Thứ sáu, 26/01/2024, 08:50 (GMT+7)

Nhà ở xã hội tăng "phi mã" trong giai đoạn cận Tết

Giai đoạn cận Tết, thị trường Hà Nội chứng kiến sự tăng vọt của nhà ở xã hội với mặt bằng giá mới tăng từ 120 - 130% so với giá khi mở bán hồi cuối năm 2023, mức giao dịch phổ biến trong khoảng 33 - 36 triệu đồng/m2.

Ghi nhận từ Batdongsan.com.vn cho thấy, từ đầu năm 2024 một loạt dự án nhà ở xã hội tại thị trường Hà Nội đồng loạt thiết lập mặt bằng giá mới, tăng khoảng 120 - 130% so với giá khi mở bán vào tháng cuối năm 2023. Hiện mức giao dịch phổ biến của các dự án này đang neo ở mức 33 - 36 triệu đồng/m2.

Chẳng hạn ở dự án Rice City (Long Biên), tháng 11/2023, giá chào bán căn 2 ngủ ở mức 2,1-2,2 tỷ đồng/căn thì từ cuối tháng 12 đến nay, giá chào bán là 2,3-2,4 tỷ đồng/căn. Theo Batdongsan.com.vn, số lượng căn chào bán trên thị trường chuyển nhượng rất ít, người mua gần như không có nhiều lựa chọn về giá nếu tìm mua căn hộ tại dự án này.

Cùng diễn biến, dự án Hope Residence (Long Biên) cũng tăng từ mức 1,9-2 tỷ đồng/căn 2 ngủ hồi tháng 11/2023 lên ngưỡng 2,1-2,3 tỷ đồng/căn. Tương tự, dự án ở Thạch Bàn (Long Biên) cũng tăng từ mức 1,8-1,9 tỷ đồng/căn 2 ngủ lên mức 2,1-2,2 tỷ đồng/căn.

Tạo điều kiện cho người thu nhập thấp có nhiều cơ hội mua nhà ở xã hội
Giá nhà ở xã hội tăng vọt trong giai đoạn cận Tết. (Ảnh: Vngreen)

Còn ở quận Hoàng Mai, dự án Homes cũng ghi nhận mức tăng trung bình khoảng 50 triệu đồng/căn trong hai tháng cuối năm 2024. Cùng xu hướng, dự án Rice City Linh Đàm tăng từ 2,1-2,3 tỷ đồng/căn 2 ngủ lên mức 2,3-2,5 tỷ đồng/căn; dự án Đồng Mô Đại Kim tăng lên mức 2,2-2,3 tỷ đồng/căn 2 ngủ so với mức giá 1,9-2 tỷ đồng phổ biến vào tháng 10/2023.

Cũng trong hai tháng cuối năm, các dự án nhà ở xã hội tại các khu vực Nam Từ Liêm, Hoài Đức cũng ghi nhận mức tăng từ 150-300 triệu đồng/căn.

Lý giải nguyên nhân dẫn đến việc các dự án nhà ở xã hội "tăng phi mã" như hiện nay, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thời điểm này nguồn cung phân khúc nhà ở bình dân (dưới 25 triệu đồng/m2) liên tục sụt giảm từ mức 30% vào năm 2019 còn 7% năm 2022 và 6% vào năm 2023. Trong khi đó sản phẩm chính của thị trường lại tập trung ở phân khúc trung cấp và cao cấp. Điều đáng nói hơn là nhu cầu thực của người dân lại chủ yếu tập trung ở phân khúc khúc bình dân.

Trước thực trạng nói trên, Chủ tịch VARS cho rằng, để giải quyết bài toán nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội, cần đẩy mạnh phát triển nhà ở vừa túi tiền, phù hợp với mức thu nhập của người dân. 

Thực tế, không phải ai cũng đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội do tính chất của loại hình này và các quy định của pháp luật. Trong khi đó, nhà ở vừa túi tiền là nhà ở thương mại có giá vừa túi tiền, phù hợp với khả năng tài chính của đại đa số người dân, hướng tới nhóm đối tượng có mức thu nhập trung bình và cận trung bình, có tích lũy ở mức nhất định, ở các đô thị lớn.

Từ khóa:
Cùng chuyên mục