Thứ bảy, 14/09/2024, 09:39 (GMT+7)

Người phụ nữ mắc bệnh tiểu đường bị nhiễm trùng bàn chân nhưng không biết: Cảnh báo dấu hiệu nguy hiểm cần cảnh giác

Người phụ nữ mắc bệnh tiểu đường phát hiện ngón áp út chân trái sưng đỏ nhưng không thấy đau đến khi nhiễm trùng nặng thì đã muộn.

Cảnh giác với nhiễm trùng bàn chân trên người bệnh tiểu đường

Gia đình & Xã hội thông tin, không ít người bệnh tiểu đường (đái tháo đường) bị xước, lở loét chân nhưng mất cảm giác, không cảm nhận được cơn đau đến khi phát hiện nhiễm trùng nặng thì đã muộn.

Một trường hợp điển hình là bà N.T.K. (64 tuổi, Bình Dương) bị tiểu đường hơn 10 năm, thường xuyên tê chân. Cách đây vài ngày bà phát hiện ngón áp út chân trái sưng đỏ nhưng không thấy đau. Sau khi tự mua kháng sinh về uống, vết thương sưng đỏ lan ra cả bàn, ngón chân áp út chuyển qua màu đen, rỉ mủ. Ngay lập tức, bà được gia đình đưa tới BVĐK Tâm Anh TP.HCM kiểm tra.

Qua thăm khám, bác sĩ chẩn đoán bà bị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường, có thể do trầy xước hay dẫm phải gai, nhưng vì bàn chân bị mất cảm giác nên không nhận biết sớm dẫn đến hoại tử ngón chân. Bà được cắt lọc mô hoại tử, chăm sóc giữ lại bàn chân nguyên vẹn.

Bác sĩ cho biết thêm, những người bình thường nếu bị vết thương như bà K. thường sẽ đau nhức không chịu được, thậm chí không ngủ được, nhưng bà K. không hề thấy đau đớn gì. Ngay cả khi được cắt lọc những mô hoại tử sâu vẫn không cảm nhận cơn đau. Nguyên nhân là do bà bị bệnh tiểu đường lâu năm nhưng kiểm soát kém dẫn đến biến chứng thần kinh gây mất cảm giác. Sau hơn hai tuần điều trị, bàn chân dần ổn định, bà được xuất viện.

base64-1725006275866662541031
Ảnh minh họa

Thậm chí, có nhiều trường hợp còn kém may mắn hơn bà K. Do tình trạng giảm hoặc mất cảm giác đau, người bệnh thường có tâm lý chủ quan không tích cực điều trị, khi đến bệnh viện thì đã trễ, chân hoại tử nặng, nhiễm trùng mô sâu kèm mạch máu chân xơ vữa nhiều, mất cơ hội chữa lành buộc phải cắt cụt ngón hoặc nguyên bàn chân.

Nhiễm trùng bàn chân tiểu đường là gì?

Nhiễm trùng bàn chân tiểu đường là bàn chân của người bệnh đái tháo đường bị các tổn thương do nhiễm khuẩn, loét, và/hoặc sự phá hủy các mô sâu liên quan tới các bất thường về thần kinh, một số giai đoạn của bệnh mạch máu ngoại vi và/hoặc các biến chứng chuyển hóa của bệnh xảy ra ở chân. Đây là một tổn thương phổ biến và nghiêm trọng. 

Nhiễm trùng bàn chân tiểu đường có dấu hiệu gì?

Các triệu chứng của nhiễm trùng bàn chân tiểu đường tương tự như bất kỳ bệnh nhiễm trùng khác. Khu vực xung quanh vết thương đỏ lên, lan rộng ra khỏi vị trí ban đầu. Người bị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường sẽ bị đau, nhạy cảm tại vị trí vết thương và vết thương ban đầu chảy mủ.

Khi nhiễm trùng phát triển sẽ xuất hiện các triệu chứng như: Sốt, ớn lạnh và đổ mồ hôi, hụt hơi, nghẹt mũi, cổ cứng, xuất hiện vết loét mới.

bien-chung-ban-chan-tieu-duong
Nhiễm trùng bàn chân tiểu đường có dấu hiệu gì?

