Từ 2025, phân loại giải quyết vụ cháy theo 5 cấp, cấp 5 nguy hiểm nhất, những quy định nào cần nắm rõ?
Đây là một trong những nội dung đáng chú ý tại Thông tư quy định về phân công trách nhiệm, quan hệ phối hợp, quy trình xác minh, giải quyết vụ cháy trong Công an nhân dân.
Phân loại giải quyết các vụ cháy theo 5 cấp
Bộ Công an đã ban hành Thông tư số 88/2024/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 15/1/2025 quy định về phân công trách nhiệm, quan hệ phối hợp, quy trình xác minh, giải quyết vụ cháy trong Công an nhân dân, thay thế Thông tư số 55/2020/TT-BCA và Thông tư số 11/2023/TT-BCA.
Cụ thể, tại khoản 5, Điều 19 Thông tư số 88/2024/TT-BCA đã phân loại giải quyết vụ cháy thành 5 cấp như như sau: Vụ cháy cấp I là vụ cháy không có thiệt hại về người và thuộc một trong các trường hợp sau: Thiệt hại về tài sản dưới 100 triệu đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy dưới 0,5ha.
Vụ cháy cấp II là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể dưới 61%; gây thiệt hại về tài sản trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 0,5ha đến dưới 5ha.
Vụ cháy cấp III là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết từ 1 - 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người với tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 61% trở lên hoặc của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% - 200%; gây thiệt hại tài sản trị giá từ 3 tỷ đồng đến dưới 10 tỷ đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 5ha đến dưới 10ha.
Vụ cháy cấp IV là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết từ 3 - 4 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 3 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 201% trở lên; gây thiệt hại tài sản trị giá từ 10 tỷ đồng đến dưới 50 tỷ đồng hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 10ha đến dưới 20ha.
Vụ cháy cấp V là vụ cháy thuộc một trong các trường hợp sau: Làm chết từ 5 người trở lên; gây thiệt hại tài sản trị giá từ 50 tỷ đồng trở lên hoặc diện tích rừng, đồng, ruộng bị cháy từ 20ha trở lên.
Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an cấp tỉnh, Cục Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ có trách nhiệm tập hợp, báo cáo số liệu xác minh, giải quyết các vụ cháy, phân loại vụ cháy.Việc quy định về phân loại giải quyết vụ cháy theo Bộ Công an là để làm căn cứ phục vụ công tác phân tích, thống kê, dự báo tình hình, xây dựng chỉ tiêu công tác.
Đối tượng nào cần bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy chữa cháy từ 1/7/2025?
Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025, trong đó quy định các đối tượng cần bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy.
Theo đó, tại Điều 45 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, có 8 đối tượng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ. Cụ thể, bao gồm: Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND cấp xã; trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố; người đứng đầu cơ sở; thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cơ sở, thành viên Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ chuyên ngành, thành viên Đội dân phòng.
Người được phân công thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tại cơ sở, người được phân công thực hiện kiểm tra về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở. Người làm việc trong môi trường nguy hiểm cháy, nổ hoặc thường xuyên tiếp xúc với chất, hàng hóa nguy hiểm về cháy, nổ. Người điều khiển phương tiện, người làm việc trên phương tiện giao thông có yêu cầu về bảo đảm an toàn phòng cháy và chữa cháy. Người đã đăng ký tham gia hoạt động phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ tình nguyện.
Ngoài các đối tượng nêu trên, các cá nhân, tổ chức khác nếu có nhu cầu cũng được huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn cứu hộ.
Bên cạnh đó, theo khoản 3,4,5 Điều 45 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, cá nhân, tổ chức sau đây có trách nhiệm tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy. Đó là, lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và cơ sở đào tạo huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Bộ trưởng Bộ Công an huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ cho lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và các lực lượng khác trong Công an nhân dân.
Cũng theo khoản 2, Điều 45 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024, việc huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ về phòng cháy và chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ được thể hiện thông qua các nội dung gồm: Quy định của pháp luật về phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; kiến thức, kỹ năng về phòng cháy; kiến thức, kỹ năng về chữa cháy; kiến thức, kỹ năng thoát nạn, cứu nạn.
Mặt khác, các bên tổ chức huấn luyện cần chú ý đến các nội dung khác phù hợp với từng đối tượng tham gia huấn luyện phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn. cứu hộ.
Chính sách đối với người tham gia phòng cháy chữa cháy
Hiện nay, Nhà nước đã có nhiều chính sách hỗ trợ đối với người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ. Nội dung này đã được quy định chi tiết tại Điều 46 Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ 2024.
Trong đó, chế độ bồi dưỡng: Người được huy động, người tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ không thuộc lực lượng phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ được hưởng chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ khi tham gia chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ.
Được khen thưởng và đền bù: Cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia, phối hợp, cộng tác, hỗ trợ, giúp đỡ cơ quan nhà nước thực hiện nhiệm vụ phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ có thành tích thì được khen thưởng, bị thiệt hại về tài sản thì được đền bù theo quy định của pháp luật.
Chế độ đối với người bị tai nạn, bị thương, chết: Người được huy động, người tham gia phòng cháy, chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ bị tai nạn, bị thương, chết thì được hưởng chế độ theo quy định sau đây: Người đã tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và đủ điều kiện hưởng được chi trả chế độ từ quỹ bảo hiểm theo quy định của pháp luật.
Người chưa tham gia bảo hiểm y tế: Hỗ trợ thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh; xét trợ cấp tùy theo mức độ suy giảm khả năng lao động; hưởng chế độ tiền tuất, tiền mai táng phí.
Người bị thương, chết khi thực hiện nhiệm vụ: Xem xét hưởng chế độ, chính sách như thương binh hoặc được xem xét để công nhận là liệt sĩ và hưởng các ưu đãi người có công với cách mạng.
- Liên tiếp nhiều vụ cháy nhà ở đặc biệt nghiêm trọng, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo 'nóng'
- Clip cảnh sát PCCC cứu người mắc kẹt trong vụ cháy nhà trọ Hà Đông
- Mặt nạ chống độc, thang dây thoát hiểm được quảng cáo, rao bán nhiều sau vụ cháy chung cư mini
- 4 hành vi bị nghiêm cấm trong kinh doanh thuốc theo phương thức thương mại điện tử, quy định cụ thể thế nào?
- Chính thức giảm lãi suất cho vay hỗ trợ nhà ở từ năm 2025, người dân, doanh nghiệp cần biết nếu muốn tiếp cận nhà ở với chi phí ưu đãi
- Từ 2025, tăng quy mô của trường mầm non lên tối đa 30 nhóm, lớp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cấp phép những gì?