Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 28/05/2024, 08:24 (GMT+7)

Doanh nghiệp cần làm gì để tránh rủi ro liên quan đến nợ thuế?

Theo các chuyên gia, để tránh bị cưỡng chế thuế do nợ thuế, chủ doanh nghiệp cần phải thường xuyên kiểm tra tình trạng thuế để tránh gặp rủi ro không đáng có.

Nợ thuế từ vài trăm nghìn đồng đến hàng chục tỉ đồng

Mới đây, Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực IV (Cục Hải quan TPHCM) đã có hàng loạt thông báo gửi Cục Quản lý xuất cảnh (Bộ Công an) đề nghị tạm hoãn xuất cảnh đối với một số đại diện pháp luật của các doanh nghiệp đang nợ thuế từ vài trăm nghìn đồng đến vài trăm triệu đồng.

Theo đó, ông Trần Tô Quyền, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Thương mại và Dịch vụ Ngọc Diệu (quận 6) bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5/2024, do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Số tiền bị cưỡng chế hơn 10 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Quý Thịnh (quận 12) bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5/2024 do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Số tiền bị cưỡng chế gần 680 triệu đồng.

Ông Dương Hồng Sơn, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Gỗ Sài Gòn Đông Dương (quận 12) bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5/2024, do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Số tiền thuế bị cưỡng chế hơn 60 triệu đồng.

Ông Nguyễn Hữu Huỳnh, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Công nghiệp thực phẩm An Thái (tỉnh An Giang) bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5/2024 với lý do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Số tiền bị cưỡng chế gần 300 triệu đồng.

A cxc
Nhiều doanh nghiệp bị tạm hoãn xuất cảnh do nợ thuế tại TPHCM. (Ảnh minh hoạ).

Việc nợ thuế, dẫn đến bị cưỡng chế thuế bằng các biện pháp như bị buộc ngừng sử dụng hóa đơn, ngừng làm thủ tục hải quan, tạm hoãn xuất cảnh... khiến không ít chủ doanh nghiệp thiệt hại về uy tín cũng như hoạt động. Đáng nói, có những chủ doanh nghiệp chỉ nợ thuế vài trăm nghìn đến vài triệu đồng cũng bị tạm hoãn xuất cảnh, không khác gì với những người nợ thuế vài trăm triệu đến hàng chục tỷ đồng.

Đơn cử như trường hợp của ông Lê Huệ Bình, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Thương mại Hoá chất Giai Thăng (quận 10) bị đề nghị tạm hoãn xuất cảnh từ ngày 18/5/2024, do chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế. Số tiền bị cưỡng chế chỉ 997.222 đồng.

Phải tôn trọng việc nộp thuế

Liên quan đến vấn đề này, Luật sư Phan Văn Tú, Đoàn luật sư TPHCM cho biết, khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về việc hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp liên quan đến nợ thuế.

Cụ thể, các trường hợp đó là cá nhân là người đại diện theo pháp luật của người nộp thuế là doanh nghiệp thuộc trường hợp đang bị cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế; người Việt Nam xuất cảnh để định cư ở nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài trước khi xuất cảnh từ Việt Nam chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Do đó, dù số tiền nợ thuế là bao nhiêu, từ vài chục nghìn đến vài trăm nghìn hay nhiều tỷ đồng thì vẫn phải chịu trách nhiệm pháp luật như nhau. Hiện nay, không có quy định về số tiền ít hay nhiều mà mức độ xử phạt đối với việc chậm nộp thuế sẽ khác nhau. Do đó, người dân nợ thuế dù ít hay nhiều vẫn là nợ thuế và phải chịu các biện pháp cưỡng chế như nhau.

thuế
Khoản 1 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về việc hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp liên quan đến nợ thuế.

"Trách nhiệm của doanh nghiệp trước tiên cần phải thường xuyên kiểm tra thông tin nợ thuế của mình trên cổng thông tin của Tổng cục Thuế, qua đó có thể nắm được tình trạng nợ thuế của doanh nghiệp mình. Trong trường hợp xuất hiện nợ thuế, doanh nghiệp cần nhanh chóng xử lý để tránh các biện pháp cưỡng chế của cơ quan thuế sau này", luật sư Tú cho biết.

