Tiếp Thị Gia Đình

Thứ tư, 05/06/2024, 10:25 (GMT+7)

Những nhóm hàng, dịch vụ nào dự kiến tiếp tục được giảm 2% thuế giá trị gia tăng?

Việc tiếp tục giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ sẽ giúp tăng sức đề kháng cho doanh nghiệp, người dân; góp phần ổn định kinh tế.

Bộ Tư pháp vừa tổ chức phiên họp thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế giá trị gia tăng. Phiên họp do Thứ trưởng Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng chủ trì, báo Chính phủ thông tin.

Đại diện Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2020-2030, Quốc hội đã quyết nghị giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với các nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế GTGT 10% (còn 8%), trừ một số nhóm hàng hoá, dịch vụ gồm: viễn thông, công nghệ thông tin, hoạt động tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, kinh doanh bất động sản, kim loại, sản phẩm từ kim loại đúc sẵn, sản phẩm khai khoáng (không kể khai thác than), than cốc, dầu mỏ tinh chế, sản phẩm hoá chất, sản phẩm hàng hoá và dịch vụ chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. 

Việc giảm thuế suất thuế GTGT đã có tác động tích cực trong việc hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ổn định sản xuất kinh doanh sau đại dịch Covid-19; đồng thời góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, tạo điều kiện thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, thời gian tới, tình hình thế giới, khu vực vẫn còn diễn biến phức tạp, khó dự đoán; sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn còn chậm, gây rủi ro gián đoạn tới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu. Ở trong nước, kinh tế quý I năm 2024 tuy đã có dấu hiệu của sự phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. 

giam-thue
Dự kiến tiếp tục giảm 2% thuế giá trị gia tăng đối với 1 số nhóm hàng hóa, dịch vụ (Ảnh minh họa)

Vì vậy, việc tiếp tục cho phép thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hoá, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế GTGT 10% trong 6 tháng cuối năm 2024 (từ 01/7/2024 đến 31/12/2024) là cần thiết nhằm kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh sớm phục hồi và phát triển; đóng góp trở lại cho ngân sách nhà nước cũng như nền kinh tế; qua đó thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025, Kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm, Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 – 2025.

Cũng tại phiên họp, các thành viên Hội đồng thẩm định cơ bản nhất trí với đề xuất giảm thuế suất thuế GTGT của Bộ Tài chính. Bên cạnh đó, một số thành viên Hội đồng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo cân nhắc phương án giảm thuế GTGT cho tất cả các loại hàng hoá, dịch vụ từ mức 10% xuống mức 8% vì trong thực tế, người dân, doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn trong việc phân loại mặt hàng nào được giảm thuế GTGT, mặt hàng nào không được giảm; làm rõ những cam kết, điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên nào đã được rà soát tính tương thích; làm rõ thẩm quyền ban hành Nghị quyết.

Phát biểu kết luận phiên họp thẩm định, Thứ trưởng Trần Tiến Dũng ghi nhận và đánh giá cao sự chuẩn bị Hồ sơ của cơ quan chủ trì soạn thảo. Đồng thời, Thứ trưởng đề nghị cơ quan chủ trì tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến của Hội đồng thẩm định và đánh giá kỹ tác động của dự thảo Nghị quyết tới KT-XH.

Cùng chuyên mục