Sách Tết Giáp Thìn 2024 - Giai phẩm mùa xuân
Qua 5 năm ra mắt, các ấn phẩm Sách Tết từ 2019 đến 2023 đã trở thành những cuốn sách quen thuộc đối với bạn đọc cả nước mỗi dịp Tết đến xuân về.
Nối tiếp hành trình đó, năm nay, giai phẩm Sách Tết Giáp Thìn 2024 ra đời. Đây là hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết, với sự tham gia của nhiều tác giả, họa sĩ nổi tiếng.
Hợp tuyển văn thơ nhạc họa chủ đề mùa xuân và ngày Tết
Sách gồm 5 phần: Khúc dạo đầu của mùa xuân, Văn, Thơ, Nhạc, và Họa. Qua 5 phần nội dung, bạn đọc sẽ lần lượt đi qua những cung bậc cảm xúc khác nhau, đầy thú vị.
Ở phần Khúc dạo đầu của mùa xuân, bạn đọc được quay về những ngày xưa cũ, hồi tưởng không khí đón tết ở làng quê Bắc Bộ với mùi hoa xoan thơm ngát dìu dịu, một miền ký ức xa xăm mà giờ đây chỉ còn trong hoài niệm với Có ai còn tên Xoan của Trung Sỹ. Đó cũng có thể là những kỷ niệm về chợ Tết trong tâm tưởng của Nguyễn Ngọc Tiến mà giờ đây đã dần mai một bởi Những người muôn năm cũ/ Hồn ở đâu bây giờ? Người đọc cũng được thể nghiệm mùa xuân mà Cao Huy Thuần gọi là “sự trở về bất tận”, trong tư tưởng triết lý của Nietzsche luôn dũng cảm đối mặt với hiện thực phũ phàng. Đó cũng có thể là nỗi lòng của người Việt tha hương, phát cháo cho người vô gia cư ở trời Tây để lan tỏa tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách của dân tộc trong Mùng một gặp Thị Nở, ngày rằm đón đại gia của Kiều Bích Hương.
Những sáng tác đầy xúc cảm trong phần Văn và Thơ sẽ đem cho bạn đọc cái thú nghiền ngẫm chữ nghĩa đầu năm, để cảm nhận mùa xuân, cảm nhận cuộc đời thêm phần ý vị, bay bổng. Câu chuyện về hai ông già, một Bắc một Trung, bán hoa đào và hoa mai ở chợ tết trong Tiền rơi ở chợ hoa của Hoàng Công Danh hẳn sẽ mang lại cảm xúc dịu dàng và nhẹ nhõm cho người đọc. Hương mùi già của Nguyễn Thị Thu Huệ gợi nhớ thói quen tắm lá mùi vào chiều 30 Tết - nét đẹp văn hóa phổ biến của người dân Việt Nam. Phong tục bắt vợ trong lễ hội mùa xuân của đồng bào miền núi phía bắc cũng được tái hiện trong Lấy nhau mà như đùa của Hữu Vi. Những vần thơ của Văn Hiền gợi nhớ Tết quê, Vân Khánh tái hiện ký ức của Phiên chợ vùng cao, Song Hảo khao khát đón Mùa mới, Vân Long mang đến Chợ hoa của thủ đô nghìn năm văn hiến, còn Mẹ đi chợ Tết của Trần Đức Cường là cảm xúc háo hức của một em bé chờ mẹ mang những món lạ về để chuẩn bị đón Tết.
Ở phần Nhạc là những bài hát về mùa xuân nổi tiếng như Cánh én tuổi thơ (Phạm Tuyên), Lối nhỏ vào đời (Phạm Minh Tuấn), Ru em từng ngón xuân nồng (Trịnh Công Sơn), với lời bình của Nguyễn Thị Minh Châu. Phần Họa năm nay giới thiệu họa sĩ tuổi Thìn - Nguyễn Trung cùng những bức tranh sơn dầu mà ông vẽ thiếu nữ Việt Nam. Lịch sử ghi lại chân dung, từ tranh vẽ đến ảnh chụp và giờ đây là những bức ảnh selfie thời kỹ thuật số được Nguyên Đăng ghi lại trong Chân dung tự họa và tự chụp. Codex Leicester của thiên tài Leonardo da Vinci được Đăng Bảy giới thiệu trong Một kiệt tác bí ẩn sẽ khép lại Sách Tết.
Kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại
Ở Sách Tết Giáp Thìn 2024, từ phần “đọc” đến phần “nhìn”, độc giả đều có thể dễ dàng cảm nhận hương sắc mùa xuân. Những con chữ kể câu chuyện tết xưa tết nay, còn tranh minh họa và thiết kế của sách vừa đậm phong vị dân gian, vừa mang hơi thở hiện đại đầy sống động với những cải biến trong cách thể hiện.
Với cuốn sách này, người đọc sẽ không chỉ được nhìn về quá khứ, nhớ đến cái Tết thân thương, cùng đào mai, bánh chưng, tiếng pháo đì đùng hay phong bao lì xì đỏ chói… mà còn cảm nhận được hơi thở của cuộc sống hôm nay, nhìn lại một năm đã qua với bao cảm xúc thăng trầm đáng nhớ và hướng đến mùa xuân mới nhiều hứa hẹn, niềm vui.Với sự góp mặt của 60 tác giả, họa sĩ
Cũng như các cuốn Sách Tết đã ra mắt trước đây, Sách Tết Giáp Thìn 2024 thành hình từ sự góp sức của đội ngũ đông đảo tác giả, họa sĩ. Người đọc sẽ gặp lại những cái tên đã trở nên quen thuộc như Nguyễn Thị Thu Huệ, Ma Văn Kháng, Hồ Anh Thái, Phan Thị Vàng Anh... và có những cái tên mới hơn nhưng cũng đã ghi dấu trong lòng bạn đọc: Huỳnh Trọng Khang, Hiền Trang... Ấn phẩm còn có phần minh họa của Hoàng Phượng Vỹ, Quyên Thái, Đào Hải Phong, Ngô Xuân Khôi, Đặng Xuân Hòa, Kim Duẩn... cùng nhiều họa sĩ khác.