Những ý kiến bấp cập xung quanh hoạt động quảng cáo ngoài trời tại Việt Nam
Sau khi Luật Quảng cáo được ban hành, bên cạnh những kết quả hạn chế vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nảy sinh trong hoạt động quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời nói riêng.
Ưu - nhược điểm của quảng cáo ngoài trời
Thời gian gần đây, quảng cáo nói chung và quảng cáo ngoài trời đang nhận được nhiều sự quan tâm của các cơ quan ban ngành, doanh nghiệp, nhãn hàng và các đơn vị hoạt động trong lĩnh vực này.
Ở Việt Nam, quảng cáo ngoài trời được phân chia thành 4 nhóm chính: Biển quảng cáo tấm lớn (là những loại biển có kích thước trên 40m2 phù hợp để xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp lớn. Loại biển này được đặt trên tầm cao ở những khu vực đông người qua lại). Quảng cáo trên đường phố (là các hình thức quảng cáo ở các kiot, trạm thông tin, nhà chờ xe buýt, băng rôn treo trên đường…). Quảng cáo trên các phương tiện giao thông là loại quảng cáo được dán ở bên ngoài hay bên trong các phương tiện xe buýt, taxi, xe khách, xa cá nhân, tàu thuyền, máy bay….POSM (là dạng vật phẩm quảng cáo như booth bán hàng, tờ rơi quảng cáo, kệ trưng bày, quà tặng…)
Có thể thấy quảng cáo ngoài trời là giải pháp truyền thông được xây dựng phù hợp, đáp ứng yêu cầu quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thương hiệu cho các doanh nghiệp. Quảng cáo ngoài trời có những ưu điểm lớn: Hình thức nổi bật, mang tính ép buộc cao (vì người xem không thể nhấn nút “Tắt” hoặc “Bỏ qua”), phạm vi phủ rộng, thời gian và tần suất kéo dài, không giới hạn khách hàng tiếp nhận, đa dạng về chi phí.
Bên cạnh những ưu điểm, quảng cáo ngoài trời cũng có những nhược điểm dễ nhận thấy: Loại hình quảng cáo này dễ bị tác động bởi các yếu tố con người, chất liệu, thời tiết… gây ảnh hưởng đến chất lượng quảng cáo; Do diện tích thể hiện giới hạn nên nội dung quảng cáo bị thu hẹp; Mỗi khách hàng chỉ có thời gian tiếp cận trung bình từ 3-5 giây; Khó đo lường hiệu quả quảng cáo; Đặc biệt là vướng mắc nhiều quy định liên quan tới Pháp luật, giấy phép thực hiện.
Trước những hạn chế của quảng cáo ngoài trời, nhiều chuyên gia đã chỉ ra các cách khắc phục nhằm đạt được sự tối ưu cho loại hình này. Cụ thể bằng các cách sau: Để gia tăng độ bền, đảm bảo quảng cáo luôn đẹp mắt cần lựa chọn chất liệu làm quảng cáo tiêu chuẩn, chuyên dụng; Do diện tích giới hạn nên cần thiết kế quảng cáo ngắn gọn, nhấn mạnh ý chính, hỉnh ảnh sản phẩm, thương hiệu và slogan phải thật ấn tượng, dễ nhớ; Lên kế hoạch quảng cáo phù hợp với mục đích, ngân sách sử dụng; Lựa chọn khu vực quảng cáo, các tuyến xe quảng cáo, số lượng và thời gian quảng cáo phù hợp; Theo dõi hiệu quả quảng cáo thông qua lượng khách truy cập, nhận thức về sản phẩm, thương hiêu.
Tuy nhiên, hướng khắc phục hạn chế về các vướng mắc quy định liên quan tới Pháp luật, giấy phép thực hiện của quảng cáo ngoài trời vẫn còn chưa đúng và đủ. Vấn đề này mặc dù đã được nhìn thấu, phân tích, đưa ra kiến nghị, giải pháp nhưng việc thực hiện vẫn còn đầy rẫy khó khăn.
