Tại sao gia đình bạn cần thay mới đũa ăn thường xuyên?
Đũa ăn là dụng cụ không thể thiếu trong mâm cơm của gia đình người Việt. Khi sử dụng đũa, cần lưu ý thay mới thường xuyên để hạn chế gây hại đến sức khỏe.
Tại sao cần thay đũa thường xuyên?
Đũa là một trong những dụng cụ được sử dụng trong mỗi bữa cơm hằng ngày của người Việt Nam. Món đồ này khi ăn uống sẽ tiếp xúc trực tiếp với miệng - cơ quan đầu tiên trong hệ tiêu hóa. Bởi vậy, nếu nó trở nên hư hỏng, mất vệ sinh sẽ dễ làm hại đến sức khỏe, có thể gây rối loạn tiêu hóa hoặc ngộ độc.
Đũa được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau như gỗ, tre, kim loại, nhựa,.. Trong đó, đũa gỗ và tre được sử dụng phổ biến nhất vì có tính ứng dụng cao, dễ sử dụng.
Đũa được làm bằng tre hay gỗ khi gặp môi trường ẩm ướt sẽ là điều kiện thuận lợi để các vi khuẩn như cầu tụ vàng hay E.coli sinh sôi gây nên nấm, mốc. Đối với các loại đũa nhựa hay kim loại, sau một thời gian dài sử dụng cũng có thể bị mòn, nứt, gãy.
Đũa được làm sạch thường xuyên nhưng nếu không vệ sinh kỹ càng và bảo quản đúng cũng có thể gây mất an toàn. Bởi vậy, các gia đình cần thường xuyên thay mới định kỳ để đảm bảo sức khỏe.
Sau bao lâu thì nên thay đũa một lần?
Đũa tre, gỗ
Thực tế, đũa tre, gỗ khó có thể vệ sinh sạch hoàn toàn và luôn cần được bảo quản tại nơi khô ráo, thoáng mát mới hạn chế được tình trạng nấm, mốc.
Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm đặc trưng của Việt Nam, đũa gỗ, tre dễ là môi trường để vi khuẩn sinh sôi, phát triển. Bởi vậy, cần thay mới trong khoảng từ 3 - 4 tháng, tùy theo tình trạng của đũa cũ.
Đũa nhựa
Đũa nhựa khi gặp nhiệt độ cao sẽ bị chảy, biến dạng, đồng thời khi sử dụng lâu dài cũng dễ bị mài mòn. Để đảm bảo sức khỏe không bị ảnh hưởng, các gia đình cần thay đũa trong khoảng 3 - 6 tháng một lần.
Bên cạnh đó, không nên sử dụng đũa nhựa để nấu nướng, tránh sự tiếp xúc với nhiệt độ cao để hạn chế tình trạng hư hỏng, gây hại đến sức khỏe.
Đũa inox
Inox là một chất liệu bền bỉ nên có thể dùng trong thời gian lâu dài nhất. Trong nhiều năm sử dụng, nếu đũa inox bị xước hay có dấu hiệu ố vàng, mài mòn, bạn nên thay mới chúng.
Phương pháp vệ sinh, bảo quản đũa
Nếu có phương pháp vệ sinh và bảo quản hợp lý, gia đình bạn có thể giảm thiểu nhiều nguy cơ bị nấm, mốc gây hại trên đũa. Cụ thể như sau:
- Không chà xát quá mạnh khi vệ sinh
Nhiều người có thói quen khi rửa bát sẽ chà xát đũa để làm sạch. Tuy nhiên, cách này dễ làm bong tróc lớp bảo vệ ngoài, khiến đũa trở nên thô ráp, dễ nứt và bị mài mòn.
- Phơi nắng, lau khô trước khi cất giữ
Sau khi rửa sạch, đũa cần được phơi nắng hoặc lau khô bằng giấy, khăn rồi mới cất vào tủ. Việc này sẽ hạn chế tình trạng ẩm, mốc.
- Khử trùng bằng cách đun sôi hàng tuần
Khi sử dụng đũa, nên khử trùng đều đặn 1 tuần/lần để đảm bảo vệ sinh. Có thể áp dụng phương pháp cho vào nước sôi hoặc dùng tủ khử trùng chuyên biệt.