Các biện pháp cưỡng chế thuế này hiện được áp dụng với cá nhân, đại diện doanh nghiệp chưa hoàn thành nghĩa vụ thuế, theo Luật Quản lý thuế năm 2019 và Nghị định 126 năm 2020.

Theo chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, ở các quốc gia trên thế giới, pháp luật về thuế là cao nhất, do đó, bất cứ cá nhân hay doanh nhân nào cũng phải tôn trọng việc nộp thuế. Không như ở Việt Nam, nhiều người cho rằng việc nộp thuế là nghĩa vụ, khiến không ít người chây ỳ việc nộp thuế.

Ông Hiển cũng cho rằng người dân, doanh nghiệp cần phải ý thức được việc nộp thuế cũng như việc tuân thủ luật dừng đèn đỏ trong giao thông, nếu vượt đèn đỏ hay chây ì đóng thuế phải tự cảm thấy xấu hổ.

"Kinh tế thị trường là Nhà nước bảo vệ doanh nghiệp kinh doanh lành mạnh, bình đẳng. Do đó, nếu để một doanh nghiệp nợ thuế mà du di việc đó thì sẽ không công bằng với các doanh nghiệp nộp thuế đầy đủ, đây không phải là kinh tế thị trường", chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết.

Theo tìm hiểu, năm 2015, Bộ Tài chính từng đề xuất ngưỡng nợ thuế áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với tổ chức sản xuất kinh doanh từ 1 tỉ đồng trở lên và cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên. Nhưng đến nay quy định này chưa được áp dụng. Dưới góc nhìn của chuyên gia Đinh Thế Hiển, ông cho rằng không nên áp dụng đề xuất này.

"Chúng ta cần phải tạo ra ý thức rằng việc nộp thuế là một nghĩa vụ tự nhiên, chứ không phải sợ Nhà nước xử phạt nên mới đóng thuế", chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết.

Quy trình thực hiện tạm hoãn xuất cảnh đối với người nợ thuế ra sao?

Khoản 3 Điều 21 Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thực hiện tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh như sau:

Bước 1: Sau khi rà soát, đối chiếu, xác định chính xác nghĩa vụ nộp thuế của người nộp thuế, cơ quan quản lý thuế quản lý trực tiếp người nộp thuế lập danh sách cá nhân, cá nhân là người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp thuộc trường hợp bị tạm hoãn xuất cảnh và lập văn bản, gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đồng thời gửi cho người nộp thuế biết để hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế trước khi xuất cảnh.

Bước 2: Ngay trong ngày nhận được văn bản tạm hoãn xuất cảnh của cơ quan quản lý thuế, cơ quan quản lý xuất nhập cảnh có trách nhiệm thực hiện việc tạm hoãn xuất cảnh theo quy định và đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh.

Bước 3: Trường hợp người nộp thuế đã hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì trong vòng 24 giờ làm việc cơ quan quản lý thuế ban hành văn bản hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh, gửi cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để thực hiện hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh theo quy định.

Trước khi hết thời hạn tạm hoãn xuất cảnh 30 ngày mà người nộp thuế chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế thì cơ quan quản lý thuế gửi văn bản gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, đến cơ quan quản lý xuất nhập cảnh, đồng thời gửi người nộp thuế biết.

Bước 4: Văn bản tạm hoãn xuất cảnh, gia hạn tạm hoãn xuất cảnh, hủy bỏ tạm hoãn xuất cảnh được gửi qua đường bưu chính hoặc bằng phương thức điện tử nếu đủ điều kiện thực hiện giao dịch điện tử và được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế. Trường hợp văn bản gửi cho người nộp thuế qua đường bưu chính mà bị trả lại và văn bản đã được đăng tải trên trang thông tin điện tử của cơ quan quản lý thuế thì được coi là văn bản đã được gửi.

Cùng chuyên mục