Tiếp Thị Gia Đình

Thứ ba, 17/10/2023, 11:23 (GMT+7)

Ngoáy tai thường xuyên: Cẩn thận nhiều mối nguy hại

Ngoáy tai thường xuyên tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh về thính giác. Đặc biệt, nếu không biết cách vệ sinh đúng, tình trạng thủng màng nhĩ, điếc rất dễ xảy ra.

Không ít người có thói quen tự lấy ráy tai tại nhà để vệ sinh, trị ngứa. Tuy nhiên, việc ống tai thường xuyên chịu tác động sẽ gây ra các tổn thương, viêm nhiễm, thậm chí nghiêm trọng hơn là ảnh hưởng đến chức năng nghe của thính giác.

Nguy hiểm tiềm ẩn khi ngoáy tai thường xuyên 

Viêm ống tai

Quá trình làm sạch dịch và ráy tai khiến nhiều người cảm thấy thỏa mãn, song nếu thực hiện với tần suất nhiều và lâu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng.  

Phần da ống tai khá mềm và mỏng manh. Nếu không biết cách vệ sinh phù hợp, sử dụng dụng cụ với độ mạnh, góc độ sai thì màng nhầy và da sẽ bị tổn thương.

ngoay-tai
Ngoáy tai với tần suất nhiều và lâu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây nhiễm trùng (Ảnh: Freepik)

Ngoáy tai nhiều khiến phần da bảo vệ ống tai bị rách, xước. Đây là điều kiện để vi khuẩn tấn công và sinh sôi gây viêm nhiễm. Khi bị viêm, tình trạng ngứa, khó chịu diễn ra thường xuyên và người bệnh sẽ lại ngoáy tai để giải quyết. 

Dần dần, hành động trên sẽ khiến các tổn thương trở nên nghiêm trọng, gây ra các cơn ngứa, đau nhức hoặc chảy mủ. Đồng thời, khi bị viêm ống tai, người bệnh thường có triệu chứng sốt, đau nếu cử động hàm hoặc chạm nhẹ vào tai.

Ảnh hưởng đến thính giác

Thính giác có thể bị ảnh hưởng nếu thường xuyên ngoáy tai. Bởi nếu sử dụng dụng cụ sai hoặc không biết cách vệ sinh, ráy tai sẽ bị đẩy vào sâu hơn. Từ đây, dịch tiết trong ống tai tăng lên, dần dần dễ gây tổn thương thính giác, ảnh hưởng đến quá trình nghe.

Tai là bộ phận đặc biệt quan trọng trong hệ thống thính giác của con người. Nếu muốn bảo vệ cơ quan này, bạn có cách vệ sinh khoa học, an toàn thay vì chỉ ngoáy tai. 

Thủng màng nhĩ

Dùng các dụng cụ có đầu nhọn để ngoáy hoặc đưa nó vào quá sâu rất dễ gây tổn thương, chảy máu trong và nghiêm trọng hơn là thủng màng nhĩ.

Nếu màng nhĩ chỉ đơn thuần bị rách thì giảm khả năng nghe hoặc gây điếc nhẹ. Trường hợp bị tổn thương sâu hơn, người bệnh có thể bị điếc nặng.

Ngoáy tai có thể gây ra các khối u

Theo một số nghiên cứu chuyên sâu, tần suất ngoáy tai cao dễ gây ra các tổn thương nghiêm trọng. Khi lặp đi lặp lại quá trình này, một số khối u có thể xuất hiện, như: ung thư biểu mô tuyến, u nhú ống thính giác ngoài.

Trường hợp mắc bệnh nhưng không được điều trị đúng cách, bệnh nhân có nguy cơ gặp phải các biến chứng về sức khỏe và tính mạng. 

Lây nhiễm bệnh

Có không ít trường hợp nhiều người cùng sử dụng chung một dụng cụ lấy ráy và đây là nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ lây lan mầm bệnh. Một số bệnh viêm, nhiễm trùng có mủ dễ bám vào dụng cụ, khi không được làm sạch, tiệt trùng kỹ sẽ dễ nhiễm sang người khác.

Ngoài ra, bạn cần đặc biệt thận trọng khi lấy ráy tai ở những tiệm cắt tóc, massage. Bởi một số dịch vụ này sẽ không chú trọng tiệt trùng dụng cụ. Điều này đồng nghĩa với việc các mầm bệnh ống tai dễ phát sinh, nguy hiểm hơn là bị lây nhiễm HIV. 

Khi nào thì nên ngoáy để lấy ráy tai? 

Lấy ráy tai nhiều không tốt cho sức khỏe, chỉ nên thực hiện thao tác này khi:

  • Ráy tai khô, vón cục không thể tự chui ra ngoài

  • Lượng ráy tai quá nhiều, gây cản trở khi quan sát màng nhĩ

Tuy vậy, để đảm bảo an toàn, bạn không nên tự ngoáy tai tại nhà mà cần được thăm khám và vệ sinh bởi bác sĩ tai - mũi - họng. 

ngoay-tai 1
Nên đến thăm khám bác sĩ tai - mũi - họng để được vệ sinh tai đúng cách (Ảnh: Freepik)

Bác sĩ chuyên khoa sẽ biết cách lấy ráy nhanh, hiệu quả mà không gây các tổn thương tai, gây hại đến sức khỏe. 

Một số cách xử lý khi gặp các vấn đề về tai khó chịu

Theo các chuyên gia, nếu bị ngứa, khó chịu ở tai thì chỉ nên xoa bóp, day nhẹ nhàng ở phần vành và nắp tai. Không nên vội tìm dụng cụ để ngoáy tai.

Tình trạng các cơn ngứa không thuyên giảm, nên áp dụng cách sau:

  • Dùng thuốc nhỏ chuyên dụng hay nước muối sinh lý để nhỏ vào ống tai.

  • Sau 5 - 10 phút, thực hiện thao tác nghiêng đầu về phía tai bị bệnh, day nhẹ ở phần nắp tai cho phần thuốc dư chảy ra.

  • Cuối cùng, dùng tăm bông sạch để thấm nhẹ cho khô tai.

Khi bị nước dính vào tai gây khó chịu, ù tai, hãy áp dụng cách sau:

  • Nghiêng đầu về mỗi bên, day nhẹ vào nắp tai để nước chảy ra ngoài.

  • Dùng tăm bông sạch đặt vào ống tai, nước sẽ được thấm hết vào bông.

Trường hợp đã thử áp dụng các phương pháp trên nhưng vẫn còn tình trạng ngứa, khó chịu, bạn cần đến thăm khám tại bệnh viện hoặc bác sĩ chuyên khoa tai - mũi - họng để được điều trị nhanh chóng.

Cùng chuyên mục