Thung lũng hoa hồ Tây mở cửa cho người dân, du khách thăm quan miễn phí dịp Tết Nguyên Đán
Với hàng trăm loài hoa khác nhau, thung lũng hoa hồ Tây là điểm đến rực rỡ sắc màu trong dịp Tết Nguyên đán; nơi đây hứa hẹn sẽ là địa điểm thu hút đông đảo du khách thăm quan, đặc biệt là các bạn trẻ.
Càng gần những ngày Tết Nguyên đán Quý Mão, lượng người đến thăm quan, chụp ảnh, vui chơi tại Thung lũng hoa hồ Tây càng đông. Không chỉ có các bạn trẻ, mà còn có nhiều gia đình chọn nơi đây là địa chỉ đến trong những ngày nghỉ.
Chị Đàm Thu Phương (quận Hà Đông, Hà Nội) cho biết, nhân nghỉ Tết chị cùng cả đại gia đình đến Thung lũng hoa chơi. Trẻ con thì được chạy nhảy thỏa thích, người lớn có thể chụp ảnh với hoa, nghỉ ngơi sau chuỗi ngày làm việc mệt mỏi. "Một không gian sinh động lại rất gần, đi lại thuận tiện nên tôi đã 3 lần đến đây. Có lần với cơ quan, lần đi với gia đình, cơ bản đều phù hợp", chị Phương nói.
Giữa năm 2022, Thung lũng hoa đã "lột xác" hoàn toàn để phục vụ du khách. Những bức tường, rào bao quanh đều được phá bỏ thay vào đó là đường hoa rực rỡ. Tổng diện tích khoảng 1.500m2 các công trình là tường gạch, gỗ, vách kính, mái tôn, mái lá... không phù hợp cảnh quan được dỡ bỏ trong năm 2022. Một số được thay thế bằng tường hoa. Đây là cách thay đổi tư duy để mọi người dân đều có thể tiếp cận với không gian hoa một cách dễ dàng nhất. Sau khi hoàn tất chỉnh trang, người dân có thể thoải mái ra vào thung lũng hoa để thăm quan mà không phải trả tiền vé vào cửa.
Ông Bùi Mạnh Hiếu, đại diện Thung lũng hoa hồ Tây cho biết, ông vốn xuất thân là người làng đào Nhật Tân. Theo ông Hiếu, cả khu đất khoảng 3ha trước đây vốn là đầm sen, người dân đến chụp ảnh rất nhiều. Thế nhưng sen chỉ đẹp 3 tháng Hè, 9 tháng còn lại chỉ là đầm khô cằn. Nhận thấy hồ Tây cảnh sắc tuyệt vời, nếu chỉ để như vậy thì lãng phí, khó phát triển du lịch, nên ông Hiếu cùng các anh em quyết định cải tạo để trồng hoa.
Đầu năm 2022, quận Tây Hồ có chủ trương thí điểm trồng hoa phát triển du lịch, lấy Thung lũng hoa là một phần trong không gian đi bộ Trịnh Công Sơn. Từ đó, việc đầu tư bài bản, "quy hoạch hoa" mới thực sự bắt đầu. Thung lũng hoa đã cải tạo gần như toàn bộ, đưa máy móc vào tạo hình đất, trồng hoa một cách bài bản, mùa nào hoa nấy. "Đặc biệt, từ vé vào cửa đến trông giữ xe đều hoàn toàn miễn phí cho du khách", đại diện đơn vị nói.
Điểm nhấn du lịch của hồ Tây
Theo đại diện UBND phường Nhật Tân, phường đã đề xuất UBND quận Tây Hồ cho phép lập đề án “Trồng hoa cây cảnh tại khu vực Đầm Bảy” để thực hiện thông qua hình thức đấu giá cho thuê quyền sử dụng đất tạm thời.
Theo đề án, hiện nay đô thị hóa phát triển, áp lực về mật độ dân số, hạ tầng giao thông đã làm cho nhiều không gian xanh bị thu hẹp. Vì vậy, việc đầu tư cho các không gian vườn hoa, cây xanh thân thiện, mang các giá trị văn hóa, nghệ thuật làm nơi để người dân, du khách đến vui chơi, giải trí thư giãn là cần thiết và sẽ là xu hướng phát triển trong nhiều năm tiếp theo.
Khu vực Đầm Bảy - Thung lũng hoa trên địa bàn phường có vị trí tự nhiên gắn liền với cảnh quan của hồ Tây; có nhiều lợi thế và thuận lợi để phát triển các dịch vụ du lịch - văn hóa có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước khi đến quận Tây Hồ và Thủ đô.
Đặc biệt, khu vực Thung lũng hoa được kết nối với phố đi bộ Trịnh Công Sơn, không gian các đầm sen ven hồ Tây, cùng các sản phẩm dịch vụ du lịch của Công viên nước hồ Tây.... tạo thành chuỗi sản phẩm du lịch phục vụ nhu cầu của du khách.
Do đó, khi thực hiện, đề án nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng đất, tăng thu cho ngân sách nhà nước, tạo lợi thế phát triển dịch vụ du lịch theo định hướng chung của quận giai đoạn 2020-2025. Quan trọng nhất là xây dựng được mô hình phát triển du lịch gắn với phát triển làng nghề truyền thống tại phường Nhật Tân; Giải quyết vấn đề việc làm cho người lao động là người dân trên địa bàn phường Nhật Tân cũng như quận Tây Hồ.
Đại diện Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội đang dẫn đầu cả nước về các phố đi bộ. Chủ trương phát triển phố đi bộ phù hợp với xu thế phát triển đô thị xanh, thông minh của Hà Nội, nhưng cũng đồng thời đặt ra thách thức về việc xây dựng đặc trưng, giá trị văn hóa, du lịch hay kinh tế riêng của mỗi một không gian đi bộ.
Đối phố đi bộ Trịnh Công Sơn, vị này đánh giá cao quận tạo điểm nhấn cho không gian này bằng Thung lũng hoa. Đồng thời việc chuyển tư duy sang hướng mở thung lũng hoa sẽ là điểm nhấn giúp người dân tiếp cận dễ dàng hơn.
Thời gian tới, Sở Du lịch sẽ cùng phối hợp với quận Tây Hồ để có những kế hoạch phù hợp để thu hút du khách trong nước và quốc tế đến với không gian này.
Đại diện UBND quận Tây Hồ cho biết: Hiện số lượng du khách đến tham quan, chụp ảnh ở khu vực Đầm Bảy là rất đông, là điểm đến được nhiều người dân và du khách muốn khám phá. Nếu được triển khai thí điểm, Đề án trồng hoa, cây cảnh tại Đầm Bảy sẽ kết nối với không gian văn hoá, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ tại phố Trịnh Công Sơn, đầm sen Tây Hồ, vườn hoa cây cảnh khu vực bãi đá sông Hồng... tạo thành một chuỗi các điểm đến tham quan, du lịch hấp dẫn với du khách; phù hợp với định hướng “Chú trọng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị của Hồ Tây, các di tích lịch sử - văn hoá, danh lam ,thắng cảnh, duy trì các làng nghề truyền thống của quận Tây Hồ”, đồng thời phù hợp với định hướng của thành phố Hà Nội về đẩy mạnh phát triển công nghiệp văn hoá.