Chủ nhật, 13/07/2025
logo
Xu hướng quảng cáo

Ngành làm đẹp bước vào kỷ nguyên AI tạo sinh: Cuộc đua giữa L'Oréal, Estée Lauder và những gã khổng lồ toàn cầu

Thanh Hoa Chủ nhật, 13/07/2025, 06:15 (GMT+7)

Ngành làm đẹp đang dần chuyển mình ấn tượng, điển hình với AI tạo sinh trở thành công cụ chiến lược trong tay các tập đoàn mỹ phẩm toàn cầu.

Từ ngân hàng đến F&B: Khi đại nhạc hội trở thành 'chiến địa' của marketing hiện đại

Quảng cáo mỹ phẩm như thuốc, thương hiệu Ultra Spot có qua mặt người tiêu dùng?

Gemini AI 'thay áo mới': Logo 4 màu chuẩn Google, thêm mascot anime 'cực' dễ thương

Từ nghiên cứu phát triển sản phẩm (R&D) đến tiếp thị và bán lẻ, AI đang được tích hợp sâu vào mọi mắt xích, mở ra một chương mới về cá nhân hóa trải nghiệm người tiêu dùng và tối ưu hóa vận hành.

Theo báo cáo của McKinsey công bố đầu năm 2025, AI được dự báo sẽ tạo ra giá trị kinh tế lên tới 10 tỷ USD mỗi năm cho ngành làm đẹp toàn cầu. Không nằm ngoài xu thế, các "ông lớn" như L'Oréal, Estée Lauder và Unilever đang triển khai hàng loạt chiến lược rõ ràng để khai thác tiềm năng này.

L’Oréal, Estée Lauder, Unilever: 3 hướng tiếp cận AI khác nhau, cùng hướng tới tương lai

Estée Lauder đã bắt tay với Microsoft để rút ngắn chu kỳ phát triển sản phẩm, trong khi Unilever đang vận hành hơn 500 công cụ AI trên toàn hệ sinh thái của mình. L'Oréal đi xa hơn khi hợp tác với IBM và Nvidia để xây dựng phòng thí nghiệm nội dung AI. Mục tiêu của họ: phát triển công thức sản phẩm dựa trên nguyên liệu sinh học, phù hợp với mục tiêu phát triển bền vững “L’Oréal for the Future”.

media-10_11zon-1754
Unilever tích hợp AI vào quá trình chụp ảnh sản phẩm để tiết kiệm thời gian và chi phí

Không chỉ dừng lại ở nội bộ, L’Oréal còn hướng đến tái định hình trải nghiệm người dùng trong tương lai - nơi các trợ lý AI trở thành “cánh tay phải” của người tiêu dùng: từ trò chuyện với bác sĩ da liễu qua WhatsApp cho tới thử nghiệm trang điểm, làm tóc bằng công nghệ ảo.

Tại hội nghị Shoptalk Europe 2025, ông Guilhem Souche - Cựu Giám đốc điều hành L’Oréal và Dior nhận định: “AI từng là sân chơi riêng của Fintech hay giải trí, nhưng ngành làm đẹp nay đã bắt kịp. Bởi yếu tố cá nhân hóa, sáng tạo nội dung và sự tương tác chính là mảnh đất màu mỡ để GenAI phát huy tối đa lợi thế".

AI tạo sinh - Công cụ định hình tương lai sản phẩm và nội dung

Bà Melissa Alcocer - Nhà sáng lập công ty nghiên cứu Inluxury nhấn mạnh, sự khác biệt giữa AI truyền thống (dựa trên phân tích dữ liệu) và GenAI là công nghệ có khả năng sáng tạo ra sản phẩm mới, nội dung quảng bá và trải nghiệm khách hàng được cá nhân hóa.

Coty, một trong những thương hiệu tiên phong đã thử nghiệm avatar AI trong livestream từ năm 2021. Đến nay, hãng có thể sản xuất 1.000 nội dung tùy biến chỉ trong vài phút. Thương hiệu trẻ như e.l.f Beauty cũng đang thử nghiệm GenAI trong nhận diện giọng nói, lên ý tưởng quảng cáo và ứng dụng AR vào trải nghiệm người tiêu dùng.

Tại Viva Tech 2025, L’Oréal tiếp tục gây chú ý với công nghệ dẫn chương trình ảo phát triển cùng startup Topview.ai. Đây là ví dụ rõ nét cho chiến lược "xuất khẩu công nghệ" khi các sáng kiến công nghệ từ châu Á đang được nhân rộng ra toàn cầu.

media-11_11zon-1756
Estée Lauder hợp tác cùng Tmall để ra mắt cửa hàng mỹ phẩm đầu tiên tích hợp AI

Marketing, bán lẻ và R&D: 3 mũi nhọn GenAI đang định hình lại

Theo ông Souche, GenAI đã len lỏi sâu vào các hoạt động nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Các công cụ mới giúp thương hiệu dự đoán chính xác xu hướng, đồng sáng tạo cùng người tiêu dùng và rút ngắn đáng kể thời gian đưa sản phẩm ra thị trường.

Trong tiếp thị, GenAI không chỉ giúp tăng tốc sản xuất nội dung mà còn bản địa hóa chúng theo thời gian thực - đáp ứng đồng thời hai tiêu chí: tốc độ và độ phù hợp với từng nền tảng hay thị trường địa phương.

Ở mảng bán lẻ, đặc biệt là cửa hàng vật lý - nơi trải nghiệm đóng vai trò sống còn, GenAI đang giúp cá nhân hóa hành vi tiêu dùng theo thời gian thực. Những công nghệ như gương AR giúp tăng tỷ lệ chuyển đổi đến 90% và khi được kết hợp với GenAI, trải nghiệm này trở nên sống động hơn khi sản phẩm được "thiết kế riêng" cho từng cá nhân.

Ông Souche chia sẻ về một hệ thống đang được triển khai bởi Sthrive.AI - nền tảng tích hợp dữ liệu bán hàng, hiệu suất cửa hàng và đào tạo nhân viên. “Chúng tôi từng phát hiện một mã sản phẩm bán chậm không phải do sản phẩm, mà do nhân viên mới thiếu tự tin. Sau khi đào tạo ngắn hạn, tỷ lệ chuyển đổi cải thiện chỉ trong vài ngày. Đây là sức mạnh mà bảng điều khiển truyền thống không thể mang lại".

Cuộc đua AI trong ngành làm đẹp không còn là câu chuyện viễn tưởng. Từ việc rút ngắn chu kỳ R&D, cá nhân hóa nội dung tiếp thị, đến cải thiện hiệu suất bán lẻ, GenAI đang trở thành vũ khí cạnh tranh mới của các thương hiệu. Trong một ngành mà cảm xúc, trải nghiệm và cá tính đóng vai trò then chốt, khả năng triển khai AI hiệu quả chứ không chỉ là sở hữu công nghệ sẽ là chìa khóa định đoạt người dẫn đầu cuộc chơi.

Đọc thêm

Đừng bỏ lỡ

Cùng chuyên mục