Các ý kiến về bất cập của quảng cáo ngoài trời
Sau khi Luật Quảng cáo được ban hành, bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế nảy sinh trong hoạt động quảng cáo như sự cân bằng yếu tố văn hóa – kinh tế, sự thích ứng của các doanh nghiệp quảng cáo trước các xu hướng quảng cáo mới trên thế giới.
Tại hội thảo lấy ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo mới diễn ra ở Đà Nẵng, Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đắk Lắk – ông Lê Phúc Long cho hay, thời gian qua tỉnh này đã xã hội hóa được 2 cổng chào với giá hơn 10 tỷ để quảng bá du lịch. Hồ sơ công trình đã được thẩm định kỹ nhưng không thể lắp đặt vì vướng an toàn giao thông đường bộ. Theo ông Long những bất cập, xung đột giữa Luật Quảng cáo, Luật Đấu thầu, Luật Giao thông đường bộ… đã gây nhiều khó khăn cho việc cấp phép và quản lý quảng cáo ngoài trời.
Ông Hà Vỹ - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Đà Nẵng cho biết, địa phương này luôn triển khai, tuyên truyền, phổ biến Luật Quảng cáo và các văn bản hướng dẫn dưới nhiều hình thức. Đồng thời xây dựng cả đề án Quy hoạch quảng cáo ngoài trời. Bằng chứng là Đà Nẵng đã có 2 lần thực hiện Quy hoạch quảng cáo trên toàn thành phố. Gần đây nhất là quy hoạch 2.000 vị trí đặt biển quảng cáo ngoài trời nhưng khi thực hiện vẫn vướng mắc về cơ sở pháp lý.
Quảng cáo ngoài trời tại các đô thị lớn vẫn chưa được quy hoạch triển để gây mất mĩ quan
TP. Hồ Chí Minh cũng gặp không ít khó khăn, vướng mắc trong xử lý, xử phạt khi thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động quảng cáo. Khó khăn cả trong việc lập Quy hoạch quảng cáo ngoài trời theo Luật Quảng cáo và các văn bản liên quan. Ông Trần Thanh Vương - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình (Sở Văn hóa Thể thao TP Hồ Chí Minh) thì cho rằng các quy định chồng chéo khiến địa phương chưa tạo được hành lang pháp lý để thúc đẩy hoạt động quảng cáo phát triển bền vững.
Gần đây nhất, khi trao đổi với phóng viên báo Tiếp thị & Gia đình, ông Nguyễn Trường Sơn (Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam) thông tin, quảng cáo ngoài trời tại Hà Nội cũng có nhiều khuyết điểm như tình trạng đặt dụng quảng cáo sai quy hoạch, vượt quá kích cỡ, không thông báo nội dung sản phẩm quảng cáo…
Ông Sơn nhấn mạnh một số vướng mắc trong lĩnh vực quang cáo tồn tại những năm qua: Văn bản quản lý, hướng dẫn ban hành chưa đồng bộ, chậm được điều chỉnh. Quy hoạch Quảng cáo ngoài trời đã có quyết định ban hành từ năm 2018, nhưng đến nay vẫn chưa được công bố công khai, người làm quảng cáo chưa được tiếp cận; Quy chế quản lý hoạt động quảng cáo ngoài trời ban hành từ tháng 1/2016 chưa điều chỉnh kịp với những văn bản hướng dẫn sau này của các bộ, ngành; Việc tiếp nhận thông báo sản phẩm quảng cáo lúc nhận, lúc dừng... Những điều này gây khó khăn, thiệt hại cho việc kinh doanh của các doanh nghiệp quảng cáo, đặc biệt trong lúc đang có cố gắng phục hồi sau mấy năm đại dịch, làm ảnh hưởng nhiều đến sự phát triển kinh tế - xã hội của Thủ Đô.
Hầu hết những ý kiến, kiến nghị về vướng mắc, bất cập của Luật Quảng cáo, trong đó có quảng cáo ngoài trời đều được xem xét để trình Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và cơ quan chức năng. Hy vọng trong thời gian tới Luật Quảng cáo sẽ có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo cũng như các cơ quan quản lý hoạt động quảng cáo ở nước ta.