Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 02/07/2024, 05:42 (GMT+7)

Doanh nhân 'ngơ ngác' khi bị cấm xuất cảnh do nợ thuế vài trăm nghìn

Nhiều doanh nghiệp ở TPHCM vừa bị ngành thuế và hải quan gửi văn bản đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an đề nghị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế.

Cấm xuất cảnh vì nợ thuế vài trăm nghìn đồng

Điển hình như cuối tháng 5/2024, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 4 (Cục Hải quan TP.HCM) có 5 thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh đề nghị tạm hoãn xuất cảnh với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế, theo Tài chính Doanh nghiệp.

Trong đó có trường hợp của bà L.H.B - Chủ tịch HĐTV kiêm Giám đốc Công ty TNHH Thương mại hóa chất G.T (Bình Dương). Bà L.H.B bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 với lý do doanh nghiệp mà bà đang đại diện pháp luật nợ thuế 997.222 đồng. 

Một số lãnh đạo doanh nghiệp khác cũng bị cấm xuất cảnh do nợ thuế. Có những trường hợp số tiền nợ thuế không nhiều, trong đó có ông T.T.Q, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại Dịch vụ Ngọc Diệu. Doanh nghiệp của ông Q bị cưỡng chế số tiền nợ thuế chỉ hơn 10 triệu đồng.

Ông D.H.S, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Gỗ Sài Gòn Đông Dương, cũng bị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5 do doanh nghiệp này nợ thuế hơn 61 triệu đồng.

Giám đốc một công ty khác tại TP.HCM cũng bị tạm hoãn xuất cảnh do doanh nghiệp nợ 1,1 triệu đồng tiền thuế, chưa bao gồm các khoản phạt chậm nộp.

ca

Nợ ít hay nhiều đều bị cấm

Trên thực tế, chuyện cấm xuất cảnh vì nợ thuế đã được áp dụng từ vài năm nay. Nhưng sự việc được quan tâm nhiều gần đây khi có hàng dài doanh nhân trong danh sách nợ thuế bị bêu tên ở trang thông tin của hải quan địa phương.

Nhiều người cho rằng, quy định này là cần thiết song có phần hơi cứng nhắc. Bởi trong số những người nợ thuế, có nhiều người do kinh tế khó khăn, cũng có người do không biết mình nợ thuế. Mức nợ thuế chỉ vài trăm ngàn đồng cũng bị cấm xuất cảnh là chưa phù hợp.

Có ý kiến cho rằng, cần phải có quy định rõ ràng hơn về vấn đề này. Ví dụ như tăng ngưỡng áp dụng mức nợ thuế là bao nhiêu thì mới cấm xuất cảnh, vì không doanh nghiệp nào trốn vài trăm nghìn đồng tiền thuế, hoặc cơ quan thuế phải làm cách nào để người thi hành quyết định được biết mình đang nợ thuế, đến thời hạn nào không thi hành sẽ bị cấm xuất cảnh. 

Theo các DN, mục đích cuối cùng của các biện pháp chế tài đối với DN nợ thuế là làm sao thu được số tiền nợ đó về cho ngân sách nhà nước. Vì vậy, biện pháp cưỡng chế tài khoản DN phải là ưu tiên hàng đầu.

Các biện pháp cưỡng chế đầu tiên là phong tỏa tài khoản ngân hàng, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng… Khi đó, nếu DN vẫn không nộp thuế thì buộc cơ quan thuế phải áp dụng nhiều biện pháp khác, trong đó có việc đề nghị cấm xuất cảnh đối với người đại diện pháp luật. Cơ quan thuế là đơn vị chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chủ DN bị cấm xuất cảnh.

"Không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ"

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng Luật Thuế đã quy định thì mọi người phải tuân thủ, dù nợ thuế một đồng cũng phải nộp, không thể viện lý do ít hay nhiều để đặc cách, ngoại lệ.

“Đây là biện pháp mạnh mẽ để tăng cường thu hồi nợ thuế. Thực ra với mức nợ thuế khoảng 1 triệu đồng, không có gì khó khăn để nộp cả. Việc các lãnh đạo doanh nghiệp không nộp dẫn đến bị cấm xuất cảnh chủ yếu do chủ quan, chây ì”, ông Thịnh nói và nhấn mạnh đây là vấn đề ý thức tuân thủ pháp luật chứ không phải do doanh nghiệp khó khăn.

Theo ông Thịnh, người đại diện pháp luật phải tự tính toán, kê khai và chấp hành việc nộp thuế. Hơn nữa, việc tra cứu thông tin về thuế hiện nay rất đơn giản, dễ dàng, thuận tiện. Thậm chí trước khi đề nghị áp dụng biện pháp cấm xuất cảnh thì cán bộ thuế đã thông báo, nhắc nhở, thậm chí mời làm việc, chứ không tự dưng đề nghị cấm xuất cảnh.

Một trong những nhiệm vụ quan trọng của ngành thuế là tập trung thu hồi nợ thuế, bảo đảm nguồn thu nhà nước. Do đó cơ quan thuế phải áp dụng các biện pháp cưỡng chế để doanh nghiệp có trách nhiệm hoàn thành nghĩa vụ nộp ngân sách.

Thực tế, biện pháp cưỡng chế tạm hoãn xuất cảnh được cơ quan thuế, hải quan áp dụng có xu hướng tăng thời gian qua. Đây là công cụ để các cơ quan này thu hồi các khoản nợ tồn đọng về ngân sách Nhà nước. Năm 2023, thu hồi nợ thuế ước đạt 45.959 tỷ đồng. Đến cuối năm ngoái, tổng số tiền nợ do ngành thuế quản lý ước đạt 163.866 tỷ đồng, tăng 10,9% so với năm trước đó.

Sử dụng phần mềm Etax mobile để tra cứu các thông tin về thuế

Theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126/2020, thủ trưởng các cơ quan thuế, hải quan có quyền ra quyết định hoãn xuất cảnh với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Nhà chức trách không quy định cụ thể ngưỡng nợ bị áp dụng biện pháp cưỡng chế này.

Tại thông cáo mới đây, Bộ Tài chính dẫn Luật Quản lý thuế cho biết, nếu quá hạn 30 ngày, cơ quan quản lý thông báo cho người nộp thuế về số tiền nợ, ngày chậm nộp. Người nộp thuế cũng được nộp dần tiền nợ trong trường hợp có bảo lãnh của ngân hàng.

Để người dân thuận tiện tra cứu thông tin, trước đó tại công văn ngày 18/6, Tổng cục Thuế đề nghị các địa phương rà soát thông báo liên quan tới tạm hoãn xuất cảnh, đăng tải đầy đủ trên trang thông tin điện tử của Cục thuế.

Năm nay, Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu ngành tài chính đôn đốc, xử lý thu hồi nợ đọng thuế, đảm bảo tỷ lệ nợ đọng trên tổng số thực thu ngân sách Nhà nước đến 31/12 không vượt quá 8%. Cùng đó, tổng số nợ thuế, phí đến cuối năm nay cũng không được vượt quá 5%.

Để thu hồi nợ, ngành thuế được yêu cầu tăng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh với các cá nhân, người đại diện doanh nghiệp đang bị cưỡng chế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế, đặc biệt trường hợp không còn hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký.

Cùng chuyên mục