Sâm Việt Nam: Giấc mơ Quốc bảo
Sâm Việt Nam đến giờ vẫn như nàng công chúa còn đang ngái ngủ, đang chờ sải gót hồng vào miền huyền thoại. Thứ dược liệu diệu kỳ ấy là của trời cho, là linh khí núi sông bồi tụ, hương gió sắc trời quấn quyện...
Nhưng, những cú vặn xoắn của thị trường, đôi khi là sự chênh phô của chính sách hôm nay khiến nàng công chúa vẫn đang xuân thì ấy đã đa mang lắm nỗi truân chuyên.
Vũ Minh Tiến đã khật khừ nói với tôi như vậy giữa vườn sâm nơi biên viễn xa ngái Phong Thổ (Lai Châu). Khói thuốc trên tay anh dật dờ bay, từng sợi mỏng lay lay rồi lẫn trong mịt mờ sương trắng.
Cơ duyên với Lai Châu
Tôi gặp Vũ Minh Tiến trong chuyến công tác vào Phong Thổ (Lai Châu). Anh ta là phóng viên, đồng nghiệp cũ của tôi, mấy năm không gặp lại nhưng xem ra dạo này này anh ta có vẻ sập sệ. Người anh ta nặc mùi trâu bò, răng vàng như hạt ngô và tôi để ý các kẽ móng tay đen kịt.
Đi cùng Tiến là anh chàng dân tộc Mông, tên A Niên, tầm 35 tuổi. A Niên không nói được nhiều tiếng Kinh, diễn đạt lủng củng nhưng được cái rất nhiệt tình. Anh ta cầm tay mời tôi về nhà uống rượu. Trời đã ngả về chiều, lạnh cắt da thịt. Chúng tôi kẹp 3 trên chiếc xe cà tàng của A Niên lên núi.
Căn nhà cấp 4 nằm trơ trên đỉnh đồi, nhẫn nại và cô đơn giữa bao la mây gió. Vợ A Niên đã đi làm thuê bên Trung Quốc nhiều năm không về, mấy đứa con cũng xuống trường nội trú Dào San, trong nhà bừa bộn như vừa trúng bom.
Bên trái nhà trông ra, tôi bất ngờ khi thấy một khu vườn khá rộng, cột thép được dựng kiên cố, hệ thống tưới tiêu cùng vách tôn và lưới đen trùm đậy khá quy củ. Ồ, vườn sâm! Những luống sâm cao cỡ chừng gang tay đang bời lên màu lá.
Tôi mờ hiểu việc Vũ Minh Tiến có mặt tại đây…
“Thỉnh thoảng tớ lên chơi với A Niên vài tuần, xem sâm lớn. Cũng còn mấy vườn bên Sì Lở Lầu nữa”, Tiến thỏ thẻ nói.
Câu chuyện đêm ấy nồng sánh rượu ngô, chán ngồi uống lại nằm uống, chuyện ngả nghiêng say. Nhưng mọi thứ có lẽ chỉ xoay quanh cây sâm Lai Châu, nó tốt thế nào, quý thế nào, sinh trưởng ra sao, bán mua chỗ nào… Và, tôi chợt hiểu đam mê của 2 gã trung niên cuồng ngạo ngồi kia, tại sao họ lại ngồi đây với nhau, đã nhiều ngày nay trên đỉnh đồi buốt lạnh này.
Cũng phải công nhận rằng trong gần một thập niên qua, việc quan sát, nắm bắt diễn biến của thị trường sâm Việt Nam có lẽ nhờ sự đóng góp khá hiệu quả của giới truyền thông. Họ, có khi vừa là người quan sát, vừa tham gia vào chính chuỗi liên kết đưa sản phẩm sâm đến tay người tiêu dùng.
Sâm Việt Nam với 2 dòng sâm chính là sâm Lai Châu và sâm Ngọc Linh được coi là Quốc bảo. Đơn giản là vì nó quý. Nó quý bởi chỉ có thổ nhưỡng và khí hậu ở một số vùng núi ở Việt Nam mới cho ra đời chủng sâm mang đầy đủ đặc tính nổi trội và riêng có mà không loại sâm nào trên thế giới sánh kịp.
