Thứ năm, 21/03/2024, 16:35 (GMT+7)

Thẻ không kích hoạt, không sử dụng có bị tính phí không?

Sau vụ nợ thẻ tín dụng 8,5 triệu đồng, phát sinh tổng nợ dư hơn 8,8 tỷ đồng, nhiều người bày tỏ băn khoăn liệu thẻ tín dụng không kích hoạt, không sử dụng có bị tính phí?

Thông tin từ phía ngân hàng cho biết, các trường hợp thẻ tín dụng chưa kích hoạt, đã kích hoạt thẻ tín dụng nhưng chưa từng sử dụng hoặc đã sử dụng thẻ tín dụng nhưng tạm ngưng sử dụng vẫn bị mất phí bởi thẻ vẫn còn hoạt động. Tuy nhiên, tùy vào chính sách, quy định của mỗi ngân hàng và từng trường hợp cụ thể mà khách hàng sẽ phải chi trả những khoản phí với mức phí khác nhau.

Đối với thẻ tín dụng chưa kích hoạt, nếu khách hàng đã đăng ký mở thẻ tín dụng và nhận thẻ cứng về tay nhưng chưa kích hoạt thẻ, khách hàng cần phải chi trả khoản phí đăng ký mở thẻ tín dụng khoảng từ 300.000 - 2.000.000 đồng và phí giao thẻ tín dụng khoảng 20.000 - 30.000 đồng. Bên cạnh đó, người dùng cũng có thể được miễn phí phí phát hành và phí giao thẻ tùy theo chính sách của từng ngân hàng.

0527cac-tieu-chi-phan-loai-the-tin-dung-1-16619503459081991623252
Tùy theo chính sách của từng ngân hàng mà thẻ tín dụng có mức tính phí khác nhau. (Ảnh: M.H)

Thông thường, sau khi nhận được thẻ tín dụng, khách hàng cần kích hoạt thẻ sớm, bởi nếu để quá thời hạn mà thẻ tín dụng vẫn chưa được kích hoạt thì thẻ sẽ bị mất hiệu lực và không có giá trị sử dụng. 

Nếu khách hàng không kích hoạt sử dụng thẻ trong vòng 12 - 180 ngày, thẻ sẽ bị chấm dứt và tiêu hủy. Lúc này, nếu muốn sử dụng thẻ tín dụng mới, khách hàng phải làm lại thẻ và mất khá nhiều thời gian và chi phí phát hành thẻ.

Đối với thẻ đã kích hoạt nhưng chưa từng sử dụng để giao dịch hay thanh toán, khách hàng vẫn mất những khoản phí cơ bản là phí phát hành thẻ và phí thường niên.

Theo các ngân hàng, dù khách hàng không kích hoạt thẻ thì cũng đã thực hiện yêu cầu mở thẻ. Do đó, khách hàng vẫn cần chi trả phí phát hành thẻ. Mức phí này tùy theo quy định của từng ngân hàng, dao động từ 100.000 - 1.000.000 đồng.

Trong khi đó, phí thường niên lại là khoản phí bắt buộc chủ thẻ phải trả cho ngân hàng mỗi năm để duy trì thẻ. Phí thường niên phụ thuộc vào từng sản phẩm thẻ tín dụng và quy định của ngân hàng,dao động trong khoảng 100.000 - 1.000.000 đồng/năm.

Đối với thẻ đã sử dụng nhưng hiện tạm dừng, khách hàng phải chi trả các khoản phí như phí thường niên, phí phát hành thẻ, phí giao thẻ và có thể kèm thêm khoản phí phạt thanh toán dư nợ.

Nếu khách hàng vẫn đang nợ tín dụng, chưa trả hết khoản này thì sẽ phải trả thêm khoản phí phạt trả chậm nợ dư khoảng  5% và lãi suất khoảng 20 - 40% tổng số dư nợ tín dụng.

Những trường hợp không nên sử dụng thẻ tín dụng
Nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tới ngân hàng để hủy thẻ tín dụng. (Ảnh: M.H)

Theo các chuyên gia, sử dụng thẻ tín dụng đồng nghĩa với việc vay ngân hàng một khoản hạn mức tín dụng, chi tiêu trước và trả tiền sau. Vì thế người vay phải trả nợ đúng hạn, nếu không sẽ phải chịu thêm một khoản phí phát sinh là phí chậm thanh toán. Loại phí này được tính khá cao.

Bên cạnh đó, lãi suất thẻ tín dụng là số tiền mà chủ thẻ tín dụng phải chịu khi rút tiền mặt hoặc không trả đủ số nợ hoặc không trả nợ đúng thời hạn. Khi rút tiền mặt, chủ thẻ tín dụng sẽ phải chịu lãi suất trên khoản tiền đã rút. Nếu không thanh toán đủ hoặc đúng hạn số dư trên sao kê, ngân hàng sẽ thu lãi cho toàn bộ giao dịch. Mức lãi suất tín dụng là một trong những mức phí cao nhất, dao động từ 20%/năm trở lên tùy ngân hàng và tùy hạng thẻ tín dụng.

Như vậy, tùy vào mỗi trường hợp mở thẻ tín dụng mà khách hàng phải thanh toán các khoản phí khác nhau. Do đó, nếu không có nhu cầu sử dụng thẻ, khách hàng nên tới ngân hàng để hủy thẻ tín dụng.

Cùng chuyên mục