Thứ hai, 13/05/2024, 05:50 (GMT+7)

Từ 1/7, áp dụng quy định cấm phân lô, bán nền: Nhà đất không thể tách bán, bố mẹ có chia được cho con?

Theo Luật Kinh doanh Bất động sản 2023, từ ngày 1/7, quy định về việc cấm phân lô, bán nền sẽ chính thức có hiệu lực tại 105 thành phố, thị xã. Điều này khiến nhiều người lo lắng vì nhà đất không thể tách bán, bố mẹ không chia được cho con.

Theo VietnamFinance, Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) 2023 quy định không được chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho cá nhân tự xây dựng nhà ở, tự phân lô bán nền trong khu vực các phường, quận, thành phố của đô thị loại đặc biệt, loại I, II và III và thuộc trường hợp đấu giá quyền sử dụng đất để đầu tư dự án xây dựng nhà ở theo quy định của Luật Đất đai. 

Đối với các khu vực còn lại, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh căn cứ điều kiện của địa phương để xác định các khu vực chủ đầu tư dự án được chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã có hạ tầng kỹ thuật cho cá nhân tự xây dựng nhà ở.

Quy định chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2024. Trước thông tin này, nhiều người bày tỏ sự lo lắng vì sợ không bố mẹ không thể cắt đất chia cho các con. 

Quản ra sao chuyện phân lô bán nền?
Từ 1/7, bố mẹ vẫn có thể cắt đất chia cho sẽ không chịu ảnh hưởng từ các quy định mới. (Ảnh: M.H)

Chia sẻ với VietnamFinance về vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hải từ Công ty Luật An Hoàng Gia cho biết, theo quan điểm của ông, việc áp đặt quy định mới về không phân lô các đô thị đặc biệt, loại I, II, III của Luật Kinh doanh bất động sản 2023 không gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

Bởi các điều kiện và quy định mới chỉ áp dụng cho các dự án bất động sản chứ không ảnh hưởng đến việc tách thửa của cá nhân hoặc hộ gia đình với mục đích cho tặng, thừa kế, hoặc chuyển nhượng. Điều này có nghĩa là bố mẹ vẫn có thể cắt đất chia cho sẽ không chịu ảnh hưởng từ các quy định mới.

Về phía doanh nghiệp, Ông Phạm Đức Toản, CEO của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển Bất động sản EZ (EZ Property) cho rằng với việc không cho phân lô, bán nền sẽ buộc các doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định về lập dự án, xin phê duyệt quy hoạch từ địa phương, thi công xây dựng hạ tầng và hoàn thành nghĩa vụ thuế đối với nhà nước. Đồng thời, việc siết chặt quy định phân lô, bán nền sẽ giảm bớt hiện tượng đầu cơ và chỉ những người có nhu cầu thực sự mới dám mua, đồng thời tránh được tình trạng đất bỏ hoang.

Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng trong tương lai ngắn hạn, việc siết chặt việc phân lô, tách thửa có thể làm giảm sức hút của đất nền và làm tăng giá đất phân lô, tách thửa. Tuy nhiên, trong tương lai dài hạn, điều này sẽ giúp thị trường phát triển theo hướng minh bạch, bền vững và ngăn chặn tình trạng đầu cơ và lãng phí nguồn lực đất đai đã kéo dài trong nhiều năm.

Theo thống kê từ Bộ Xây dựng đến tháng 12/2023, cả nước có 902 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt (TP HCM và Hà Nội), 22 đô thị loại I (các thành phố trực thuộc trung ương), 35 đô thị loại II (thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương), 46 đô thị loại III (thị xã trực thuộc tỉnh), 94 đô thị loại IV (thị trấn trực thuộc huyện).

Do đó, trừ các đô thị không nằm trong danh sách quy định, tất cả phải tuân thủ các quy định về lập dự án, xin phê duyệt theo quy hoạch của địa phương, nhằm chấm dứt tình trạng tự phát phân lô, bán nền khi chưa có đủ điều kiện pháp lý, gây ra nhiều hệ luỵ xấu trong những năm qua.

Cùng chuyên mục