối này nếu khuyến mại, ưu đãi đủ hấp dẫn.

Để thu hút thêm người dùng chưa dùng ví, MoMo và ZaloPay ra mắt tính năng mã QR đa năng vào năm 2023. Tính năng này cho phép người dùng nhận tiền từ mọi ứng dụng ngân hàng và ví điện tử.

Ông Nguyễn Mạnh Tường, CEO MoMo, nhấn mạnh rằng sự linh hoạt của mã QR của MoMo khi người dùng có thể chọn nguồn tiền từ ví, ngân hàng hoặc các dịch vụ trả sau. Sự linh hoạt này có thể giúp các cửa hàng tăng doanh thu.

Với bà Lê Lan Chi, CEO ZaloPay, sự tăng trưởng của VietQR thức đẩy toàn thể thị trường vì người dùng đang chia tay thói quen dùng tiền mặt nhanh hơn. Bà tin rằng cạnh tranh lúc này tập trung vào việc các cửa hàng/điểm chấp nhận thanh toán sẽ nhận được giá trị gì. “Với người dùng, họ không quá quan tâm đến việc mình đang quét QR nào”, bà Lan nói thêm.

Cả hai vị lãnh đạo cao cấp đều cho rằng mã QR đa năng của mình có thể giúp các cửa hàng/điểm chấp nhận thanh toán có thể xác nhận giao dịch QR theo thời gian thực. Người bán hàng còn có thể tận dụng nhiều tính năng hỗ trợ quản lý thanh toán khác. Ví dụ, cửa hàng có thể hoàn lại tiền cho khách trực tiếp từ cổng thanh toán cửa hàng.

ZaloPay, ứng dụng đang có khoảng 14 triệu người dùng hoạt động trong năm 2023, tiết lộ kế hoạch thử nghiệm một sản phẩm với The Pizza Company. Sản phẩm này sẽ giúp The Pizza Company xây dựng các chương trình khách hàng thân thiết cho mọi khách hàng, gồm cả các khách hàng thanh toán bằng tài khoản ngân hàng.

Cạnh tranh hay bổ sung cho nhau?

Thường thì phần lớn người dùng sẽ chỉ chọn thanh tóan bằng ví điện tử nếu có khuyến mại hấp dẫn hoặc các chương trình tích điểm. Phần lớn cửa hàng/điểm chấp nhận thanh toán cũng muốn khách hàng chuyển khoản ngân hàng trực tiếp. Giao dịch bằng ví điện tử hoặc thẻ thường phát sinh thêm phí cho nhà bán hàng trong khi giao dịch cũng không được đối trừ theo thời gian thực.

Ông Bùi Hải Nam, CEO và người sáng lập SoBanHang, một công cụ giúp các nhà bán lẻ nhỏ vận hành kinh doanh số, cũng đã tích hợp hoàn thiện với VietQR để giúp nhà bán hàng kiểm soát doanh số thanh toán qua một ứng dụng di động khi khách hàng thanh toán bằng VietQR.

Về phần mình, một người phát ngôn của NAPAS nói với TechinAsia rằng VietQR được thiết kế đặt lợi ích của cộng đồng lên trước, thay vì cạnh tranh trực tiếp với các nhà cung cấp khác, ví dụ như ví điện tử.

Tất nhiên, ví điện tử, vẫn hữu dụng theo nhiều cách khác nhau. Người dùng có thể thanh toán hoá đơn, mua vé sự kiện, đặt hàng TMĐT và thanh toán các khoản chi tiêu nhỏ. Ví dụ, người dùng có thể mua vé xem phim rẻ hơn qua MoMo hoặc thanh toán phí bảo hiểm qua ZaloPay.

“VietQR và ví điện tử phục vụ các mục đích khác nhau và có thể bổ trợ lẫn nhau”, ông Huy Pham, giảng viên tài chính tại Đại học RMIT, nói. Ông cho rằng ví điện tử nên hợp tác với nhiều nhà bán hàng hơn và giúp các khách hàng nước ngoài có thể tiếp cận với hàng hoá/dịch vụ Việt Nam.

Bà Tran của FiinGroup tin rằng ví điện tử có thể tận dụng VietQR để khuyến khích người dùng thanh toán không dùng tiền mặt. Bà nhấn mạnh thêm rằng một số ứng dụng ngân hàng chưa tích hợp tốt vào các hệ sinh thái như ví điện tử. Điều này giúp các ví điện tử như MoMo và ZaloPay vẫn có chỗ đứng ở thời điểm này, song ông Huy Pham nhận định “sẽ chỉ có một số ít ví còn hoạt động trong dài hạn” khi cạnh tranh ngày càng khốc liệt hơn.

Cùng chuyên mục