Trong khi Trung Quốc với sâm Trường Bạch vốn đã nổi tiếng từ hàng vạn năm qua, Hàn Quốc được mệnh danh là quốc gia nhân sâm nhưng sâm của họ đến nay mới chỉ phát hiện ra 26 saponin. Trong khi đó, các nhà khoa học đã ghi nhận 104 hợp chất với 84 hợp chất saponin trong các bộ phận của cây như củ, thân, lá. Trong số hợp chất saponin thì MR2 là saponin nổi trội và cực kỳ quan trọng, chỉ có trong sâm Việt.
“Ghi nhận từ công trình nghiên cứu của nhóm các nhà khoa học Nhật Bản, đăng trên Tạp chí Nghiên cứu Nhân sâm của Nhật Bản năm 1999 và hiện đang được lưu trữ tại Thư viện Y khoa Quốc gia Hoa Kỳ khẳng định: Hoạt chất MR2 có trong sâm Việt Nam có tác dụng tiêu diệt tế bào ung thư rất hiệu quả. Mình đã tận mắt đọc tài liệu này, Nhật Bản họ nghiên cứu cực kỳ công phu và bài bản”, Vũ Minh Tiến nói.
Điều này mở ra cơ hội rất lớn để đưa MR2 trở thành hoạt chất hỗ trợ và điều trị ung thư thế hệ mới.
Đó chính là giá trị không gì đánh đổi được của thứ dược liệu trứ danh, đến thế giới cũng phải ngỡ ngàng. Sau nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học của Nhật Bản đã phải thốt lên: “Sâm Việt Nam là một thứ dược liệu thú vị”. Đến giới truyền thông Trung Quốc cũng phải thốt lên: “Không ngờ sâm Việt Nam quý đến thế!”.
Cầm vàng đừng để vàng rơi
Chính vì sâm Việt Nam rất quý nên nguồn sâm tự nhiên bao năm qua bị khai thác kiệt quê, có thời điểm đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Sâm Việt vốn đã quý, nay lại hiếm nên vô cùng đắt đỏ và nó chỉ dành cho người giàu mà thôi.
Bên cạnh đó, có một thực tế là bản đồ sâm Việt Nam hiện nay đang có những nghịch lý nhất định. Đó là việc tìm thấy và ghi nhận giống sâm Lai Châu. Theo nghiên cứu, Sâm Lai Châu và Sâm Ngọc Linh đều mang những đặc điểm giống nhau, hoạt chất saponin ghi nhận từ 2 chủng sâm này tương đương nhau. Có thể khẳng định, về giá trị của 2 chủng sâm này thì kẻ tám lạng, người nửa cân.
Nhưng vì sâm Lai Châu được tìm thấy sau (chưa chắc ra đời sau) nên nó bị lu mờ bởi thương hiệu sâm Ngọc Linh là quá lớn. Giá bán 2 loại sâm này cũng có sự chênh lệch khá lớn: Giá sâm Ngọc Linh gấp 2-3 lần sâm Lai Châu. Thế nên, việc thời gian gần đây, rất nhiều người đã bắt đầu tin tưởng và tìm mua sâm Lai Châu.
Tuy nhiên, có một thực tế, giá bán sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu đều đang rất cao so với thu nhập của người dân Việt Nam. Việc chúng ta coi sâm Việt Nam là Quốc bảo vô tình đã đẩy giá sâm Việt Nam xa rời giá trị thật khiến người nghèo không có cơ hội dùng sâm Việt.
Bên cạnh đó, dù biết sâm Việt Nam rất tốt nhưng những vườn sâm tự phát hay trong các HTX đều khá manh mún, diện tích trồng nhỏ, kỹ thuật canh tác thiếu khoa học, cây sâm còi cọc và năng suất rất thấp. Sâm trồng dưới tán rừng thì thực sự, nói cho vui thôi, chứ diện thích lưa thưa, đếm trên đầu ngón tay.