Người bị nhiễm trùng bàn chân tiểu đường có thể nhận thấy mô đen gọi là vảy bao quanh vết loét. Tình trạng này hình thành trong trường hợp thiếu máu đến nuôi. Hoại tử một phần hoặc toàn bộ xuất hiện xung quanh vết loét, tạo ra dịch tiết, đau và tê.

Điều quan trọng là hầu hết người bệnh không nhận ra nguy hiểm cho đến khi vết thương bị nhiễm trùng. Nếu người bệnh đang có dấu hiệu nhiễm trùng ở bàn chân hay bộ phận khác, hãy đến bệnh viện để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Vì sao người mắc bệnh tiểu đường cần chú ý chăm sóc bàn chân?

Bác sĩ Nguyễn Thị Kim Tuyền, khoa Nội tiết – Đái tháo đường, BVĐK Tâm Anh TP.HCM, cho biết bàn chân chịu sức nặng của toàn bộ cơ thể, do liên tục bị tì đè, cọ xát, tiếp xúc mặt đất thường xuyên nên dễ tổn thương, đặc biệt ở người tiểu đường.

Nếu kiểm soát đường huyết không tốt thì dễ bị biến chứng bàn chân tiểu đường, nhiều người bệnh giảm hoặc mất cảm giác đau ở bàn chân. Đó là lý do khiến người bệnh bị trầy xước hoặc vết cắt… cũng không thấy đau nên chủ quan để vết thương ngày càng nặng, dẫn đến hoại tử.

Vì vậy, bác sĩ cảnh báo người bệnh tiểu đường không được bỏ qua dù 1 vết thương nhỏ ở bàn chân, hay trì hoãn thời gian tới bệnh viện mà tự điều trị tại nhà dẫn đến hậu quả đáng tiếc, có khi phải cắt cụt chân.

Cơ chế sinh lý bệnh ban đầu của đa số người bệnh tiểu đường có tổn thương bàn chân là mất cảm giác. Sự mất cảm giác thường đi kèm với giảm cảm giác rung, mất phản xạ gân gót chân. Các yếu tố dẫn đến cắt cụt chân tùy vào đánh giá tình trạng vết thương và các yếu tố khác như: tình trạng kiểm soát đường huyết, thời gian mắc bệnh tiểu đường, tuổi người bệnh, bệnh thần kinh ngoại biên, bệnh mạch máu ngoại biên.

Không chỉ dừng lại ở việc cắt cụt, chăm sóc vết thương sau cắt cụt chân cũng mất thời gian dài gây tốn kém tiền bạc, ảnh hưởng tới chất lượng đời sống của người bệnh. Hơn thế nữa, cắt cụt chân khiến tàn phế có thể gây sang chấn tâm lý cho người bệnh.

6669b1bd76a2e
Ảnh minh họa

Cách phòng ngừa biến chứng bàn chân ở người bệnh tiểu đường

Để phòng ngừa biến chứng bàn chân của bệnh tiểu đường, bệnh nhân đái tháo đường cần:

Người bệnh tiểu đường cần thực hiện theo lời khuyên của bác sĩ về dinh dưỡng, tập thể dục và thuốc. Giữ mức đường trong máu của bạn trong phạm vi theo chỉ định của bác sĩ.

Chăm sóc chân đúng cách gồm: móng chân nên cắt ngang và quan sát chân mỗi ngày để phát hiện vết trầy xước, bóng nước…

Rửa chân thường xuyên và lau khô sau đó, tránh ngâm chân quá lâu, tránh dùng các hóa chất mạnh để ngâm và rửa chân, tránh ngâm chân trong nước quá nóng hay quá lạnh, không mang tất chân quá chật và đi chân đất…

Nếu da trên bàn chân bị khô, hãy giữ ẩm bằng cách thoa kem dưỡng da sau khi bạn rửa và lau khô chân. Không thoa kem dưỡng da giữa các ngón chân.

Bên cạnh đó, người bệnh nên chủ động khám tầm soát biến chứng bàn chân tiểu đường khoảng 2 lần/năm nhằm phát hiện những biến chứng bàn chân sớm. Với những người bệnh đã có biến chứng bàn chân thì cần đi khám theo chỉ định của bác sĩ để có phương pháp xử lý kịp thời, tránh biến chứng loét chân, cắt chi.

Cùng chuyên mục