Chính phủ đã có đề án nghiên cứu, phát triển diện tích trồng sâm Lai Châu ở quy mô công nghiệp, tỉnh Lai Châu cũng theo đó tuyên bố triển khai các chương trình mục tiêu phát triển loài dược liệu quý này. Mục tiêu để toàn dân có thể được dùng sâm Việt Nam với giá phải chăng và đem xuất khẩu kiếm ngoại tệ.
Thế nhưng, tất cả có vẻ như vẫn đang được triển khai rất chậm.
Nó có vẻ rất trùng khớp với tâm lý của người nông dân Việt ta, đó là tâm lý ăn xổi. Trồng sâm, nó không giống như trồng dưa hấu hay nuôi lợn. Trong khi dưa hấu sau 1 năm thu hoạch vài lần, nuôi lợn cũng thế. Nhưng trồng sâm thì không như thế, phải mất tới 5-7 năm, thậm chí dài hơn, để có thể thu hoạch 1 lứa sâm.
Nông dân, đặc biệt là đồng bào nghèo ở miền Tây Bắc không đủ sức bền để đợi đến ngày hái quả. Trong khi quá trình trồng sâm tồn tại quá nhiều rủi ro, dính nấm phát là chết hàng loạt, thối rễ hoặc bị chuột rừng xơi trước. Và, có cả nỗi lo hôm nay trồng sâm không biết 5-7 năm sau giá cả nó thế nào.
Như chính câu chuyện của A Niên. Bao năm nay anh ta quyết tâm trồng sâm, đầu tư san hẳn quả đồi bên vách nhà để xuống giống. Nhưng lứa nào cũng vậy, cây sâm mới được khoảng 2 năm, vì thiếu tiền, đành phải bán rẻ cây non, thu về chẳng đáng là bao.
Bên cạnh đó, kỹ thuật canh tác vốn dĩ là tiền đề quan trọng hàng đầu trong nông nghiệp trồng trọt. Nó là nền tảng tiên quyết để xây dựng phát triển giống sâm Lai Châu ở quy mô công nghiệp.
Nhưng thử hỏi, hiện nay có bao nhiêu đề án khoa học bài bản được áp dụng vào thực tế. Hay chủ yếu sau khi được nghiệm thu, nó nằm im trên giấy và người nông dân vẫn lẩn mẩn dò đường trên đỉnh núi cao quanh năm mây mù. Còn thương lái thì ngồi vắt chân đua nhau làm giá, bóp méo thì trường.
“Nhiều năm nghiên cứu tìm hiểu và trải nghiệm về sâm Việt Nam, tôi mong muốn trở thành cầu nối đưa các chuyên gia nông nghiệp đến tận bản hướng dẫn bà con trồng sâm. Đồng thời chúng tôi cũng tìm đầu ra, cung cấp sâm Việt Nam chất lượng cao đến với người tiêu dùng thực sự thấu hiểu giá trị của nó. Việc truyền thông kiến thức và kinh nghiệm về sâm Việt cũng khiến người tiêu dùng có một cái nhìn chính xác và khách quan hơn trước khi bỏ tiền mua sâm để sử dụng. Ở một chừng mực nào đó, điều này cũng góp phần làm minh bạch hóa thị trường sâm Việt, hạn chế tình trạng gian thương lợi dụng danh tiếng sâm Việt để trục lợi. Khi đó, nông dân trồng sâm ta mới ổn định bền vững được”, Vũ Minh Tiến nói.
Tôi hiểu mong muốn có phần quá sức này của Tiến. Nhưng tôi tin, ở đâu đó, đang có rất nhiều người cùng chung mong muốn này. Nhìn những cây sâm còi và căn nhà cheo veo sập sệ của A Niên trên đỉnh đồi, lòng tôi cũng trào lên niềm tiếc xót.
“Cầm vàng rồi gắng đừng để vàng rơi”, Tiến nói với tôi vậy trước khi chúng tôi chia tay…